Khi CPI tăng thấp...
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1% so cùng kỳ năm trước. So với tháng 12-2014, CPI chỉ tăng 0,55% và đây là mức tăng thấp nhất trong vòng mười năm qua. Bình quân mỗi tháng, CPI chỉ tăng 0,1%. Như vậy, nếu không có những đột biến trong sáu tháng cuối năm, CPI năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội là không quá 5%.
CPI có mức tăng thấp như trên là nhờ nguồn cung lương thực rất dồi dào do hai vụ đông xuân và hè thu vừa qua được mùa trên cả nước. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định và việc phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong công tác bình ổn giá, kiểm soát thị trường, điều hành chính sách tiền tệ,… chính là những nguyên nhân khiến CPI có mức tăng thấp như hiện nay.
Tuy nhiên, CPI tháng 6 vẫn chịu sức ép tăng giá, trước hết do việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1-6-2015 theo lộ trình, dẫn đến chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 1% so với tháng 12-2014 và góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,04%. Bên cạnh đó, việc giá điện tăng 7,5% kể từ ngày 16-3 đã làm chỉ số giá điện sinh hoạt sáu tháng đầu năm tăng 8,42% so tháng 12-2014, đồng thời đóng góp vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,22%. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp được điều chỉnh tăng từ ngày 1-1 vừa qua và việc tăng 8% lương cơ bản cho đối tượng về hưu và công chức có hệ số 2,34 trở xuống cũng đã làm cho giá một số loại dịch vụ như dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước có mức tăng giá 2% – 4%. Ngoài ra, hai lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gây tác động không nhỏ đến giá một số mặt hàng nhập khẩu và giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Theo ước tính qua bảng cân đối liên ngành, tỷ giá tăng 2% sẽ tác động đến mức tăng chung của CPI năm 2015 khoảng 0,6%…
Mặc dù vậy, CPI sáu tháng đầu năm nay vẫn tăng ở mức thấp, cho thấy tín hiệu khả quan về hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay của Chính phủ đặt ra. Song, nhiều ý kiến lo ngại, phải chăng CPI thấp là do sức mua yếu? Nhìn vào số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong sáu tháng đầu năm nay so cùng kỳ năm trước đã tăng 8,5%, cao hơn so mức tăng 4,69% của năm 2012, mức 4,9% của năm 2013 và 5,69% của năm 2014. Điều này cho thấy sức mua và cầu của nền kinh tế vẫn đang có mức tăng trưởng tốt. Vì vậy, nguyên nhân CPI sáu tháng đầu năm tăng thấp không phải do sức cầu trong nước yếu đi mà do thị trường và giá cả được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, khi CPI được giữ ở mức ổn định, chính sách tiền tệ có thể sẽ được tiếp tục nới lỏng, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng…
Có thể thấy, thời gian tới, các yếu tố chi phí đẩy sẽ tiếp tục giữ CPI ở mức thấp. Song, nhiều chuyên gia cảnh báo, những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng, dầu tăng trở lại cũng có thể sẽ tạo áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Chính vì thế, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công thương,… theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()