Khi người thầy nghỉ hưu
LSO- “Ôm” tấm Huân chương Lao động hạng Ba do đồng chí Hứa Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng nhân kỷ niệm lần thứ 28 ngày Nhà giáo Việt Nam, ánh mắt của ông Lã Thanh Thủy chứa chan niềm vui. Gần nửa thế kỷ làm nghề dạy học, về nghỉ hưu, nhưng ông có đâu “được” nghỉ. Tuy tuổi đã cao, đôi chân đã chậm, song vẫn đau đáu tâm huyết với nghề, tham gia hội khuyến học để tham mưu với cấp ủy, chính quyền, ngành GD có những chính sách khuyến học, khuyến dạy, khuyến tài. “Nhờ” xe của các cơ quan, đoàn thể, cùng ông Hoàng Hồ và các ông trong Hội Khuyến học tỉnh hết “lên” trung ương, lại về các huyện để vận động và cùng nhau bàn bạc phương hướng củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên; sang các cơ quan đoàn thể, đến với các doanh nghiệp huy động sức mạnh vật chất và tinh thần của xã hội giúp sức cho giáo dục. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết, đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Hội Khuyến học là một trong 28 hội có tính chất đặc thù. Như vậy, hội sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động. Chúng tôi biết, trong tháng 11 “tháng của nhà giáo” này, niềm vui của ông đã được nhân đôi. Làm cái công việc “vác tù và hàng…tỉnh” này đã gần 10 năm nay, các ông đã “nhận” rất nhiều, nhưng chẳng có gì cho riêng mình, vì nhận rồi lại “cho”, để thêm nhiều niềm vui khi con trẻ đến trường; tiếp sức người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không lâm vào cái cảnh “thiếu chữ”. Đến bây giờ, nhận tấm huân chương, ông rất vui vì Đảng và Nhà nước đã biết và ghi nhận sự đóng góp ấy của mình. Ở tầm “thấp” hơn, ông Nguyễn Khắc Dư, hội Khuyến học Tràng Định vượt qua cái tuổi “xế bóng” để đến với phong trào khuyến học các xã, các cơ quan, đoàn thể, nhà trường…công việc bận bịu suốt ngày, suốt tháng. Mỗi khi có dịp tâm sự với chúng tôi, ông trải lòng mình “Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng bản thân đâu có được “hưu”, cái đầu vẫn nghĩ, cái chân vẫn đi, đi để làm cái công việc mà mình cho là có ích cho sự nghiệp GD, có ích cho xã hội. Vất vả nhưng vui, vui vì khi mình đến với các xã, dòng họ…để vận động và “chỉ đạo” công tác khuyến học, mình vẫn được gọi là “thầy” với sự thân thương trìu mến”. Không ai hiểu rõ giáo dục bằng người thầy, và cũng không ai có thể làm công tác khuyến học tốt hơn những thầy giáo già. Bởi vì trong họ vẫn vẹn nguyên tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, tài thuyết phục và bây giờ lại có cả thời gian.
Ở khu vực nông thôn, những nhà giáo nghỉ hưu là “nguồn nhân lực”bổ sung cho đội ngũ trí thức nông thôn. Có thể họ từ chối nhiều “chức vụ” như trưởng thôn, bí thư chi bộ, ban mặt trận… nhưng họ lại vui vẻ nhận làm “quân sư” cho đội ngũ cán bộ cơ sở về nhiều vấn đề và tích cực tham gia công tác khuyến học. Như những cây đại thụ tỏa bóng xuống vùng quê luôn đổi mới hàng ngày, những “trí thức đồng quê” với đức sáng tâm trong, xứng đáng là chỗ dựa về tinh thần cho cộng đồng; nhiều khi các thầy vừa là “người thiết kế”, vừa là “người thi công” và duy trì các hoạt động của thiết chế văn hóa, thiết chế giáo dục cộng đồng, tiến tới xây dựng một xã hội học tập. Trong cộng đồng nhân dân vẫn gọi họ là thầy với lời lẽ khiêm nhường “nhờ thầy chỉ bảo…”.
Ý kiến ()