tle=”Khi cán bộ xã miền núi về thủ đô “kêu cứu””> Dân xã Hơ Moong ở nhà chia lô như thành phố. – Không chỉ dân phố thị mới thiếu đất, thiếu không gian sống. Đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở miền núi tưởng bạt ngàn đất đai, cũng đang thiếu cả đất sống lẫn đất canh tác, bởi phải nhường đất cho các lâm trường và thủy điện. “Lời kêu cứu” của cán bộ xã gần như là sự bất lực trước cảnh nghèo đói vì thiếu đất của đồng bào mình.
Những lời kêu cứu ấy được nói ra trong Hội thảo “Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi” diễn ra đầu tháng 11 tại Hà Nội.
Đất thuộc lâm trường, người Vân Kiều sống dựa vào đâu?
Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình nằm sát biên giới Việt – Lào, có 970 hộ dân, đa số là người Vân Kiều. Toàn xã có hơn 73,5 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất do các lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý đã hơn 70,8 nghìn ha, chiếm đến 96,4%. Những phần đất lâm nghiệp thừa thẹo còn lại đều nằm manh mún, xa khu dân cư, có nơi giáp tận biên giới.
Đất nông nghiệp của toàn xã cũng chỉ có 388 ha, trong đó có 29,7 ha lúa nước, bình quân 0,4ha/hộ. Thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu nước nên mỗi năm người dân chỉ sản xuất được một vụ đông xuân.
“Có đến 569 hộ dân trong tổng số 970 hộ dân chưa hề được giao một loại đất gì, thực trạng đói nghèo của người Vân Kiều ở đây đang trở nên nhức nhối”, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Tiến Dũng đã kêu lên trong Hội thảo.
Tập tục của người Vân Kiều là sống dựa vào nương rẫy, nhưng vì nương rẫy (đất lâm nghiệp) đã được giao hết cho các lâm trường, nên phải giao cho họ đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp không đủ, nên họ đành phải vào rừng kiếm sống, ông Dũng bày tỏ.
Giờ thì người dân khốn khổ lắm rồi. Hiện nay người Vân Kiều một năm chỉ cung cấp lương thực đủ trong ba tháng, chín tháng còn lại là dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Người Vân Kiều sống ở đâu là phải có đất, nếu không có thì họ đi chỗ khác, đó là bản năng sống của họ. Nguyện vọng, khát khao của bà con là có đất, nhưng đất giờ thuộc nông trường, công ty là chủ yếu, phần đất cho người dân thì hạn hẹp, không đủ sống”, ông Dũng nói.
Trước nỗi thống khổ của dân, cán bộ xã đã thành lập một tổ đi rà soát các vùng đất do các lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý, rồi gửi tờ trình lên cấp tỉnh, huyện và các sở đề nghị thu hồi gần 3.100 ha để giao cho dân sản xuất. Đến nay xã vẫn đang chờ quyết định của tỉnh.
Mong muốn của bà con là Chính phủ sớm bổ sung, điều chỉnh các chính sách giao đất lâm nghiệp, đất sản xuất cho người dân, để từng bước sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới.
Tái định cư, dân được chia ô như người …. thành phố
Xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum mới được thành lập năm 2006, trong đó có 749 trong số 860 hộ thuộc diện tái định cư, chủ yếu là đồng bào Ba Na và Gia Rai.
Năm 2005 và 2006, các hộ dân ở đây đã phải di cư để nhường đất cho công trình thủy điện của Ban quản lý dự án Thủy điện 4. 749 hộ phải di dời khỏi vùng ngập, theo quy hoạch, mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở, 1 đến 1,2ha đất sản xuất và 1.000m2 đất lúa nước. Nhưng quỹ đất không đủ, hoặc do đất được phân quá xấu không phù hợp với việc canh tác, 172 hộ trong số này không ổn định được cuộc sống.
Mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở, chia ô thửa, quy hoạch như thành thị. “Nông dân đi ở phố”, người dân Hơ Moong không có không gian để tổ chức những hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đất chỉ đủ xây nhà, không có vườn, không có chuồng trâu, gà vịt không biết nuôi nhốt ở đâu…, ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch xã Hơ Moong than phiền.
Trước việc không gian làng xã giờ trở nên chật chội, gò bó, và còn 172 hộ chưa được phân đất, cán bộ xã đã tiến hành tổ chức tái định cư lại cho 60 hộ. Đồng bào dân tộc Ba Na, Gia Rai thường sống quây quần, mỗi hộ có từ bảy đến tám người, vì thế xã đã mạnh dạn bố trí 400m2 đất ở gắn với một đến hai sào đất nông nghiệp để tạo ra một không gian sinh hoạt phù hợp với truyền thống văn hóa của họ. Và giờ đây, sau năm năm, 60 hộ dân này đã ổn định cuộc sống.
Theo ông Niệm, định mức đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình tái định cư chỉ 1 đến 1,2 ha và 600-1.000m2 đất ruộng là quá ít cho người dân tộc thiểu số ở đây, vì mỗi hộ có nhiều khẩu, không đủ đất để tự cân đối khi các con lập gia đình. Ông Niệm đề xuất nâng diện tích lên 2 đến 3 ha đất nông nghiệp. Và ông mong muốn, hơn 700 hộ còn lại của xã Hơ Moong cũng đều được sống trong không gian gắn liền đất ở với đất sản xuất như 60 hộ được thí điểm kia.
Nhiều người dân miền núi thiếu đất
Trường Sơn và Hơ Moong chỉ là hai trong số rất nhiều xã miền núi sát biên giới của Việt Nam đang thiếu đất. Có thể kể tên rất nhiều huyện, xã đang thiếu đất sản xuất rồi gây ra nhiều hệ lụy khác như: Xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là nơi định cư của nhiều hộ đồng bào Nùng, Dao…, nhưng tình trạng thiếu đất sản xuất cũng phổ biến, chỉ 0,18ha đất ruộng/hộ và 0,48ha đất màu/hộ. Thiếu đất nên các hộ dân buộc phải lấn chiếm đất của công ty lâm nghiệp, gây mâu thuẫn, tranh chấp trong quản lý sử dụng đất rừng.
Một xã là nơi định cư của đồng bào dân tộc Thái như xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An cũng thiếu trầm trọng đất sản xuất, bình quân chỉ khoảng 0,1ha đất lúa một vụ/hộ và 0,05ha nương rẫy/hộ. Thiếu đất sản xuất nên hộ đói nghèo ở đây chiếm đến 70-80%.
Điều tra tại sáu buôn làng Tây Nguyên vào tháng 7 vừa qua cho thấy chỉ có 22,53% số hộ cho rằng họ có đủ hoặc thừa đất sản xuất để ổn định đời sống, hơn 77% còn lại là thiếu đất.
Huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, nơi sinh sống lâu đời của người Mông với tập quán sinh kế chủ yếu dựa vào rừng cũng có đến 70-75% hộ nghèo, nếu tính cả hộ cận nghèo thì lên đến 80-90%. Nguyên nhân cơ bản được xác định là do thiếu quỹ đất cho phát triển kinh tế xã hội…
Đối với việc tái định cư của dự án thủy điện, thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ xảy ra ở một vài dự án đơn lẻ mà là tình trạng phổ biến của các dự án thủy điện có thu hồi đất và di dân tái định cư. Nhiều dự án một phần đất sản xuất phải bồi thường bằng tiền để người dân tự lo liệu, thậm chí một số nơi không có quỹ đất nên buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Điều này làm suy giảm nguồn lực sinh kế cơ bản của người dân gắn với nông thôn là sản xuất nông lâm nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi sinh kế sau tái định cư.
Về đất ở, các dự án thủy điện trước đây được cấp đất ở và đất vườn từ 800 đến 1.000m2, nhưng còn lại hầu hết chỉ được cấp 400m2, chưa phù hợp với tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc miền núi.
Theo thống kê đến tháng 9, cả nước vẫn còn gần 327.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ đất ở và đất sản xuất. Đối với nhóm 16 dân tộc rất ít người có đến 40,7% hộ thiếu đất sảm xuất nông nghiệp. Một số dân tộc có tỷ lệ thiếu đất rất cao như Bố Y 78,7%, Pà Thẻn 62,9%, La Ha 49,1%, Chứt 44,9%…
Đến năm 2011, 7,24 triệu ha, chiếm 47,1% đất lâm nghiệp, được giao cho các tổ chức trong khi các gia đình cá nhân chỉ được giao quản lý 28,7% đất lâm nghiệp.
Thế yếu thuộc về người dân trong cuộc cạnh tranh đất
Tại Hội thảo, ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển (CODE) nhận định, mặc dù chính sách của nhà nước ưu tiên giao đất cho người dân địa phương và chi phí thực hiện giao rừng do ngân sách nhà nước chi. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền các cấp nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của người dân nên chưa chú trọng chuẩn bị và huy động kinh phí để tổ chức giao đất giao rừng cho dân. Trong khi các tổ chức, công ty tư nhân sẵn sàng nguồn lực tài chính để thực hiện giao đất giao rừng và có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh hơn người dân địa phương.
Ông Nhã cho rằng, quá trình rà soát thu hồi đất đai của nông lâm trường quốc doanh cần giải quyết gốc rễ của vấn đề là giải quyết các mâu thuẫn về chống chéo, tranh chấp giữa nông lâm trường quốc doanh và người dân địa phương. Nhất thiết cần rà soát, đưa khu vực đất gần khu dân cư trả lại cho địa phương trên cơ sở nhu cầu của người dân và tổ chức giao đất để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, quá trình rà soát, giao đất cần gắn với sinh kế và tập quán văn hóa xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở xung quanh và trong vùng đất của nông lâm trường quốc doanh.
Đối với khu vực đang có chồng chéo quyền quản lý đất đai cần xem xét các đối tượng theo thứ tự ưu tiên khi rà soát: hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, cộng đồng quản lý đất rừng theo truyền thống, các hộ tại địa phương đã sử dụng ổn định lâu dài, nông lâm trường quốc doanh và các cá nhân, tổ chức khác sử dụng hiệu quả.
“Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương cần coi việc giải quyết đất sản xuất nông nghiệp là chính sách ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sinh tháo vùng miền núi vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước”, ông Nhã nói.
Còn ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc TƯ thì cho rằng, Nhà nước cần sớm có cuộc cách mạng với đất rừng. Theo ông, việc Nhà nước tiến hành quy hoạch, điều chỉnh – phân chia lại đất và đất rừng là việc làm cấp bách, hợp với lòng dân. Nếu cứ tách người dân tộc ra khỏi rừng thì họ sẽ tiếp tục đói nghèo, đất nước cũng sẽ không ổn định, phát triển. Chính phủ phải đẩy mạnh giao đất rừng cho đồng bào dân tộc, hỗ trợ cho đồng bảo chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng…
Hội thảo “Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi” do Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) tổ chức. Đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ, các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kết quả nghiên cứu và thông tin thực tiễn, từ đó đề xuất chính sách và giải pháp thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững và giữ vững an ninh quốc phòng vùng miền núi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()