Khi nhà quản lý và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung
Việc cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang có cách hiểu khác nhau trước những quy định tại Nghị định 116 về ô tô chỉ là một ví dụ cho thấy, việc đối thoại thẳng thắn, trực tiếp là hết sức cần thiết để giải quyết các vướng mắc.
Tại buổi đối thoại mới đây giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì, nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính đã được nêu ra.
Trong đó có các quy định tại Nghị định 116 năm 2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, đặc biệt là quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Chủ trì hội nghị đối thoại, Bộ trưởng Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đã để các doanh nghiệp và đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trao đi đổi lại rất kỹ về nội dung này với tinh thần đi đến cùng các vướng mắc để giải quyết.
Nhiều vướng mắc đã được giải quyết tại hội nghị đối thoại. |
Các doanh nghiệp Nhật khẳng định các cơ quan Chính phủ của mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận cho ô tô sử dụng trong nước. Xe sản xuất để xuất khẩu nằm ngoài sự quan tâm của họ. Do đó, các doanh nghiệp không thể có được giấy chứng nhận này từ cơ quan Chính phủ các nước.
“Hiện nay ở Việt Nam đã có giấy chúng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam. Chúng tôi nghĩ không cần phải có giấy chứng nhận theo như yêu cầu trên”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam nêu ý kiến.
Đến cuối buổi đối thoại, nhìn chung các cơ quan quản lý và đại diện doanh nghiệp đều đã tìm được tiếng nói khá thống nhất về hướng xử lý các vướng mắc được nêu ra, trừ quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nói trên.
Đại diện Bộ Công Thương và Bộ GTVT đều cho rằng quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nhằm bảo đảm công bằng giữa xe trong nước và xe nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng. Riêng Bộ GTVT còn khẳng định vừa qua đã đối thoại với các doanh nghiệp và vấn đề giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đã nhận được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thỏa mãn với nội dung trả lời. Họ khẳng định vướng mắc về giấy chứng nhận vẫn chưa được giải quyết và hỏi lại, liệu có được thay giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bằng giấy chứng nhận của chính nhà sản xuất?
Tới đây, khi đại diện Bộ GTVT nêu rõ không đồng ý với cách hiểu của doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng cần hiểu đúng về nội dung cũng như mục đích của Nghị định 116.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh với các doanh nghiệp Nhật Bản, tinh thần của Nghị định 116 là không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn bảo vệ chính các nhà sản xuất. Ông lấy ví dụ, vừa qua, Việt Nam nhập hai lô xe BMW từ Đức, một lô 700 và một lô 470 chiếc. Nhưng thực tế, đây là xe cũ được hoán cải, tân trang, nói theo ngôn ngữ Việt Nam là “mông má” lại để lừa khách hàng. Như vậy là ảnh hưởng chính đến nhà sản xuất BMW.
“Khi nhà sản xuất mở thị trường ở các nước thì việc cung cấp giấy tờ sẽ rất thuận lợi để chứng minh chất lượng hàng hoá, chứng tỏ lô xe này xuất xứ từ đâu, chất lượng ra sao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Tuy nhiên, với đại diện Bộ GTVT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị làm rõ cách hiểu quy định cần có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nhà nước của nước sản xuất xe, bởi vì chính quyền nước ngoài không cung cấp giấy này.
“Tôi nghĩ không chính quyền nào cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe xuất khẩu. Ngay cả Việt Nam cũng vậy. Doanh nghiệp xuất khẩu được là do thị trường. Thử hỏi là khi xe có vấn đề thì Chính phủ các nước triệu hồi xe hay doanh nghiệp triệu hồi?”, ông đặt vấn đề.
Còn Nghị định cũng yêu cầu nhà nhập khẩu phải có bảo hành bảo dưỡng là hướng tới trách nhiệm của nhà nhập khẩu đối với người tiêu dùng. Mua xe BMW thì phải vào hãng này bảo hành, có giá chuẩn, phụ tùng chuẩn, không phải đến những nơi khác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết các ý kiến tại hội nghị sẽ được tiếp nhận, nghiên cứu. Trong quá trình làm sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định để đáp ứng yêu cầu chung của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Rõ ràng, việc cơ quan quản lý và các doanh nghiệp hiểu khác nhau về một quy định sẽ gây ra những vướng mắc rất lớn trong thực thi chính sách. Do đó, việc gặp gỡ và đối thoại thẳng thắn, trực tiếp là hết sức cần thiết để cơ quan quản lý trước hết lắng nghe, giải thích rõ cho doanh nghiệp hiểu và trong trường hợp cần thiết thì xem xét, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Góp phần hiện thực hóa yêu cầu này, gần đây, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã liên tiếp tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp, qua đó phát hiện hàng loạt vấn đề vướng mắc về chính sách để đề xuất hướng xử lý, giải quyết. Cách làm việc này đã chứng tỏ hiệu quả thiết thực và cần được lan tỏa tới các bộ ngành, địa phương.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()