Khi doanh nghiệp cung ứng tham gia
LSO-Nhìn lại những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung của Lạng Sơn hiện nay, một điều dễ nhận thấy là vùng nào tồn tại bền vững, có giá trị cao đều có sự tham gia liên doanh, liên kết sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều. Trong thời gian gần đây đã có những doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp mạnh dạn đầu tư và xin chủ trương lập dự án đầu tư hình thành vùng sản xuất tập trung, đây là tín hiệu đáng mừng và cũng là cụ thể hóa một trong những nội dung của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Cán bộ Trung tâm khuyến nông tham quan mô hình trồng lạc trên địa bàn xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn |
Cách đây vài năm, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nông nghiệp Lạng Sơn đã đầu tư liên kết trồng lạc L14 với nông dân ở Chi Lăng, Lộc Bình. Diện tích trung bình hàng năm dao động trong khoảng 40ha, cũng có những năm thuận lợi diện tích liên kết trồng lạc lên đến hơn 100ha. Ông Đinh Trọng Cửu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nông nghiệp Lạng Sơn phân tích: nhu cầu về lạc sử dụng làm thực phẩm, ép dầu… trên cả nước ngày càng cao. Trong khi đó những vùng trồng lạc lớn trên cả nước như ở khu vực miền Trung canh tác chủ yếu trong vụ xuân. Còn vụ hè thu, do khí hậu nóng, năng suất lạc ở những khu vực này không cao, chất lượng cũng thấp.
Đối với Lạng Sơn, điều kiện khí hậu rất thích hợp, lạc có thể trồng được trong vụ xuân và cả vụ hè thu. Với điều kiện như vậy, từ nhiều năm qua, Công ty đã chủ động liên kết với nông dân, đầu tư trồng lạc giống L14 ở nhiều huyện, trong đó chủ yếu ở Lộc Bình và Chi Lăng. Kết quả mang lại rất khả quan, người nông dân có thu nhập ổn định, tận dụng được những chân ruộng chờ nước, đất bạc màu.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực cung ứng giống cây trồng, cạnh tranh mạnh mẽ khiến cho thị phần bị thu hẹp, thì liên kết sản xuất cũng giúp Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nông nghiệp Lạng Sơn mở rộng được sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa loại hình sản phẩm.Tuy có lợi ích kép như vậy, nhưng điểm hạn chế của các hình thức liên kết sản xuất trong những năm qua là manh mún và nhỏ lẻ. Việc các diện tích sản xuất không tập trung khiến cho Công ty chưa thể đầu tư các thiết bị, công nghệ chế biến tại chỗ để nâng cao giá trị sản phẩm. Mặt khác, việc thu mua cũng mất thời gian hơn. Nhà nông thu hoạch xong có khi phải đợi khiến cho việc tổn thất sau thu hoạch do bảo quản cũng lớn hơn.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng lạc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã không ngừng tăng lên. Từ năm 2006 đến nay, diện tích đã tăng từ 1.700ha lên trên 2.800ha. Sản lượng hàng năm ước đạt hơn 3.500 tấn. Tuy nhiên các hình thức liên kết sản xuất giữa nhà nông với doanh nghiệp thì rất ít. Các diện tích này chủ yếu được trồng tận dụng tại các chân ruộng bạc màu, chờ nước và các bãi bồi ven sông. Bởi vậy mặc dù nhu cầu của thị trường về loại nông sản này rất lớn, điều kiện khí hậu thuận lợi, nhưng Lạng Sơn chưa thể tận dụng để hình thành vùng sản xuất lạc tập trung.
Ông Đinh Trọng Cửu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phẩn Giống cây trồng Nông nghiệp Lạng Sơn cho biết: hưởng ứng, triển khai các nội dung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mới đây Công ty đã xin chủ trương của UBND tỉnh lập dự án đầu tư liên kết sản xuất với mục đích mở rộng diện tích trồng lạc, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực hướng dẫn Công ty xây dựng đề án. Theo đó, bước đầu là Công ty sẽ phối hợp với chính quyền các cấp và người nông dân quy hoạch thành vùng sản xuất. Diện tích trồng tập trung sẽ mở rộng lên vài trăm ha và tính đến các bước hình thành cơ sở chế biến, bảo quản tại chỗ để nâng cao giá trị sản phẩm. Phấn đấu hoàn thành dự án trình các cấp có thẩm quyền xem xét để có thể tiến hành trong vụ hè thu năm nay.
Nhìn lại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung của tỉnh đến thời điểm này, hiệu quả và bền vững nhất vẫn là vùng sản xuất thuốc lá và vùng chè. Điểm khác biệt lớn nhất của các vùng sản xuất này là được quy hoạch bài bản, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Đồng thời có sự đầu tư và liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Ngoài cây lạc, Xứ Lạng còn rất nhiều loại nông sản đặc sản, tuy nhiên để có thể hình thành vùng sản xuất tập trung thì rất cần có những bước đi chủ động của các doanh nghiệp. Suy cho cùng, khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp chính là nhà nông. Khi hợp tác sản xuất, nhà nông có lợi thì chính các doanh nghiệp này cùng mở rộng được sản xuất, kinh doanh, tăng thị phần và lợi nhuận.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()