Khi nghị quyết đi vào cuộc sống
LSO- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Để xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã nỗ lực thực hiện, đưa các chỉ thị, nghị quyết về văn hóa đi vào cuộc sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Xây dựng nếp sống văn hóa
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (23/5/2011) về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐK XDĐSVH) tỉnh giai đoạn 2011-2015”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện phong trào. Đồng thời tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến nội dung chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
Ban chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời kiện toàn và tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả chỉ thị. Việc bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân, làm cho phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng thôn, xóm.
Bà Đinh Thị Thao, Trưởng phòng Văn hóa–Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: “Thời gian qua, phong trào TDĐK XDĐSVH được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Qua tuyên truyền, người dân hiểu, nhận thức được ý nghĩa của phong trào đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm sạch đẹp”.
Đến nay, toàn tỉnh có 127.183 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 68% (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011); 1.157 thôn, khối phố văn hóa, đạt tỷ lệ 50% (tăng 17% ); 1.562 cơ quan, đơn vị văn hóa, đạt tỷ lệ 90% (tăng 5%).
Rước kiệu tại Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ (TP. Lạng Sơn)
Hiệu quả của phong trào không chỉ dừng lại ở những con số mà có thể nhận thấy từ những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân, hoạt động của từng gia đình, thôn xóm. Điển hình là câu chuyện của gia đình ông Vi Văn Đàn (xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) không được bình xét gia đình văn hóa vì có con trai vi phạm luật giao thông bị cảnh sát xử phạt. Ông Vi Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Lâu nói: “Qua tuyên truyền, nhận thức của người dân trong xã về phong trào được nâng lên, yêu cầu phải bình xét công bằng, khách quan. Đồng thời nâng cao ý thức giám sát cộng đồng trong đời sống sinh hoạt thường ngày ở từng gia đình, thôn bản. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, số vụ vi phạm pháp luật có xu hướng giảm”.
Chú trọng đầu tư thiết chế văn hóa
Thiết chế văn hóa là một trong những cơ sở quan trọng để duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa. Vì thế, tỉnh đã chú trọng việc xây dựng các thiết chế văn hóa và đưa vào 1 trong 23 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011-2015. Trong đó phấn đấu đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 85% thôn, khối phố có nhà văn hóa.
Để thực hiện tiêu chí này, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền vận động nhân dân chung sức xây dựng nhà văn hóa – nơi sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.976 thôn, khối phố có nhà văn hóa đạt 85,4%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Có thể nói, mỗi nhà văn hóa thôn, khối phố là một công trình của ý Đảng lòng dân. Bởi vì, để xây dựng được một nhà văn hóa, dựa trên chủ trương, kinh phí hỗ trợ (25 triệu đồng/nhà) của Nhà nước, người dân đã tích cực góp sức, từ hiến đất đến góp tiền, ngày công, nguyên vật liệu… Có nơi xây dựng được nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp với kinh phí lên đến vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào TDĐK XDĐSVH tỉnh cho biết: Trong nhiệm kỳ tới, ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng thiết chế văn hóa, khôi phục lễ hội, nghiên cứu, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần cùng cả nước xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh, nguồn lực đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()