Khi cánh cửa trại giam khép lại sau lưng
Vào ngày đầu tiên của tháng 10, khi cả nước cùng hướng về trái tim thân yêu của Tổ quốc nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, cũng là lúc 3.763 con người rưng rưng xúc động cầm trên tay Quyết định đặc xá trở về đoàn tụ gia đình. Trong hành trang của mỗi người là kế hoạch hoàn lương cùng kết quả của những tháng ngày lao động, cải tạo, học tập tốt, để quá khứ lỗi lầm khép lại, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Những năm qua, nhiều đợt đặc xá lớn do Chủ tịch nước quyết định đã được tiến hành nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt được khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng làm lại cuộc đời.
Hành trang ngày trở về
7 giờ ngày 1/10, 96 phạm nhân Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) có mặt tại nơi tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định đặc xá năm 2024. Đến cùng họ là 50 phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, đại diện cho hơn 5.000 phạm nhân đang học tập, cải tạo tại đây.
Chị Đặng Thị Tươi, chấp hành bản án 7 năm về tội lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản công dân cho biết: "48 tháng dài đằng đẵng với bao nhiêu đêm mất ngủ, tôi phải trả giá cho những lỗi lầm. Dần dà, được sự động viên của các phạm nhân, sự giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa của Ban giám thị, Hội đồng cán bộ, tôi đã bình tâm lại, được học nghề mây tre đan, phấn đấu cải tạo tốt để mong nhận khoan hồng. Từ khi nhận thông báo đủ điều kiện xét duyệt đặc xá, tôi lại mất ngủ nhưng là trong tâm trạng vui mừng, nôn nao chờ đến hôm nay được đoàn tụ với cha mẹ già, chồng con".
Tại Trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang), từ sáng sớm, hàng trăm người đã có mặt trước cổng trại dõi những ánh mắt vào bên trong, chờ đón người thân của mình bước ra khỏi cổng trại. Sinh năm 1962, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời và trả giá bằng những ngày tháng cải tạo, giam giữ, hơn ai hết, ông Bùi Đức Lai, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thấu hiểu thế nào là "một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài". Bày tỏ biết ơn chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội, ông Lai hứa khi trở về gia đình, địa phương, sẽ sớm ổn định cuộc sống và không tái phạm tội.
Lặn lội từ Thanh Hóa ra đón con, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, con gái bà bị xử án về tội môi giới mại dâm, được đặc xá trước thời hạn 1 năm 3 tháng. Nhớ về thời điểm rau cháo nuôi hai đứa cháu, bà Hạnh kể: "Ngày con tôi bị bắt, bỏ lại hai đứa cháu đang tuổi ăn học. Cháu ngày một lớn, tôi già đi, lại thiếu hiểu biết cho nên không thể dạy dỗ chúng được. Rất may con tôi được đặc xá lần này, kịp về kiếm việc làm lương thiện, nuôi dạy các con". Rảo những bước chân gấp gáp từ sau cánh cổng trại, ôm chặt đứa con thơ vào lòng, Nguyễn Thị Hà hứa với mẹ, không bao giờ đi vào con đường lầm lạc nữa.
Dự Lễ công bố và trao Quyết định đặc xá cho 38 phạm nhân tại trại giam Thanh Cẩm (Thanh Hóa), Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2024 cho biết: Trong những năm qua đã có gần 40 lượt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho hàng trăm nghìn phạm nhân. Qua kiểm tra, báo cáo của các địa phương, hầu hết người đặc xá, trở về được nhanh chóng đăng ký nơi cư trú, được cấp căn cước, tạo điều kiện có công ăn, việc làm. Nhiều người tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, tiếp tục học tập, tốt nghiệp đại học, nâng cao trình độ, năng lực để có điều kiện tốt nhất cống hiến cho xã hội, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình. Nhiều người phát huy được tay nghề sau quá trình chấp hành án, làm chủ các cơ sở sản xuất, giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Kết quả này khẳng định công tác đặc xá được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch, bảo đảm chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao.
Anh Lê Trọng Huy vui mừng khi các thủ tục được tiến hành nhanh chóng, được nhận tư trang, thẻ căn cước và thêm bộ thẻ sim điện thoại Gtel cùng hướng dẫn sử dụng. Anh Huy vui vẻ cho biết: Tôi sẽ dùng thẻ sim này để nhanh chóng liên hệ tìm kiếm việc làm ngay sau khi trở về.
Mong những vòng tay đón nhận
Nhằm giúp đỡ những người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện tổ chức các lớp chuẩn bị hòa nhập cộng đồng cho những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, trang bị những kiến thức cơ bản, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống.
Chị Trần Thị Duyên (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), chấp hành án tại Trại giam Thanh Phong về tội tổ chức cho người xuất cảnh trái phép được tham gia lớp tái hòa nhập cộng đồng trước khi nhận quyết định đặc xá. Chị Duyên cho biết: "Chấp hành án trong thời gian quá lâu, chắc chắn sẽ bị bỡ ngỡ với những sự thay đổi của xã hội. Việc được tham gia lớp học bổ ích, thiết thực này sẽ trang bị cho tôi cùng mọi người kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được cán bộ giải đáp những thắc mắc, tránh vi phạm pháp luật cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng tìm kiếm việc làm để khi tái hòa nhập cộng đồng nhanh chóng ổn định cuộc sống, không tái phạm tội".
Tấm thẻ căn cước trong hành trang trở về của những người được đặc xá là sự nỗ lực của các trại giam, công an địa phương. Họ đã khẩn trương triển khai thu thập hồ sơ cấp căn cước, giúp phạm nhân được khôi phục quyền công dân, tiến hành các thủ tục hành chính một cách thuận lợi, dễ dàng.
Có thể thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các tổ chức xã hội được thực hiện tốt trong các lần đặc xá, góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và tổ chức xã hội cũng như quần chúng nhân dân, xóa bỏ tư tưởng kỳ thị đối với người được đặc xá, từ đó tạo điều kiện giúp đỡ phạm nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Những ngày gần đây, chứng kiến niềm vui của các phạm nhân đủ điều kiện xét duyệt đặc xá, phạm nhân Hoàng Văn Hải, ở Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) nhận án phạt 17 năm tù giam tại Trại giam Thanh Phong về tội Mua bán trái phép chất ma túy cho biết: "Trải qua 10 năm cải tạo, chứng kiến nhiều lần phạm nhân vui sướng khi được nhận chính sách khoan hồng của Nhà nước, tự đối chiếu, thấy mình chưa đủ điều kiện, tôi rất buồn và hụt hẫng. Quá trình cải tạo, tôi đã hai lần được giảm án, đây là sự động viên, khích lệ lớn để tôi tiếp tục thi đua lao động, cải tạo, để có thể nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước trong những lần đặc xá sau".
Khi những người được đặc xá cuối cùng hoàn tất thủ tục, khuất sau cánh cổng trại giam, một số cán bộ làm công tác triển khai đặc xá Trại giam Ninh Khánh vẫn còn nán lại, trong đó có Đại úy Đỗ Thị Diễm Hà, cán bộ quản giáo phân trại số 3. Là người thầy làm công tác giáo dục, cảm hóa, gắn bó, gần gũi hằng ngày với phạm nhân, trong đó có cả những người đặc xá lần này, chị Hà không khỏi xúc động khi chứng kiến niềm vui của những "học trò" đặc biệt.
Chị Hà trải lòng: "Mỗi đợt đặc xá, không chỉ tôi mà tất cả những người làm công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân đều vui mừng, phấn khởi bởi đã làm được điều mong muốn là giúp đỡ những con người đã nỗ lực hoàn lương trở lại đời sống bình thường. Điều chúng tôi mong mỏi là, khi họ trở về địa phương sẽ nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề, tạo việc làm, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được các ngành, đoàn thể quan tâm giúp đỡ để họ tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, tạo sinh kế, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng".
Ý kiến ()