Khi hệ thống lương thực dễ bị tổn thương
Giá lương thực thế giới trong tháng 4 vừa qua đã tăng tháng thứ 11 liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 5-2014. Trong khi đó, nhiều khu vực trên thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng và hệ thống lương thực toàn cầu dễ bị tổn thương bởi tác động của đại dịch Covid-19.
Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 4 vừa qua ở mức trung bình 120,9 điểm, so với mức 118,5 điểm ghi nhận tháng trước đó. Chỉ số giá ngũ cốc tăng 1,2% so với tháng 3 và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020. Những lo ngại về thu hoạch mùa màng tại Ác-hen-ti-na, Bra-xin và Mỹ đã đẩy giá ngô tăng 5,7% trong tháng 4, trong khi giá bột mì ổn định. Chỉ số giá dầu thực vật cũng tăng 1,8% so với tháng 3 do giá nguyên liệu sản xuất dầu tăng cao. Giá các mặt hàng bơ sữa cũng tăng 1,2% do nhu cầu từ khu vực châu Á đối với các mặt hàng bơ, bột sữa không kem và pho-mai tăng cao. Chỉ số giá thịt cũng tăng 1,7%.
Giá lương thực tăng cao gây áp lực cho việc bảo đảm an ninh lương thực tại các quốc gia vốn chịu thiệt hại nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xung đột, dịch bệnh. Giá cả tăng không ngừng làm gia tăng sự nghèo đói, đẩy nhiều người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực và tuyệt vọng. Trong năm 2020, thế giới có thêm gần 20 triệu người trở thành nạn nhân của khủng hoảng lương thực do xung đột vũ trang, dịch Covid-19 và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo báo cáo của Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực, tổ chức do Liên hợp quốc và Liên hiệp châu Âu (EU) thành lập, triển vọng trong năm 2021 vẫn còn rất ảm đạm. Nếu năm 2020, khủng hoảng lương thực ảnh hưởng tới ít nhất 155 triệu người thì con số năm nay tăng mạnh lên hơn 200 triệu người, do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến
phức tạp.
Hai phần ba số người bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng lương thực là ở châu Phi. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cảnh báo, hạn hán dai dẳng ở miền nam Ma-đa-ga-xca đang đẩy hàng trăm nghìn người dân đến bờ vực của nạn đói và gây suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em. Hiện có khoảng 16,5% trẻ em dưới năm tuổi ở nước này bị suy dinh dưỡng cấp tính, gần gấp đôi tỷ lệ cách đây bốn tháng. WFP đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ma-đa-ga-xca, mà ước tính sẽ phải cần đến 74 triệu USD trong sáu tháng tới. FAO cho biết, không ít hơn 31 triệu người có thể bị đói từ tháng 6 đến 8-2021 ở khu vực Tây và Trung Phi. Theo FAO, tình trạng mất an ninh lương thực xảy ra có thể do giá lương thực tăng vọt ở những vùng này, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột và chịu tác động từ đại dịch đối với kinh tế – xã hội. Cần hành động ngay lập tức để tránh một “thảm họa” trong giai đoạn trước vụ thu hoạch tiếp theo, khi lương thực dự trữ đã cạn kiệt.
Hiện có ít nhất 28 triệu người trên thế giới đứng trước ngưỡng “khẩn cấp” của khủng hoảng lương thực, có nghĩa là họ chỉ cách nạn đói một bước. Y-ê-men, Áp-ga-ni-xtan, Xy-ri, Ha-i-ti nằm trong số 10 quốc gia bị khủng hoảng nặng nề nhất. WFP và FAO kêu gọi các nước, các tổ chức hợp sức trong cuộc chiến chống nạn đói với các biện pháp như hỗ trợ lương thực và tiền mặt. Ðại diện hơn 260 tổ chức phi chính phủ (NGO) trên thế giới đã ký vào một thư ngỏ kêu gọi chính phủ các nước quyên góp 5,5 tỷ USD để giúp 34 triệu người trên thế giới thoát khỏi nạn đói trong năm nay. Các tổ chức quốc tế kêu gọi hệ thống lương thực, nông nghiệp toàn cầu cần được thay đổi mạnh mẽ, nếu không các cuộc khủng hoảng lương thực sẽ gia tăng về tần số và mức độ nghiêm trọng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()