Khi doanh nghiệp vào cuộc
Cuối tháng 4, tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như miền trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu phân bón đang gia tăng do nông dân chuẩn bị vào vụ hè thu, đồng thời bắt đầu mùa mưa - thời điểm thuận lợi để bón phân cho các loại cây trồng. Tuy nhiên, nguồn hàng đang có nguy cơ thiếu hụt, nguyên nhân chính được các đơn vị kinh doanh phân bón giải thích là do khó khăn về vận tải sau khi Bộ Giao thông vận tải ra chỉ thị đặt các trạm cân xe trên các tuyến đường, các kho, cảng đầu mối làm cho cước vận tải tăng vọt, các đơn vị vận tải hoạt động cầm chừng để nghe ngóng.
Trong tình hình chung như thế, chỉ những đơn vị nào có hệ thống kho bãi trải rộng mới có lượng hàng dự trữ để đáp ứng nhu cầu mùa vụ kịp thời. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là đơn vị gần như duy nhất trong ngành phân bón có được hệ thống kho cảng tại tất cả các vùng trọng điểm trong cả nước, với sức chứa lên tới 250 nghìn tấn. Nhà máy Ðạm Phú Mỹ cũng đang chạy hết công suất để bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
PVFCCo được nông dân trong cả nước biết đến với thương hiệu Ðạm Phú Mỹ hơn mười năm nay. Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương đa dạng hóa sản phẩm, công ty đã lần lượt tung ra các sản phẩm mới để tạo nên bộ sản phẩm Phân bón Phú Mỹ hoàn chỉnh, bao gồm các loại phân bón thiết yếu nhất cho cây trồng như NPK với nhiều công thức khác nhau, phù hợp với từng loại cây trồng, mùa vụ và vùng sinh thái trong cả nước, ngoài các loại NPK, PVFCCo còn sản xuất và cung ứng DAP, ka-li, SA cùng mang thương hiệu Phú Mỹ.
Ða dạng hóa sản phẩm, về lý thuyết là điều hợp lý, đáp ứng nhu cầu của các nhà phân phối và đại lý của PVFCCo trong cả nước, nhưng liệu nó có làm doanh nghiệp bị phân tán nguồn lực, xao nhãng sản phẩm chủ chốt của mình? Giải thích về chủ trương này, lãnh đạo PVFCCo cho biết: Bên cạnh phân đạm là loại phân cung cấp dưỡng chất chủ yếu cho sự tăng trưởng của cây trồng, nông dân còn cần nhiều loại phân bón khác đáp ứng các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, phù hợp với từng vùng đất. Nếu như phân u-rê là sản phẩm rất khó làm giả thì các loại phân bón khác lại rất dễ bị làm giả hoặc kém chất lượng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân, tổn hại uy tín của doanh nghiệp.
Tung ra bộ sản phẩm này PVFCCo nhắm tới hai mục tiêu: Một là, giúp cho nông dân có được bộ sản phẩm hoàn chỉnh, đáp ứng đồng bộ mọi nhu cầu. Hai là, giúp nông dân có được nguồn sản phẩm đáng tincậy, giảm bớt nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng trong mê hồn trận các loại sản phẩm “vàng thau lẫn lộn”.
Kinh doanh các sản phẩm mới này, lợi nhuận thực tế không cao. Doanh nghiệp phải đặt gia công, nhập khẩu từ các nhà sản xuất có tiếng trên thế giới để bảo đảm chất lượng tốt nhất. Giá thành do đó khá cao so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường được nhập từ các nguồn ít tên tuổi, chất lượng thiếu ổn định, nhất là những sản phẩm được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Những sản phẩm này giá thành thấp, lại néđược các loại thuế, đồng thời do không có thương hiệu, không cam kết về chất lượng nên có thể và buộc phải bán với giá thấp hơn các sản phẩm có uy tín để cạnh tranh. Nếu nông dân ham rẻ, mua các loại hàng này thì rất dễ đối mặt với nguy cơ “tiền mất tật mang”. Tuy nhiên do trình độ nhận thức của nông dân ngày càng nâng cao nên các loại phân bón kém chất lượng không còn làm loạn được thị trường như trước kia, nhường chỗ cho các sản phẩm chất lượng bảo đảm của các công ty lớn có uy tín với phương châm “hàng thật giá đúng”. Thương hiệu của các doanh nghiệp lớn đang ngày càng trở thành “nhãn hiệu bảo chứng” đáng tin cậy nhất cho sản phẩm.
Về sự chủ động của các doanh nghiệp trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và trong nền kinh tế nói chung, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Trần Xuân Ðịnh nhận xét: “Ðây là những tín hiệu rất đáng mừng, doanh nghiệp đã không còn chỉ biết kêu cahay thụ động ngồi chờ sự can thiệp của các cơ quan quản lý, mà đã chủ động vào cuộc bằng các phương tiện của chính mình. Không có gì đánh bại hàng giả, hàng kém chất lượng tốt bằng sự hiện diện ngày càng nhiều của các sản phẩm có thương hiệu và được bảo chứng về chất lượng, góp phần làm thay đổi căn bản thói quen, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng, làm sao để nông dân yên tâm khi sử dụng phân bón của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có dây chuyền công nghệ và thiết bị tiên tiến”. Ông Trần Xuân Ðịnh cũng kiến nghị, PVFCCo cần phối hợp tốt hơn, mạnh hơn với các cơ quan chuyên ngành của ngành nông nghiệp, tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón có hiệu quả, đó cũng là cách để các bộ sản phẩm của PVFCCo đi vào “tiềm thức” của nông dân Việt.
Ðấu tranh với các loại hàng giả, hàng kém chất lượng là một cuộc đấu đòi hỏi kiên trì, bền bỉ và chỉ những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực thật sự mới có thể theo đuổi. Tham gia vào cuộc đấu này, doanh nghiệp không thể đặt vấn đề lợi nhuận lên trên, mà cần lấy đích nhắm cuối cùng là tạo nên một sân chơi minh bạch, một thị trường lành mạnh, mà người hưởng lợi cuối cùng là nông dân và nền kinh tế của cả nước, trong đó có cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ðó là một chủ trương, một tầm nhìn rất đáng ghi nhận và rất cần được nhân rộng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()