Khi giảm nghèo không còn là chuyện của chính phủ
Hỗ trợ đầu tư xây dựng Trạm y tế không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân nghèo mà còn giúp giảm gánh nặng chi phí cho Nhà nước về quỹ bảo hiểm y tế.
Với Nghị quyết 30A của Chính phủ, giảm nghèo không còn là cấp gạo, cấp tiền cho người nghèo. Điều này đến từ sự thay đổi trong cách thức giảm nghèo nhờ xã hội hóa với sự tham gia của những doanh nghiệp “đầu tàu” cùng triết lý “trao cần câu, không cho con cá.”
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Đặc biệt năm 2018, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%.
Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với năm 2017. Có được kết quả này bên cạnh nguồn lực của Nhà nước phải kể đến sự những nỗ lực, chung tay từ cộng đồng xã hội.
Khi doanh nghiệp chung sức vì người nghèo
Năm 2008 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 30A, trong đó có chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia chương trình. Theo đó từ năm 2009 Tập đoàn Viettel đã trực tiếp hỗ trợ 3 huyện: Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị).
Tính đến nay, tổng mức kinh phí Viettel hỗ trợ cho 3 huyện lên tới trên 200 tỷ đồng. Trong đó, huyện Bá Thước (65 tỷ đồng), Mường Lát (gần 60 tỷ đồng), Đắkrông (trên 76 tỷ đồng).
Với quan điểm hỗ trợ người dân cần câu, không hỗ trợ con cá, trước khi tiến hành hỗ trợ, Tập đoàn Viettel đã có những khảo sát đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của người dân. Từ đó có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất.
Từ nhu cầu của người dân, trong 9 năm qua, Viettel đã hỗ trợ 3 huyện nghèo (Mường Lát, Bá Thước- Thanh Hóa; Đăk Rông (Quảng trị) xây dựng các công trình an sinh xã hội như trường học, nhà ở cho người nghèo, trạm y tế và trang thiết bị khám chữa bệnh tại thôn bản; giúp người dân giảm nghèo bền vững thông qua việc tặng cây, con giống và đào tạo kiến thức sản xuất (tặng bò giống, hỗ trợ các hộ nghèo trồng cây sả nguyên liệu, tổ chức tập huấn về y tế, trồng trọt, chăn nuôi…); Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp giải pháp viễn thông-công nghệ thông tin.
Để đạt hiệu quả giảm nghèo cao nhất, Viettel cũng đưa những chương trình an sinh xã hội lớn khác của Tập đoàn vào các huyện này như: Internet trường học, Trái tim cho em, Vì em hiếu học…
“Bệ phóng” từ nguồn lực xã hội hóa
Cùng với nguồn lực từ Nhà nước và sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel đến nay bộ mặt ba vùng quê nghèo Bá Thước, Mường Lát và Đắckrông đã có những thay đổi đáng kể.
Ông Lò Văn Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bá Thước, cho biết sự hỗ trợ của Viettel cho địa phương thông qua chương trình 30A của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bá Thước nhờ đó đã giảm mạnh từ 50% năm 2009 (thời điểm Viettel bắt đầu hỗ trợ huyện nhà) nay chỉ còn 13,3% (theo chuẩn nghèo mới).
Điều đáng ghi nhận là với phương thức hỗ trợ linh hoạt, dựa vào nhu cầu thực tiễn từ người dân các chương trình hỗ trợ đã thực sự thay đổi tư duy của người nghèo về ý chí vươn lên thoát nghèo. Trong đó xã Kỳ Tân và Cổ Lũng là hai xã nghèo được thụ hưởng từ sự hỗ trợ Viettel đã có những thay đổi lớn về tư duy thoát nghèo.
Rất nhiều hộ dân đã thoát nghèo từ chương trình bò giống của Viettel, phong trào học tập cũng được nâng lên nhờ sự khích lệ của chương trình Vì em hiếu học. Đặc biệt sự hỗ trợ kịp thời về xây dựng và đầu tư trang thiết bị y tế tại hai xã Kỳ Tân và Cổ Lũng đã thực sự đem lại hiệu quả về y tế cũng như kinh tế.
“Trước đây vì chưa có nguồn lực đầu tư nên hai trạm y tế tại hai xã đều xuống cấp, thế nên công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không được đảm bảo. Khi trạm y tế mới đi vào hoạt động, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đã đạt kết tốt hơn” – ông Lò Văn Thắng nhấn mạnh.
Tương tự cũng tại huyện Đắckrông chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017-2018, Viettel phối hợp với chính quyền hỗ trợ xóa 159 nhà tạm hộ nghèo với kinh phí 9,75 tỷ đồng; trao tặng hộ nghèo 200 con bò giống và làm chuồng với kinh phí 3,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Viettel cũng hỗ trợ 100 hộ nghèo trồng cây sả tạo nguyên liệu tinh dầu với kinh phí 1 tỷ đồng; xây dựng Trạm y tế xã Mò Ó, kinh phí 3,5 tỷ đồng.
Đánh giá hiệu quả từ chương trình mà Tập đoàn Viettel đã hỗ trợ cho địa phương, ông Lê Đắc Quỳ – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắckrông cho biết: Trong 8 năm qua Viettel đã đầu tư hỗ trợ trên 76 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế, xây trường bán trú dân nuôi, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đầu tư hạ tầng… Sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Trong những năm gần đây nguồn lực của Nhà nước dành cho công tác giảm nghèo đều tăng nhưng so với thực tế yêu cầu thì nguồn lực này vẫn còn rất hạn chế. Xuất phát từ điều này, chủ trương xã hội hóa trong huy động các nguồn lực đã được Chính phủ đưa ra khi ban hành Nghị quyết 30A. Sau 10 năm triển khai, chủ trương đó đã đem lại những “sức bật” lớn tại những vùng quê nghèo.
Mỗi trạm y tế, trường học, con bò được trao là một là một tin rất vui với những người dân các huyện nghèo. Dù còn nhiều gian khó nhưng chắc chắn với những “bệ phóng” đó chắc chắn đời sống của người dân các huyện nghèo sẽ ngày một được nâng lên nhờ cách làm vừa đúng và trúng này./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()