Khi doanh nghiệp thật sự gắn bó với nhà nông
Các nhà khoa học thăm cánh đồng cây giống lúa OM.4900 cho năng suất cao tại Trại sản xuất giống Định Thành, Công ty cổ phần thực vật An Giang. Ảnh: QUANG BÌNH Những năm gần đây, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn không những mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, mà còn khẳng định mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đồng hành cùng nhà nông triển khai hiệu quả mô hình này.Chuyện từ vựa lúa An GiangĐã từng nhiều lần đến An Giang, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi diện mạo của vùng này. Hơn mười năm trước, nhiều nơi ở đây đất từ chỗ cho không ai lấy, đến nay lên cả chục triệu đồng/công. Mỗi năm cho hai, ba vụ lúa, từ chỗ chỉ hơn ba tấn tăng lên bình quân năm tấn, thậm chí hơn bảy tấn/ha. An Giang đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đóng góp cho cả nước hàng...
Các nhà khoa học thăm cánh đồng cây giống lúa OM.4900 cho năng suất cao tại Trại sản xuất giống Định Thành, Công ty cổ phần thực vật An Giang. Ảnh: QUANG BÌNH |
Những năm gần đây, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn không những mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, mà còn khẳng định mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đồng hành cùng nhà nông triển khai hiệu quả mô hình này.
Chuyện từ vựa lúa An Giang
Đã từng nhiều lần đến An Giang, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi diện mạo của vùng này. Hơn mười năm trước, nhiều nơi ở đây đất từ chỗ cho không ai lấy, đến nay lên cả chục triệu đồng/công. Mỗi năm cho hai, ba vụ lúa, từ chỗ chỉ hơn ba tấn tăng lên bình quân năm tấn, thậm chí hơn bảy tấn/ha. An Giang đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đóng góp cho cả nước hàng triệu tấn lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.
Có được thành quả như hôm nay, không thể không nói đến sự hợp tác giữa nông dân An Giang (từ năm 2010 đến nay) với AGPPS triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML), hay còn gọi là “Cánh đồng lớn”, được hình thành nhờ thực hiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo khép kín từ khâu xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng với bà con nông dân, hướng dẫn quy trình canh tác, cung ứng vật tư đầu vào, đến sấy khô, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Mô hình CĐML đang triển khai đã tạo sự thay đổi to lớn về tầm nhìn đối với nông dân và trả lời được câu hỏi từ thực tiễn sản xuất của người nông dân mà lâu nay nhiều cơ quan chưa trả lời được, đó là đầu vào và đầu ra cho sản xuất lúa gạo. Ở đầu vào, AGPPS cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân với lãi suất 0% và trừ lại khi nông dân bán lúa cho công ty. Trong quá trình canh tác, nông dân được đội ngũ cán bộ khuyến nông viên FF (farmers friend) của công ty hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, nông dân được trợ giúp chi phí vận chuyển, sấy khô và lưu kho trong vòng 30 ngày, được công ty mua theo giá thị trường. Ở đầu ra, nông dân được quyền lựa chọn bán lúa cho người mua. Quyền mua bán của người nông dân được nâng cao. Từ thế bị động trong mua bán, nay công ty tạo thế chủ động cho người nông dân.
Để khép kín quy trình sản xuất, AGPPS mạnh dạn đầu tư xây dựng bốn nhà máy chế biến xay xát gạo xuất khẩu và kho dự trữ ở vùng nguyên liệu, trong đó các nhà máy Vĩnh Bình, Thoại Sơn, Tân Hồng (Đồng Tháp), có năng lực sản xuất chế biến 100 nghìn tấn lúa/năm/nhà máy và kho dự trữ 30 nghìn tấn/nhà máy, cơ bản hoàn thành giai đoạn I, đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với công suất 1.000 tấn/ngày/nhà máy. Đáng chú ý là việc đặt các nhà máy xay xát và chế biến trong các vùng nguyên liệu lương thực An Giang, Đồng Tháp, Long An đã góp phần tăng giá trị hạt gạo ở ĐBSCL một cách đáng kể. Quan trọng hơn, chung quanh các nhà máy xay xát đang hình thành hàng loạt dịch vụ liên quan như vận tải, chế biến củi từ trấu, trồng nấm rơm… mua, sấy, tồn trữ, chế biến và xuất khẩu gạo, tạo thêm việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn vùng ĐBSCL một cách cụ thể. Tại Nhà máy chế biến gạo Vĩnh Bình, anh Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình (Châu Thành, An Giang) có một ha lúa tham gia CĐML từ ngày đầu, phấn khởi cho chúng tôi biết: Nông dân được ba cái lợi: chi phí sản xuất giảm ba triệu đồng/ha/vụ do bớt lần phun thuốc, giống, công lao động; được tiếp cận quy trình sản xuất kỹ thuật cao; không sợ trúng mùa rớt giá do thấy có giá là bán, nếu không được gửi lưu kho miễn phí. Đến thăm nhà ông Trần Văn Có ở ấp Tân Đông, xã Vong Đông (Thoại Sơn, An Giang) có bốn ha lúa, đúng vào dịp gia đình đang giao lúa trước sân nhà, ông cho biết : Năm ngoái trồng ba vụ trừ chi phí lời 50%. Nếu không có CĐML, thì thuê công cắt 600 nghìn đồng/ngày, chưa tính xăng dầu, phân bón, đạo ôn, lúa ướt tính ra làm một mình là lỗ. Vụ đông xuân 2011- 2012 lời hơn 20 triệu đồng/ha. Hè thu không bằng đông xuân do mưa nhiều song nhờ AGPPS bao tiêu trọn cho nên vẫn lời.
Theo số liệu điều tra liên Sở Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, trong vụ đông xuân 2010-2011, từ mô hình liên kết của AGPPS, giá thành sản xuất của nông dân tham gia mô hình là 2.581 đồng/kg, còn nông dân không tham gia mô hình là 3.302 đồng/kg. Do đó với diện tích tham gia mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ hằng năm trên dưới 20 nghìn ha đã tiết kiệm cho nông dân khoảng 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do hình thành liên kết sản xuất tiêu thụ cho nên đạt quy mô lớn, chất lượng đồng nhất, tỷ lệ thu hồi gạo cao và giá xuất khẩu cao hơn so với gạo cùng loại, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Kiểm định độc lập của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và phát triển nông thôn (Trường đại học An Giang) thời gian qua cũng đã xác nhận, mức lợi nhuận của các hộ nông dân tham gia mô hình khá cao, từ 22 đến 33 triệu đồng/ha/vụ. Nhờ vậy đã thu hút 2.000 hộ nông dân với 3.500 ha vụ đông xuân này ở An Giang tham gia CĐML. Điều này rất có ý nghĩa và là giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo của An Giang và cả khu vực ĐBSCL.
Nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn
Năm 2012, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tăng diện tích CĐML từ 40 đến 80 nghìn ha, và mục tiêu đến năm 2013 đạt 100 đến 200 nghìn ha, tiến tới vùng sản xuất lúa nguyên liệu một triệu ha vào năm 2015. Muốn vậy cần đầu tư mạnh cả công nghệ, khoa học – kỹ thuật và chế biến với cơ chế tài chính phù hợp cho nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp để nghề nông ngày càng chuyên nghiệp hơn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ An Giang mà hiện gần 9.000 hộ nông dân của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tự nguyện tham gia mô hình CĐML của AGPPS, với tổng diện tích lên đến 18.597 ha.
Hiện nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn mười triệu ha, trong đó diện tích đất lúa 44% và tỷ lệ hộ nông dân trồng lúa chiếm 72% dân số. Với gần 14 triệu hộ nông dân thì trung bình mỗi hộ chỉ có 7.000 m2 đất. Vì vậy, để nhân rộng mô hình CĐML như định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2012 có từ 40 đến 80 nghìn ha. Năm 2013 đạt 100 đến 200 nghìn ha, tiến tới vùng sản xuất lúa nguyên liệu một triệu ha năm 2015 đòi hỏi phải có sự “vào cuộc” tích cực của các doanh nghiệp (DN) nhất là các DN thu mua lúa. Tích tụ ruộng đất hay thực hiện CĐML cần một chính sách hoàn thiện và cụ thể hơn nhằm tạo bước chuyển quan trọng trong sản xuất lúa gạo, giải quyết cơ bản bài toán đầu ra cho hạt lúa và chia sẻ lợi nhuận công bằng cho các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay. Vấn đề hiện nay đang được AGPPS và chính quyền các tỉnh ĐBSCL mong muốn là Đảng, Chính phủ cần coi nghề nông là một nghề chuyên nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư mạnh cả công nghệ, khoa học – kỹ thuật và chế biến với cơ chế tài chính bảo đảm cho nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL nói riêng và nông nghiệp cả nước nói chung phát triển. Cần đầu tư thỏa đáng để ngành công nghiệp chế biến ở đây gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu, gắn kết với thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi ngành hàng không bị phân đoạn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước. Nên hình thành một hình thức sản xuất mới cho nông nghiệp Việt Nam như mô hình tập đoàn lúa gạo Nam Bộ, với đại diện nông dân là những người trồng lúa giỏi nhất ĐBSCL, với nhà khoa học xuất sắc về giống và những nhà kinh doanh giỏi, trong đó người nông dân có quyền bình đẳng với nhà khoa học và DN, có quyền quyết định giá ở cả trong và ngoài nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()