Khi nam giới làm cộng tác viên dân số
– Nhắc đến cộng tác viên (CTV) dân số, nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là công việc của các chị em phụ nữ. Thế nhưng, ở Lạng Sơn có nhiều CTV dân số là nam giới đang hằng ngày, hằng giờ vẫn nhiệt huyết, nỗ lực tuyên truyền, vận động, đưa chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến với người dân.
Năm 25 tuổi, anh Chu Văn Bộ, thôn Tân Tiến, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc xung phong làm CTV dân số. Anh Bộ chia sẻ: Tôi làm nhân viên y tế thôn, bản từ năm 1998, khi thấy vị trí CTV dân số ở thôn còn khuyết nên năm 2000, tôi đã nhận nhiệm vụ này. Thú thật, lúc đầu, tôi rất bối rối và e ngại khi là thanh niên chưa vợ lại đi nói chuyện KHHGĐ cho các chị em trong thôn, nhiều chị em hay trêu đùa khiến tôi xấu hổ. Nhưng tôi đã quyết tâm làm thật tốt nhiệm vụ, giúp bà con KHHGĐ thật tốt, để cái đói, cái nghèo không còn đeo bám nữa.
Anh Chu Văn Bộ, cộng tác viên dân số thôn Tân Tiến, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ đến phụ nữ trong thôn
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, anh Bộ tuyên truyền, vận động chị em mọi lúc, mọi nơi, từ các cuộc họp của chi hội phụ nữ thôn, các cuộc họp thôn hoặc đến từng nhà. Nhờ sự tích cực của anh Bộ, từ một thôn có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, những năm gần đây, thôn Tân Tiến không còn trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đa số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tuyên truyền và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn, đời sống của người dân cũng nhờ đó mà dần cải thiện.
Ở trường hợp khác, ông Triệu Tiến Lâm, CTV dân số thôn Khuổi Bổng, xã Tân Hòa, huyện Bình Gia cũng đã có 30 năm làm nhân viên y tế thôn, bản và 10 năm làm CTV dân số. Nhờ sự góp sức của ông, 5 năm qua, thôn Khuổi Bổng không có tình trạng sinh con thứ ba trở lên và không có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Ông Lâm chia sẻ: Thôn Khuổi Bổng có 50 hộ dân thì 100% đồng bào là người dân tộc Dao. Những năm trước, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ, nhận thức còn hạn chế, người dân còn có tư tưởng “có con trai để nối dõi tông đường” nên tình trạng sinh nhiều con, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn tồn tại. Để người dân sinh đẻ có kế hoạch, thôn không còn tình trạng sinh con thứ ba trở lên, nhiều năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, tôi chủ động đi đến từng nhà, nhất là những gia đình có con một bề là gái đang có ý định sinh thêm con trai. Cùng với tuyên truyền đến chị em trong độ tuổi sinh đẻ, tôi còn tích cực động viên các anh em, những người cao tuổi để họ nâng cao hiểu biết, không ép vợ hoặc con dâu, cháu dâu mình sinh nhiều con…
Nhắc đến công việc của những CTV dân số trong đó có CTV là nam giới, ai cũng thấu hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của họ khi phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Công việc của họ vất vả nhưng phụ cấp không đáng là bao. Để gắn bó với công việc này, phần lớn trong họ có tình yêu công việc và sự nhiệt huyết, nỗ lực, trách nhiệm với cộng đồng.
Trước năm 2020, toàn tỉnh có hơn 2.700 CTV dân số, trong đó, số CTV dân số là nam giới có hơn 500 người (chiếm 20%). Từ năm 2020 đến nay, do các thôn, bản, khối phố được sáp nhập nên toàn tỉnh còn hơn 1.700 CTV dân số, trong đó, 45% (gần 800 người) CTV dân số là nam giới. So với nữ thì CTV dân số là nam giới gặp khó khăn, trở ngại hơn nhiều vì việc tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là công việc tế nhị và nhạy cảm, phù hợp hơn với nữ giới, hơn nữa khi tiếp xúc với CTV là nam giới thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng ngại bộc bạch… Xác định rõ khó khăn, trở ngại đó, các nam CTV đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả như: phối hợp với cán bộ hội phụ nữ, trạm y tế cấp xã để tuyên truyền, tư vấn có hiệu quả hơn; chủ động tiếp cận với những người chồng, người trụ cột trong gia đình để nói chuyện kế hoạch hóa gia đình; tranh thủ tuyên truyền qua các câu chuyện vui về KHHGĐ trong các cuộc họp, những bữa cơm gia đình… Nhờ đó, công tác tuyên truyền về DS-KHHGĐ đến được với người dân một cách thuận lợi.
Với những cố gắng, nỗ lực, tâm huyết với nghề, thời gian qua, những nam CTV dân số trong tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi gia đình về tầm quan trọng của công tác dân số đối với việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến ()