Khi cánh cửa đối thoại bị khép lại
Với bản chất phức tạp của sự cạnh tranh lợi ích và những nghi ngờ, mâu thuẫn trong quan hệ giữa Nga với phương Tây, căng thẳng sẽ không sớm hạ nhiệt nếu các bên không tỏ rõ thiện chí và không có sự vào cuộc tích cực của cộng đồng quốc tế với vai trò dẫn dắt của LHQ…
Ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass (miền Đông Ukraine), đồng thời ra lệnh triển khai quân đội đến hai nước cộng hòa tự xưng này để bảo vệ hàng trăm nghìn công dân được cấp hộ chiếu Nga đang sinh sống tại đây.
Quyết định của Tổng thống Nga ngay lập tức bị lãnh đạo các nước phương Tây chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) coi đó là sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không phù hợp với những nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Với tuyên bố trên, Nga là nước đầu tiên trong 193 quốc gia thành viên của LHQ công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk, phá vỡ các thỏa thuận Minsk mà Nga, Pháp, Đức và Ukraine đạt được năm 2015 nhằm vãn hồi hòa bình ở Donbass.
Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo 2 khu vực ly khai Đông Ukraine ký thỏa thuận tại Điện Kremlin, Moscow, Nga hôm 21-2. Ảnh: vov.vn |
Theo quan điểm của phương Tây, bước đi này của Nga là một sự leo thang nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu xem tổng thể quá trình dẫn tới hành động này của Nga sẽ thấy Moscow thực sự đã bị dồn vào thế không thể không hành động khi các đề nghị bảo đảm an ninh mà Moscow đưa ra bị Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phớt lờ, khép lại cánh cửa đối thoại.
Nhà sử học Thucydides của Hy Lạp đã viết cách đây gần 2.500 năm trong cuốn “Lịch sử chiến tranh Peloponnese” rằng chiến tranh bắt nguồn từ một trong ba căn nguyên chính: Sự lo sợ, danh dự và lợi ích. Các lãnh đạo, chỉ huy quân sự phương Tây đều gần như thuộc nằm lòng lập luận này.
Thế nhưng, khi họ dẫn dắt NATO ngày càng phát triển, tăng cường bảo vệ lợi ích của mình, thì lại lờ đi những mối quan ngại hay lợi ích của nước khác. Trong quan hệ Nga-Ukraine hay giữa Nga với Mỹ và NATO, việc NATO dần mở rộng về phía Đông, áp sát biên giới phía Tây của Nga là điều Moscow thực sự lo ngại khi không gian an ninh của mình ngày càng bị thu hẹp.
Từ một khối có 12 quốc gia thành viên khi thành lập vào năm 1949, tới năm 2020, NATO đã có 30 quốc gia thành viên cùng 20 nước tham gia chương trình đối tác vì hòa bình của khối này. Đáng chú ý, các quốc gia thành viên mới chủ yếu nằm ở Đông Âu và cùng với chiến lược “Đông tiến” NATO cũng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở các quốc gia thành viên ở Đông Âu-một mối đe dọa thực sự đối với an ninh của Moscow.
Và Ukraine, quốc gia có diện tích lớn tiếp giáp biên giới phía Tây của Nga, đã là đối tác vì hòa bình của NATO từ năm 1994 và vẫn kiên trì xin gia nhập tổ chức này.
Khi các bên không tìm được tiếng nói chung, nhất là chẳng thể tiến hành đàm phán để xây dựng lòng tin, hiểu được chính sách của nhau thì căng thẳng leo thang là điều dễ hiểu. Moscow đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước những hành động nhằm vào Nga của NATO.
Trong một động thái rõ ràng và cứng rắn nhất về vấn đề này, cuối năm ngoái, Điện Kremlin đã vạch ra “lằn ranh đỏ” khi đã đưa ra các đề xuất bảo đảm an ninh để có thể thảo luận với Mỹ và NATO. Ngày 17-12-2021, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố bản dự thảo thỏa thuận an ninh này, trong đó bao gồm các điểm chính như NATO không mở rộng về phía Đông, không kết nạp thành viên đối với Ukraine, không triển khai vũ khí tấn công ở châu Âu áp sát Nga, nhất là vũ khí hạt nhân.
Vậy nhưng, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, các đề xuất về bảo đảm an ninh của Nga đưa ra đã bị bỏ qua nên Moscow có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để bảo đảm an ninh của mình”. Ông Putin cũng cho biết Nga “đã làm tất cả để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk”, song đều vô ích.
Theo ông Putin, Moscow có cơ sở để khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO và sau đó là việc triển khai các cơ sở của NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian”, coi đây là “đòn tấn công chủ động” của phương Tây đối với nước Nga.
Với bước đi mới của Nga, có thể hiểu Nga đã chủ động hành động để bảo đảm an ninh của chính mình khi cánh cửa đối thoại với Mỹ và NATO gần như đã khép lại sau nhiều nỗ lực của các bên. Nga vẫn giữ đúng cam kết, giữ danh dự của mình, khi không tấn công quân sự vào Ukraine cho dù đã triển khai quân đội tới Donbass với nhiệm vụ mà Moscow gọi là gìn giữ hòa bình bởi xung đột vũ trang đã diễn ra ở khu vực này những ngày gần đây.
Nước cờ của Điện Kremlin khi công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk theo đề nghị của lãnh đạo hai khu vực này, cho dù bị cáo buộc “vi phạm luật pháp quốc tế”, lại đẩy Mỹ, NATO và cả Ukraine vào thế bị động trong việc tìm giải pháp đối thoại thay vì quay lưng hay chọn cách đối đầu quân sự với một cường quốc hạt nhân như Nga.
Động binh rõ ràng là giải pháp không bên nào mong muốn và không thể giải quyết được mâu thuẫn. Với ưu tiên “không đối đầu, nhưng phải bảo đảm an ninh” mà Tổng thống Nga nêu ra trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Nga đêm 21-2, Nga ngỏ ý sẵn sàng đối thoại với các bên để tìm giải pháp, tìm câu trả lời với các đề xuất bảo đảm an ninh của mình.
Diễn đạt một cách rõ ràng hơn, tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ sáng 22-2, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya khẳng định Moscow luôn “sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao” cho những căng thẳng hiện nay. Trong khi đó, dù nhấn mạnh Ukraine sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine vẫn cam kết tiến hành các nỗ lực hòa bình và ngoại giao sau hành động của Nga.
Như vậy, một giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng, xây dựng lòng tin, xóa đi quan ngại của các bên rồi tiến tới giải quyết triệt để vấn đề là điều các bên hướng tới cho dù trước mắt nước Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của phương Tây.
Cánh cửa đối thoại chắc chắn sẽ được mở ra. Thế nhưng, với bản chất phức tạp của sự cạnh tranh lợi ích và những nghi ngờ, mâu thuẫn trong quan hệ giữa Nga với phương Tây, căng thẳng sẽ không sớm hạ nhiệt nếu các bên không tỏ rõ thiện chí và không có sự vào cuộc tích cực của cộng đồng quốc tế với vai trò dẫn dắt của LHQ.
Ý kiến ()