Khi doanh nghiệp vận tải được "nói"
Tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) vận tải, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Ðình Thọ một lần nữa khẳng định, ngành sẽ quyết liệt, đổi mới hơn nữa công tác quản lý. Việc kiểm soát tải trọng xe được thực hiện trong năm qua đã từng bước tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp lý hơn cho các DN. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng hơn trong cấp phép cho các DN hoạt động.
Doanh nghiệp “ngại” điều chỉnh giá cước?
Năm vừa qua, Bộ GTVT được ghi nhận đã thực hiện mạnh mẽ công tác kiểm soát tải trọng phương tiện khiến lượng xe chở hàng quá tải trọng cho phép đã giảm đáng kể, nhất là xe chở hàng đường dài. Tuy nhiên hiện nay, ngoài việc kiểm soát tải trọng xe vẫn đang là vấn đề “đau đầu” đối với các DN, thủ tục rườm rà, phức tạp, tốn kém cùng với giá xăng dầu liên tục biến động là lý do khiến các DN vận tải không giảm giá cước. Các DN vẫn “khát” những giải pháp hỗ trợ, điều hành của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm hiệu quả kinh doanh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tính, một trong những lý do khiến DN vận tải khó giảm giá cước là chi phí. Chẳng hạn, xe khách phải in lại vé, ta-xi phải dừng hoạt động để kiểm định đồng hồ, dán lại biểu giá trên xe,… Ước tính, mỗi khi điều chỉnh giá, các DN ta-xi tại TP Hồ Chí Minh tốn kém hàng tỷ đồng. Vì vậy, ông Tính đề nghị Bộ GTVT cùng với Bộ Tài chính, Bộ Công thương nên xem xét, nghiên cứu việc giãn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu để các ngành sản xuất, kinh doanh có thể bắt kịp biên độ điều chỉnh giá xăng dầu, tránh việc DN vận tải phải thay đổi giá cước liên tục.
Tính riêng trong năm 2014, giá xăng dầu thay đổi đến 17 lần, làm DN vận tải “chạy theo” không kịp. Mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN lớn như ta-xi Mai Linh, chi phí tốn kém khoảng 500 triệu đồng. Cùng kêu khó trong việc tính giá cước vận tải do bất cập về quy định, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Hà Nam Nguyễn Xuân Trường cho rằng, trước đây, khi chưa có việc kiểm soát trọng tải, các loại xe Howo của Trung Quốc (còn gọi là xe “hổ vồ”), mỗi xe chở trung bình hơn 20 m3 vật liệu xây dựng, nhưng hiện nay, với chủ trương kiểm soát tải trọng, xe tải thân liền ba trục (xe ba chân) chỉ được phép chở 6 m3 vật liệu, còn xe bốn chân chở 8 m3. Với quy định này, chi phí vận chuyển đội lên rất cao, đây thật sự là khó khăn của các DN ở Hà Nam hiện nay. Ngoài ra, ông Trường cũng đề xuất Bộ GTVT cho phép nâng tải trọng các xe lên mức hợp lý, như xe ba chân được phép chở 15 tấn, xe bốn chân chở 18 tấn,…
Khó đâu, gỡ đó…
Trước nhiều kiến nghị liên quan giá cước, tải trọng xe,… của các Hiệp hội vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Ðình Thọ khẳng định, các DN vận tải cần phải giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm đúng theo các quy định về quản lý giá, góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội. Bởi giá cước xây dựng dựa theo giá xăng dầu, xăng dầu giảm đương nhiên cước phải giảm. Việc điều chỉnh giá xăng dầu do Bộ Tài chính, Công thương quản lý, không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Vì vậy, rất khó có một lộ trình cụ thể cho việc giảm giá cước vận tải nếu như xăng dầu tăng giảm không theo một lộ trình nào. Bộ GTVT sẽ ghi nhận những ý kiến, kiến nghị nêu trên để nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung.
Theo Cục trưởng Ðăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, đối với lĩnh vực vận tải, hình ảnh môi trường nước ta hiện nay cũng giống như 20 năm trước của Nhật Bản, Hàn Quốc. Nói vậy để thấy, phải tránh không “đi vào vết xe” bất cập của một số nước phát triển khác. Nhà nước đã đưa ra những chính sách phù hợp, tạo điều kiện phát triển cho các DN vận tải. Việc hình thành hành lang pháp lý trong hoạt động vận tải cần có khuôn khổ và điều kiện, mà điều kiện phải có kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Thiết kế ở mức nào chỉ cho phép chở mức đó, như vậy mới bảo đảm an toàn cầu đường, an toàn của xe,… Bộ GTVT sẽ rà soát lại các văn bản, quy định, đề xuất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thực tế.
Ðể giảm tiêu cực và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, Bộ GTVT cam kết sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và quản lý vận tải. Trong đó, ứng dụng ngay cấp độ 3 đối với các thủ tục hành chính, thí điểm xã hội hóa việc thực hiện thủ tục hành chính để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Riêng năm nay, Bộ GTVT cương quyết thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiểm soát tải trọng phương tiện, tạo sự cạnh tranh bình đẳng củng cố niềm tin đối với DN. Bộ GTVT phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Ðề án kết nối các phương thức vận tải nhằm giảm tải cho đường bộ, tái cơ cấu vận tải, khai thác hiệu quả mạng lưới vận tải sẵn có, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời giảm chi phí vận tải. Ngoài ra, thiết lập hệ thống thông tin phản hồi, đối thoại, tiếp xúc với DN, Hợp tác xã vận tải, các hiệp hội, chủ hàng,… nhằm trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận ý kiến để kịp thời tháo gỡ những rào cản còn làm “vướng chân” DN.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()