Khi người trẻ đăng ký hiến tạng
Hiến tạng là một nghĩa cử nhân văn giúp những người không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống. Xã hội ngày càng tiến bộ, suy nghĩ, quan điểm của con người về sự sống và cái chết trở nên nhẹ nhàng, cởi mở hơn. Những năm gần đây, hành động hiến tạng cứu người đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng người trẻ.
Mới đây, gia đình của một thanh niên 24 tuổi (ngụ xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) bị chết não do tai nạn giao thông đã đồng ý hiến tạng của con em mình để cứu sống những người khác. Tấm lòng đáng trân quý của gia đình ấy tiếp tục là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng đến với thế hệ trẻ, giúp họ hiểu thêm về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng. Từ câu chuyện này, xuất hiện những chia sẻ của các bạn trẻ về quyết định đăng ký hiến tạng, giải thích cho cộng đồng ý nghĩa của việc hiến tạng cũng như khuyến khích đăng ký hiến tạng để giúp đời, giúp người.
Sinh nhật tuổi 30 của Nguyễn Thu Hường (Bắc Giang) có rất nhiều ý nghĩa khi chị quyết định đăng ký hiến tạng. Thu Hường chia sẻ rằng từ lâu đã có ý định hiến tặng tạng sau khi chết. Đúng ngày sinh nhật, chị Hường đã cùng một người bạn thân, bắt xe khách từ Bắc Giang xuống Hà Nội, đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Điều vui hơn nữa đó là người bạn đi cùng chị Hường sau khi thấy được ý nghĩa nhân văn của hiến tạng cũng đã quyết định đăng ký hiến tạng.
Chị Thu Hường cho biết: Mỗi con người chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất trên đời, vậy nên hãy sống sao cho thật có ích và ý nghĩa, bởi vì “cho đi là còn mãi”. Nhưng để đưa ra được quyết định đó, không phải ai cũng tự quyết hoặc được gia đình, người thân ủng hộ. Rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng ngày nay vẫn là những định kiến và quan niệm cũ.
Bản thân may mắn khi được sự ủng hộ, động viên tuyệt đối từ bố mẹ, chồng con cũng như bạn bè cho nên chị Thu Hường đã có thể quyết định đăng ký một cách dễ dàng và nhanh chóng. Mỗi cá nhân trước khi đăng ký nên làm công tác tư tưởng, tâm lý với gia đình, người thân, bạn bè trước khi thực hiện; để cho mọi người có thể thấu hiểu, nhìn nhận việc làm này với ý nghĩa cao cả và thiêng liêng.
Không giống như Thu Hường, Ngọc Phương (21 tuổi, đang theo học một trường mỹ thuật tại Hà Nội) tâm sự rằng em vẫn chưa dám nói ra quyết định hiến tạng cho người thân biết, dù bản thân đã đi đăng ký trước đó rồi. Phương rất lo lắng và chưa biết giải thích thế nào nếu bố mẹ biết về việc đăng ký hiến tạng của em. Tuy rất thương con nhưng gia đình em vẫn còn giữ những quan niệm cũ, vậy cho nên nếu biết điều đó thì có thể Phương sẽ nhận sự phản đối từ những người trong chính gia đình mình.
Không chỉ quyết định đăng ký hiến tạng mà nhiều bạn trẻ còn trở thành tình nguyện viên của các trung tâm cộng đồng, tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng của việc hiến tặng tạng. Phương Huyền (24 tuổi), hiện đang là cộng tác viên cho các tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng, chia sẻ: “Việc quyết định hiến tạng là một hành trình thay đổi tư tưởng. Bản thân chứng kiến nhiều cái chết, tôi bắt đầu suy nghĩ và tự hỏi khi ra đi thì ta còn lại những gì? Thể xác rồi sẽ phân hủy, nhưng còn mô tạng khi được hiến sẽ không lãng phí mà còn mang lại sự sống cho người khác”. Sau khi có những chia sẻ và tuyên truyền về việc đăng ký hiến mô tạng trên mạng xã hội, Huyền đã nhận hơn 300 tin nhắn hỏi đáp về các vấn đề liên quan đến hiến tạng. Huyền cho rằng, phần lớn những người nhắn tin, trao đổi họ đã có ý định hiến tạng rồi, chỉ cần thêm xúc tác và được biết thêm quy trình là họ sẽ thực hiện ngay.
Nhiều năm trước chuyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học, cho y học hay đồng ý hiến mô tạng là chuyện còn khá xa lạ và hoàn toàn chưa phổ biến trong đời sống xã hội. Nhưng ngày nay, xã hội hiện đại, ngày càng tiến bộ thì những suy nghĩ, quan điểm của con người về sự sống và cái chết trở nên nhẹ nhàng hơn. Mặt khác có nhiều người nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ tham gia truyền cảm hứng từ các câu chuyện nhân văn của bé Hải An hiến giác mạc, đã quyết định đăng ký hiến tạng.
Theo Thứ trưởng Y tế, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, việc hiến, ghép tạng tại Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, Việt Nam đã thực hiện được những kỹ thuật khó như ghép gan, tim, phổi… Hiện đã có hơn 40 nghìn người đăng ký hiến tặng mô tạng và trong những năm qua đã thực hiện được hơn 5.000 ca ghép tạng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()