Khi đối tác ngưng nhập hàng, doanh nghiệp dệt may ứng phó ra sao?
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, xác nhận doanh nghiệp của ông đã nhận thông báo từ đối tác EU ngưng nhập hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày 17/3 và đối tác Mỹ ngưng nhập hàng 3 tuần từ ngày 18/3. Nhiều lô hàng đã đóng container nhưng hãng tàu không nhận hàng do đã nhận được thông báo từ đối tác phía Mỹ và EU.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TPHCM cho biết một số thành viên khác trong Hiệp hội cũng nhận được thông báo tương tự từ đối tác.
Trong khi đó, xác nhận hiện tượng này với báo chí, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam xem đây là phản ứng của các nhà nhập khẩu khi Mỹ và EU đã hạn chế đi lại, người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà, các trung tâm thương mại đang thu hẹp, thậm chí đóng cửa khiến sức mua sụt giảm. Ông Trường cho biết sự việc này chưa từng xảy ra trong 25 năm qua.
Vì kỳ vọng vào “sức khỏe” của các thị trường trên nên doanh nghiệp Việt gần như không có sự chuẩn bị cho tình huống này.
Ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ suốt 2 tháng qua, dù nguyên phụ liệu đầu vào bị gián đoạn nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn bằng mọi cách tìm kiếm nguồn cung mới, duy trì sản xuất đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Đến nay, khi nguồn cung nguyên phụ liệu dần đi vào ổn định, doanh nghiệp vừa bắt nhịp tăng tốc sản xuất thì đón nhận cú sốc từ thì trường Mỹ và EU. Ông Hồng dự báo có thể hai thị trường Mỹ và EU sẽ ngưng nhập hàng ít nhất 2 tháng, đẩy các doanh nghiệp dệt may vào tình hình khó khăn.
Để tránh hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp đã đàm phán với đối tác tiếp tục duy trì nhập các sản phẩm đang bán qua kênh trực tuyến để giải quyết phần nào khó khăn.
Với Công ty TNHH Hoàng Gia G.T.M Đồng Nai, cách ứng phó với khó khăn lại khác. Theo ông Trần Minh Sinh, Phó Giám đốc Công ty, từ đầu tháng 3 đã có dấu hiệu nhu cầu của đối tác EU chậm lại nên doanh nghiệp phải tìm nguyên liệu chuyển sang sản xuất khẩu trang để duy trì việc làm ổn định cho người lao động.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, trong hình huống này, giải pháp trước mắt của các doanh nghiệp là vừa tập trung chống dịch, vừa đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ nội địa bằng các chương trình khuyến mại, tuy thị trường nội địa cũng rất khó khăn vì năng lực sản xuất của ngành có đến 90% phục vụ xuất khẩu.
Trước mắt, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam cố gắng giữ công nhân, dù không sản xuất vẫn trả mức lương tối thiểu vùng dù đây chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn.
Hơn lúc nào, các doanh nghiệp dệt may đang trông đợi vào gói tín dụng 285.000 tỉ đồng của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid -19. Một phần áp lực đã được giải quyết khi Bộ LĐTB&XH đang đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp tạm hoãn đóng BHXH từ tháng 3 đến tháng 12/2020.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần cấp bách giúp doanh nghiệp dệt may tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất thấp nhất để trả lương, giữ chân người lao động, song song đó là đồng hành cùng doanh nghiệp xúc tiến, tìm kiếm đa dạng nguồn cung nguyên phụ liệu để sẵn sàng đón bắt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA sau khi dịch bệnh đi qua./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()