Khi lịch sử cất tiếng hát khúc tráng ca trên sân khấu
Khi âm nhạc – sân khấu được các nghệ sĩ trẻ sáng tạo với niềm đam mê, những câu chuyện lịch sử, những ca khúc cách mạng tưởng chừng như rất khó hát bỗng trở thành những bản nhạc thu hút giới trẻ khắp không gian mạng.
Ca khúc “Áo mùa đông” – một bản nhạc gắn liền với sự kiện lịch sử mùa đông năm 1946 – đang được khán giả trẻ đón nhận hào hứng, ngay sau khi vừa phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Khám phá lịch sử qua âm nhạc
Trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" phát sóng trên VTV3 ngày 27-7, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, nhóm nghệ sĩ trẻ Xương Rồng (bao gồm các nghệ sĩ Thanh Duy, Thiên Minh, Duy Khánh và Bùi Công Nam) đã mang đến một tiết mục đặc biệt khi kết hợp hai ca khúc "Áo mùa đông" và "Trở về". Đây không chỉ là một màn trình diễn âm nhạc mà còn là một hành trình kết nối lịch sử với hiện tại, đưa khán giả trẻ trở lại thời kỳ hào hùng của đất nước trong những năm đầu độc lập.
Ca khúc "Áo mùa đông" ra đời năm 1946, khi Bác Hồ phát động may áo trấn thủ cho các chiến sĩ trong mùa đông khắc nghiệt. Những chiếc áo này không chỉ giữ ấm mà còn mang theo tình cảm của người dân hậu phương khắp mọi miền Nam Bắc, gửi gắm tới các chiến sĩ nơi tiền tuyến. Chính vì thế, nhiệm vụ mà nhóm nghệ sĩ trẻ Xương Rồng nhận được khi tham gia chương trình là phải xử lý một ca khúc có tuổi đời… như tuổi của cha ông thực sự là một thách thức. Bài hát này không dễ thể hiện do giai điệu trầm lắng và nội dung đậm chất lịch sử.
Tuy nhiên, nhóm trẻ đã biến thử thách thành cơ hội để thể hiện sức trẻ và lòng yêu nước. Thiên Minh, thành viên của nhóm, đã tra cứu lịch sử của bài hát để hiểu rõ hơn về thời điểm và câu chuyện mà bài hát ra đời. Còn NSND Tự Long – thành viên nhóm Sao Sáng – cũng thực sự thể hiện vai trò là một Đại tá Quân đội, là một người anh lớn của các nghệ sĩ trẻ, khi tận tình giúp đỡ nhóm đàn em hiểu sâu hơn về ý nghĩa lịch sử của chiếc áo trấn thủ, nhấn mạnh rằng đó không chỉ là một vật dụng giữ ấm mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và sự hy sinh.
Nhờ đó, một lát cắt lịch sử hào hùng và nhân văn của dân tộc được các nghệ sĩ trẻ tái hiện lại một cách hào hùng, giàu cảm xúc và đầy ý nghĩa trên sân khấu. Sau đêm công diễn, hàng vạn khán giả trẻ đã bày tỏ sự phấn khích và yêu mến tiết mục thông qua những bình luận tri ân: “nhờ bài hát này mà mình được hiểu thêm về mùa đông 1946”, “tôi đã khóc rồi, tự hào quá đi”, “thấy tự hào với lịch sử cha ông”…
Kết nối lịch sử và thế hệ trẻ
Nằm trong tổng thể một chương trình âm nhạc đang thu hút khán giả đến với truyền hình vào mỗi tối thứ Bảy, "Anh trai vượt ngàn chông gai" mỗi tuần mới lại đem đến những cảm xúc mới cho khán giả mọi lứa tuổi. Ngay trong tập đầu ra mắt, rất nhiều khán giả đã khóc khi nhìn thấy hình ảnh NSND Tự Long và danh thủ Hồng Sơn – những người nghệ sĩ, cầu thủ khoác áo quân đội – đứng chào cờ và bắt nhịp hát Quốc ca cho hơn 30 nghệ sĩ trẻ. “Dù đi đâu, làm gì, các anh cũng không quên mình là người lính!”, một bình luận để lại hàng trăm lượt yêu thích trên mạng.
Nghệ sĩ Duy Khánh chia sẻ: "Chúng ta đều là những con người Việt Nam, đầy kiên cường và bất khuất. Và chúng ta đang thừa hưởng những điều tuyệt vời mà ông cha đã hy sinh để đem lại sự tự do cho đất nước”.
Màn trình diễn mashup "Áo mùa đông - Trở về" không chỉ là một thành công về mặt nghệ thuật mà còn là một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp khán giả trẻ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử đất nước. Qua 4 tập phát sóng trên VTV3, "Anh trai vượt ngàn chông gai" không chỉ là một chương trình giải trí mà còn là một cơ hội để khán giả nhiều thế hệ trở về quây quần bên chiếc tivi để đón xem những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, tìm hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử, qua đó thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước.
Ý kiến ()