Tính đến nay, 100% các thôn trong xã đã có điện và đường trục chính đến tận trung tâm. Số xi măng hỗ trợ của nhà nước làm giao thông, thủy lợi hầu như được sử dụng hết ngay từ những tháng đầu năm. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, người Quốc Việt ra sức phát triển kinh tế, những nhân tố điển hình về trồng rừng. Ông Ma Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy xã khái quát: đến thời điểm này, tỷ lệ số hộ dùng điện đã đạt hơn 97%, kinh tế rừng phát triển, độ che phủ đạt trên 50%, bình quân lương thực đầu người đạt 519kg/người/năm…
LSO-Hơn 8 phần là đồi núi, đất canh tác nông nghiệp chẳng nhiều nhặn gì, ấy thế nhưng dù đường làm qua đất nhà ai, thì người dân Quốc Việt, huyện Tràng Định cũng tự nguyện hiến để thi công. Toàn xã có 24 thôn, quá nửa trong số đó tự huy động nội lực để mở đường, kéo điện.
|
Người dân xã Quốc Việt, huyện Tràng Định tu sửa máy nông cụ phục vụ sản xuất |
Trong 26 thôn, Bản Xỏm là thôn cách xa trung tâm nhất. Trước kia muốn ra trung tâm xã, người dân trong thôn phải ngược dốc, vượt đồi mất gần nửa ngày. Cũng vì thế mà ở Bản Xỏm, sản xuất chỉ tự cung, tự cấp, có đường, có điện trở thành khao khát cháy bỏng của người dân nơi đây. Thế rồi, năm 2004, sau nhiều lần họp thôn, bàn đi, tính lại, tự thiết kế, tự hạch toán, người Bản Xỏm quyết định mở đường.
Chị Lê Thị Na, Bí thư Chi bộ thôn kể: chỗ dễ thì dùng sức người với cuốc, xẻng, nơi khó thì thuê máy bạt núi mở đường, 18 hộ gia đình trong thôn đồng lòng đóng góp ngày công và hơn 1 triệu đồng mỗi hộ. Số tiền chẳng nhiều nhặn gì, thế nên thuê máy thì ít mà dùng sức dân thì nhiều, mỗi ngày làm một ít, mỗi tháng đường rộng ra, dài thêm một đoạn, hơn năm thì con đường trục chính dài hơn 5km đã hoàn thành. Đến tận khi thông đường, người dân trong thôn cũng không khỏi ngỡ ngàng, cánh cửa thoát nghèo đã mở ra với Bản Xỏm.
Nhưng vẫn thiếu thứ gì đó, chị Na tâm sự: thôn bên kia người ta đã có điện, mà thôn mình vẫn tù mù, làm xong đường, Bản Xỏm quyết tâm kéo thêm đường điện. Lại tiếp tục họp thôn, cũng tự thiết kế, tự hạch toán, gia đình ở xa sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, trung bình mỗi hộ cũng từ 3-5 triệu đồng. Phụ nữ thì vạch rừng phát tuyến, đàn ông đào móng, chôn cột, kéo dây, cứ vậy ròng rã vài tháng trời, đầu năm 2008 Bản Xỏm chính thức có điện. Ngày có điện đối với người dân trong thôn còn vui hơn cả hội, có nhà lúc ấy mang chiếc ti vi mới cáu cạnh mà họ đã mua tự lúc nào ra bật, người già tẩn mẩn lau chùi những đèn dầu hoa kỳ cũ kỹ, xem ấy như một kỷ niệm của một thời.
Sau Bản Xỏm, phong trào mở đường kéo điện lan tỏa mạnh mẽ tới các thôn khác trong xã như Nà Deng, Pò Chả…Ông Đàm Tuấn Việt, Chủ tịch UBND xã Quốc Việt thống kê: Cả xã có 26 thôn, thì đã có tới 15 thôn huy động sức dân, tự góp vốn mở đường, kéo điện. Chẳng thể thống kê được cụ thể, nhưng nếu tính ra tiền, thì con số cũng phải lên tới vài tỷ đồng. Mới đây nhất như thôn Nà Mừ, từ đầu năm 2011 đến nay 13 hộ dân trong thôn đã khánh thành 2 công trình lớn là đường trục chính và nhà văn hóa thôn, tất cả chỉ với 25 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước, còn lại, dân tự làm.
Tính đến nay, 100% các thôn trong xã đã có điện và đường trục chính đến tận trung tâm. Số xi măng hỗ trợ của nhà nước làm giao thông, thủy lợi hầu như được sử dụng hết ngay từ những tháng đầu năm. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, người Quốc Việt ra sức phát triển kinh tế, những nhân tố điển hình về trồng rừng. Ông Ma Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy xã khái quát: đến thời điểm này, tỷ lệ số hộ dùng điện đã đạt hơn 97%, kinh tế rừng phát triển, độ che phủ đạt trên 50%, bình quân lương thực đầu người đạt 519kg/người/năm…
Hiện nay công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã hoàn thành và đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt; 26/26 thôn thành lập ban phát triển nông thôn mới. Sau cả giải đoạn nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, nhân dân Quốc Việt lại tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng hoạch định, vạch ra những chiến lược phát triển với mục tiêu 2015, Quốc Việt đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()