Khi "miếng bánh" không còn ngọt
Câu chuyện ông chủ Tập đoàn Kinh Ðô Trần Kim Thành đang trở thành tâm điểm của thị trường khi đã quyết định bán đi 80% cổ phần, tương đương gần 8.000 tỷ đồng từ mảng sản xuất, kinh doanh bánh kẹo của Kinh Ðô cho đối tác nước ngoài là Công ty Mondelez International, và trong thời gian tới sẽ bán nốt 20% còn lại. Ít ai nghĩ rằng, Kinh Ðô sẽ bán "miếng bánh ngọt" này, bởi mảng bánh kẹo là "nồi cơm" của Kinh Ðô và là một "cỗ máy in tiền" trong suốt 20 năm qua của họ.
Thương vụ khủng, nhưng kết thúc khá chóng vánh đã đánh dấu sự “rút lui” khỏi thị trường của “ông vua bánh kẹo” Việt Nam. Nhìn lại quá trình phát triển 20 năm của KinhÐô có thể thấy, mảng sản xuất, kinh doanh bánh kẹo được tập trung đầu tư khá bài bản, nó đã giúp cho Tập đoàn này đạt được thành công với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm, trong giai đoạn đầu, có năm tăng trưởng hơn 200%/năm. Tuy nhiên, lý giải nguyên nhân về việc rút khỏi thị trường bánh kẹo là do họ nhận thấy ngành bánh kẹo không còn nhiều cơ hội phát triển như trước và Tập đoàn này đã gây “sốc” hơn khi quyết định đầu tư sang một số lĩnh vực mới mẻ và nhiều tiềm năng khác, trong đó có mì gói, cà-phê, dầu ăn. Hướng đi mới này được cho là mở ra nhiều cơ hội với Kinh Ðô, tuy nhiên với một thị trường vốn “đất chật, người đông” thì sẽ phải có những cách làm thương hiệu đặc biệt để gây ấn tượng.
Nhiều người cho rằng, sau khi bán cho nhà đầu tư nước ngoài, các thương hiệu nổi tiếng của người Việt chưa chắc đã được gìn giữ và phát triển. Tuy nhiên, với người tiêu dùng là vậy, còn với các đại gia, bài toán kinh doanh đôi khi được xem xét ở nhiều khía cạnh. Việc lựa chọn mua cổ phần của Kinh Ðô là bước đi khôn ngoan của Mondelez Internationalkhi nhà đầu tư này tính đến sự dài hơi. Bởi theo báo cáo thị trường thực phẩm và đồ uống của Tổ chức Giám sát kinh doanh quốc tế (BMI), trong giai đoạn 2011-2014, ngành bánh kẹo Việt Nam có mức tăng trưởng từ 8 đến 10%. Riêng tăng trưởng doanh thu ngành bánh kẹo đến quý II-2014 đạt 10,7%. Về dài hạn, triển vọng cho thị trường bánh kẹo Việt Nam là rất tích cực. Các yếu tố như mức tăng thu nhập, tỷ lệ nhân khẩu ở độ tuổi lao động trên 51% và tiêu thụ bánh kẹo sẽ tăng mạnh trong tương lai. Mondelez International đã nhìn ra cơ hội này, bởi không có nhà đầu tư nào lại dại dột đầu tư vào những chỗ không sinh lời, chắc chắn họ phải nhìn thấy cơ hội của một dự án kinh doanh và những hướng đi mới.
Với sự tham gia của Mondelez International, thị trường bánh kẹo Việt Nam sẽ thuộc về nước ngoài và mức độ cạnh tranh sẽ ngày cà ng khốc liệt hơn. Bởi, Mondelez International là tập đoàn thức ăn nhẹ lớn nhất thế giới với doanh thu thuần lên đến 35 tỷ USD trong năm 2013. Trong khi các DN trong nước như Bibica, Hải Hà,… có mức tăng trưở ng chỉ 8-10%/năm thì tăng trưởng của các DN ngoại lên đến vài chục phần trăm. Với lợi thế của một thương hiệu lớn, mảng kinh doanh bánh kẹo chắc chắn sẽ được Mondelez International khai thác triệt để.
Với tình hình hiện nay, các DN sản xuất bánh kẹo trong nước có thể sẽ còn gặp phải những thách thức lớn hơn nữa từ các đối thủ nước ngoài khi ngày càng có nhiều thương hiệu bánh kẹo lớn dồn dập đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu vững mạnh, tập trung đầu tư phát triển chất lượng sản phẩm, hướng tới từng phân khúc khách hàng phải là ưu tiên hàng đầu. Ðể làm được điều đó, DN cần có kế hoạch đầu tư quy mô lớn, mở rộng mạng lưới phân phối, bán lẻ,… Cùng với đó, nếu các DN bánh kẹo trong nước có thể tìm được giải pháp khác để hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ tạo được nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển, tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường bánh kẹo Việt Nam.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()