Khi người lính giúp dân xây làng mới
Trong khi nhiều đơn vị chủ lực của Quân đội thường xuyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu còn đang trăn trở về phương pháp tổ chức và thực hiện phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)" do Bộ Quốc phòng phát động, thì cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.
Trong khi nhiều đơn vị chủ lực của Quân đội thường xuyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu còn đang trăn trở về phương pháp tổ chức và thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” do Bộ Quốc phòng phát động, thì cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.
Những “địa chỉ đỏ”
Theo giới thiệu của Ðại tá Nguyễn Thắng Xuân, chúng tôi tới xã Ðại Ðồng, huyện Yên Bình (Yên Bái), chứng kiến không khí lao động rất khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ Ðại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174. Ở thôn Hương Lý, các chiến sĩ đã phân ra nhiều bộ phận: đào mương, làm đường bê-tông, giúp đỡ gia đình chính sách tu sửa nhà. Bí thư Ðảng ủy xã Ðại Ðồng Nguyễn Ngọc Ðiền và các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn cũng cầm cuốc, xẻng đào mương với mọi người. Ðây là lần thứ hai, đơn vị hành quân dài ngày đến giúp bà con. Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 174, Trung tá Phùng Xuân Bách cho biết thêm, xã Ðại Ðồng có một số thôn điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn nên đơn vị xác định nơi giúp đỡ có địa chỉ rõ ràng, như Ðại đội 5, Tiểu đoàn 2 giúp đỡ thôn Hương Lý, Ðại đội 9, Tiểu đoàn 3, giúp đỡ thôn Ðá Chồng… qua đó nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, đồng đều cho địa phương trong xây dựng NTM.
Ðại tá Nguyễn Thắng Xuân giải thích: Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM” được triển khai với hoạt động cụ thể, các chỉ tiêu sát thực tế, có tính khả thi cao, cổ vũ, lôi cuốn mọi người. Ðảng ủy, chỉ huy sư đoàn chỉ đạo, hướng dẫn các đại đội, tiểu đoàn lựa chọn, giúp đỡ một, hai địa chỉ chính sách, tình nghĩa (gọi là “địa chỉ đỏ”) là các thôn, xóm, bản trên địa bàn đơn vị đóng quân và những nơi đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động huấn luyện dã ngoại, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Thông qua việc này để giúp dân được chủ động, có tính chuyên sâu, không dàn trải”.
Hiện nay, toàn sư đoàn có hơn 40 “địa chỉ đỏ”. Thời gian thực hiện các hoạt động giúp dân ở những địa chỉ này được tiến hành trong giai đoạn huấn luyện đệm, những đợt hành quân dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận và hai ngày nghỉ cuối tuần. Riêng ngày nghỉ sẽ được thực hiện trong chương trình hoạt động xung kích tình nguyện của tuổi trẻ. Công việc đột xuất, quan trọng mà địa phương cần đơn vị đáp ứng ngay sẽ được chỉ huy trung đoàn, sư đoàn bàn bạc và giúp đỡ kịp thời sau khi xin ý kiến của cấp trên.
Cuộc hành quân thần tốc
Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 vẫn còn nhớ vụ nổ ở một địa chỉ đỏ. Lúc đó, là đầu năm 2013, em Nguyễn Trung Minh, nhà ở thôn Phượng Hùng 1, xã Chí Ðám, huyện Ðoan Hùng (Phú Thọ) học sinh lớp 6, Trường trung học cơ sở Tiên Phong, chăn trâu ở thôn Ðồng Màu, xã Chí Ðám nhặt được quả lựu đạn, khi Minh ném xuống sông, nó phát nổ làm em bị thương phải vào Bệnh viện huyện Ðoan Hùng cấp cứu. Chỉ ít phút sau vụ nổ, chỉ huy sư đoàn đã có mặt tại hiện trường, các anh nhận định, đó là “sản phẩm” mà thực dân Pháp để lại sau Chiến dịch Việt Bắc Thu – Ðông 1947. Sau khi trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương, báo cáo tình hình và tham mưu cho cấp trên phương án thực hiện. Ngay trong đêm đó, 15 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ của Tiểu đoàn công binh 17 nhận lệnh lên đường giúp dân dò gỡ mìn. Sau bảy ngày đêm miệt mài cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 17 đã mang lên khỏi lòng đất 301 quả nổ các loại, 1,95 ha đất của thôn Ðồng Màu và thôn Ngọc Trúc 1, xã Chí Ðám, huyện Ðoan Hùng được hồi sinh trong sự vui mừng của nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Chuyện giúp dân của Tiểu đoàn 17 được Sư đoàn trưởng, Ðại tá Trần Minh Phong khẳng định: “Những việc quan trọng địa phương cần giúp đỡ, cũng như hoạt động giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt luôn được cán bộ, chiến sĩ triển khai thần tốc như đánh trận”.
Ngoài ra, đơn vị còn chủ động tổ chức nhiều công việc giúp dân như tham gia xây dựng nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, bản; điểm bưu điện cấp xã; trường, lớp học; trạm y tế; cải tạo nâng cấp đường giao thông, làm cầu mới bằng vật liệu vững chắc, cải tạo nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi; tham gia thực hiện xóa nhà tạm, nhà tranh vách đất; thực hiện chương trình quân dân y kết hợp; trồng rừng bảo vệ rừng; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới; bảo vệ môi trường; thực hiện công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa…
Phong trào gắn kết phong trào
Ðến đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 đúng vào thời điểm cán bộ, chiến sĩ đang tu sửa hệ thống vườn, giàn, ao cơ bản. Vừa bước dưới ao lên, chân tay vẫn lấm lem bùn đất, Binh nhất Giàng A Vàng, Tiểu đội 7, Trung đội 6 cho biết, “có làm thì doanh trại mới đẹp, bữa cơm thêm nhiều món ngon”.
Qua tìm hiểu chúng tôi mới thấy, tâm sự của chiến sĩ Giàng A Vàng đã được cụ thể hóa trong chủ trương của Ðảng ủy, chỉ huy Sư đoàn. Ðó là, thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới” được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và việc xây dựng đơn vị chính quy, mẫu mực; có môi trường văn hóa lành mạnh.
Từ năm 2011 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã giúp đỡ nhân dân ở 42 thôn, xóm của tám xã thuộc các huyện: Ðoan Hùng, Thanh Sơn (Phú Thọ); Văn Yên, Yên Bình (Yên Bái), huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) hơn 30.000 công lao động, san gạt hơn 4.000 m2 đất đá làm đường, đào móng nhà; nạo vét gần 10.000 m kênh mương tưới tiêu, đào mới 56 km rãnh thoát nước; đổ 10 km đường bê-tông, xây dựng 12 nhà văn hóa thôn, gần 100 bể nước sạch. Các đại đội, tiểu đoàn giúp đỡ gần 200 gia đình chính sách tu sửa nhà, củng cố nơi ăn, ở. Các trung đoàn đã phối hợp với địa phương tổ chức 35 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; 22 buổi chiếu phim màn ảnh rộng…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()