Khi người dân là chủ thể, trung tâm phục vụ của Bảo hiểm xã hội
Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ; “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ” là những quan điểm được ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định sẽ bám sát để chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân, doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm trong công tác phục vụ của ngành bảo hiểm xã hội. Điều này đã được khẳng định và thể hiện rất rõ từ nhiều năm nay; nhất là trong năm 2021, một năm cả đất nước phải trải qua những diễn biến “chưa có tiền lệ”. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn ngành đã cụ thể hóa phương châm đó trong từng công việc, từ những hoạt động thường xuyên đến các nhiệm vụ đột xuất.
Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, thực hiện phù hợp với tình hình để đưa thông tin chính sách đến người dân được nhanh chóng, thuận tiện, dễ tiếp cận nhất. Trong công tác cải cách hành chính, đến năm 2021, bộ thủ tục hành chính của ngành đã được cắt giảm xuống chỉ còn 25 thủ tục. Các phương thức tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính được thực hiện đa dạng, linh hoạt như thông qua dịch vụ bưu chính công ích, giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (doanh nghiệp, người dân có thể giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội 24/24 giờ, 7/7 ngày). 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành và tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia…
Thực tế cho thấy, các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã giúp doanh nghiệp, người lao động tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian thực hiện (trung bình thời gian thực hiện các thủ tục giảm 50% so với quy định của Luật). Việc triển khai ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số” mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân, nhất là việc sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung triển khai trong thời gian ngắn, hoàn thành trước hạn, thông qua các thủ tục đơn giản, quy trình thuận tiện nhất, giúp đối tượng được thụ hưởng chính sách kịp thời, giảm bớt khó khăn trong dịch bệnh…
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến đối tượng phục vụ đã trở thành một trong những nền tảng quan trọng để ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; đồng thời nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Điều đó góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của người dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Nhìn lại để hướng tới. Những kết quả nêu trên cũng chính là cơ sở thực tiễn để năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nêu cao phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”. Điều đó được cụ thể hóa bằng những mục tiêu, giải pháp cụ thể như cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ quy định; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính; phấn đấu đạt 70% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng… Tất cả nhằm hướng tới việc để ngày càng nhiều người dân được thụ hưởng an sinh; đồng thời hài lòng hơn với sự phục vụ của ngành.
Theo Nhandan
Ý kiến ()