Khi bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND
Trao đổi kinh nghiệm thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở Đảng ủy xã Yên Than (Tiên Yên, Quảng Ninh). Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND của Bộ Chính trị, phần lớn các tỉnh ủy, thành ủy đã lựa chọn những đơn vị đại diện vùng, miền, có tình hình kinh tế - xã hội tương đối ổn định, làm tốt công tác cán bộ, nội bộ đoàn kết để thực hiện. Sau ba năm triển khai, những đơn vị được chọn làm điểm đã đạt một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra cần rút kinh nghiệm nghiên cứu tổng kết, trước khi nhân ra diện rộng.Bài 1: Áp lực công việcNhiều người nói, cấp xã (xã, phường, thị trấn) như cái phễu, trăm công, nghìn việc dồn hết cả vào đó. Các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND do hai người đảm nhiệm đã là vất vả, huống chi một người "gánh", rõ ràng áp lực công việc là đương nhiên; cán bộ...
Trao đổi kinh nghiệm thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở Đảng ủy xã Yên Than (Tiên Yên, Quảng Ninh). |
Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND của Bộ Chính trị, phần lớn các tỉnh ủy, thành ủy đã lựa chọn những đơn vị đại diện vùng, miền, có tình hình kinh tế – xã hội tương đối ổn định, làm tốt công tác cán bộ, nội bộ đoàn kết để thực hiện. Sau ba năm triển khai, những đơn vị được chọn làm điểm đã đạt một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra cần rút kinh nghiệm nghiên cứu tổng kết, trước khi nhân ra diện rộng.
Bài 1: Áp lực công việc
Nhiều người nói, cấp xã (xã, phường, thị trấn) như cái phễu, trăm công, nghìn việc dồn hết cả vào đó. Các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND do hai người đảm nhiệm đã là vất vả, huống chi một người “gánh”, rõ ràng áp lực công việc là đương nhiên; cán bộ khó chịu nổi. Tìm hiểu ở một số xã, phường mà bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, chúng tôi thấy quả là công việc có nhiều, nhưng không phải vì thế mà cán bộ không đảm đương được.
Giải tỏa áp lực bằng sự phân công, phân nhiệm rõ ràng
Chúng tôi về xã Yên Than, huyện Tiên Yên, nơi có 75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số và cũng là một trong 21 xã, phường của tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND (gọi tắt là bí thư đồng thời là chủ tịch (BTĐTLCT). Đảng bộ xã đang dồn sức để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới vào năm 2014. Bởi thế, hàng loạt nhiệm vụ đặt ra cần giải quyết, nhất là giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn, xây trường học, nhà văn hóa. Bảy trong số 14 thôn của xã có các tuyến quốc lộ 4B, 18A, 18C chạy qua cần giải phóng mặt bằng để mở rộng làn đường. Từ đầu năm đến nay, xã đã hoàn thành công tác này đúng kế hoạch, không xảy ra khiếu kiện. Nhiều hộ như gia đình ông Lý Sòi Lỳ, thôn Khe Và hiến hơn 3.000 m2; gia đình ông Trần Văn Hạnh, thôn Khe Tiên hiến đất mặt đường trị giá 100 triệu đồng. Song cũng có trường hợp không chấp nhận đền bù, ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng như một gia đình ở thôn Nà Lộc. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Tặng cùng đại diện các đòan thể đã đến gặp thân nhân của chủ hộ là một cựu chiến binh nhờ vận động giúp. Rồi chính cựu chiến binh này đã tự nguyện dành 200 m2 đất canh tác tốt của gia đình mình chuyển cho chủ hộ đó, để lấy phần đất ruộng của họ giao cho xã làm đường.
Vì sao Yên Than lại thành công trong việc vận động nhân dân hiến đất làm đường và phục vụ các công trình? Trước hết, người đứng đầu của xã biết rõ tính chất của công việc, tổ chức họp bàn một cách kỹ lưỡng trong Đảng ủy và UBND xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, từng bộ phận, nơi nào khó khăn thì trực tiếp vào cuộc. Xã miền núi Yên Than hôm nay đổi thay từng ngày. Thôn, bản nào cũng trù phú. Đảng ủy xã quy định, cán bộ đi tham quan về phải báo cáo thu hoạch để Đảng ủy bàn cách học tập các mô hình làm kinh tế của địa phương bạn. BTĐTLCT Nguyễn Xuân Tặng khi tham quan ở Xin-ga-po, thấy đường phố nào cũng rợp bóng cây, về địa phương, phát động ngay phong trào trồng cây xanh và đưa vào Nghị quyết Đảng ủy xã, mỗi năm trồng mười nghìn cây. Đường giao thông nông thôn làm đến đâu giao cho Đoàn Thanh niên trồng cây đến đó. Vì thế, Yên Than đã triển khai thành công nhiều mô hình như giao đất trồng, quản lý rừng cho các hộ gia đình, ít cũng 3 ha, nhiều là hàng chục ha; mô hình nuôi bán thâm canh cá rô đầu vuông, nuôi cá lồng bè trên sông Tiên Yên cũng cho thu nhập khá cao. Không ít gia đình trồng đào cảnh, mỗi dịp Tết về có thu nhập thêm từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Giờ đây, Yên Than chỉ còn 6,2% số hộ nghèo, không còn hộ đói.
Đại úy Nguyễn Xuân Tặng – người con xứ Nghệ, sau 15 năm phục vụ trong quân đội, lại gắn bó với quê hương thứ hai nơi vùng núi này và từng làm Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch UBND xã. “Đã năm năm ba tháng, tôi giữ cương vị BTĐTLCT. Áp lực công việc gấp hai, ba lần khi chỉ làm bí thư hoặc chủ tịch. Chỉ riêng tham gia họp huyện ủy, ủy ban, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện, ở xã, dự họp chiếm hết thời gian. Còn công việc ở xã, phải giải quyết hằng ngày, hằng giờ, không kể đêm hôm, ngày nghỉ. Để giải tỏa áp lực công việc cần có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, không ôm đồm. Ai được phân công việc gì, phải chịu trách nhiệm đến cùng với việc đó”. Đồng chí Nguyễn Xuân Tặng tâm sự.
Nói chuyện với một số cán bộ, đảng viên chúng tôi hiểu rõ hơn, để có những cộng sự đắc lực, thì người đứng đầu phải toàn tâm, toàn ý vì công việc, không cá nhân, vụ lợi. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đinh Quang Lai, cho biết: Bí thư, chủ tịch giao việc rất cụ thể và luôn kiểm tra, đôn đốc; mỗi lúc gặp khó khăn là cùng cấp dưới bàn cách tháo gỡ. Khi bàn bạc công việc thì dân chủ thoải mái, việc gì chưa chắc chắn, đưa ra Ban Thường vụ cùng bàn, chưa yên tâm lại đưa tiếp ra ban chấp hành và mời các ban, ngành, đoàn thể tham gia góp ý. Nhưng khi chỉ đạo, điều hành lại phải quyết đoán.
Thành công của mô hình BTĐTLCT ở Yên Than là người đứng đầu biết tập hợp mọi người bằng chính sự tâm huyết, hết mình vì công việc. Bí thư Huyện ủy Tiên Yên Kiều Quốc Huy khẳng định như vậy khi trò chuyện với chúng tôi.
Ôm đồm nhiều việc là thất bại !
Con đường từ thị xã Tam Điệp về xã Đông Sơn, tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là “con đường đau khổ” vì toàn ổ trâu, ổ gà. Trước mặt trụ sở UBND xã là những dãy núi nham nhở do hàng chục doanh nghiệp đang khai thác đá. Trên địa bàn xã vùng ven này còn có dự án sân gôn 54 lỗ, trong giai đoạn 1, diện tích mặt bằng phải giải phóng đã là 100 ha; dự án mỏ sét Chà Tu ở thôn 12 cũng liên quan đất đai hàng chục hộ gia đình,…
Tiếp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Ngô Văn Dần kể tỉ mỉ vì sao lại có nhiều thay đổi nhân sự ở Đảng bộ xã Đông Sơn. Thực hiện thí điểm mô hình BTĐTLCT, tháng 8-2009, đồng chí Phạm Công Đại (đã bảy năm là Chủ tịch UBND xã) được giao thêm chức danh Bí thư Đảng ủy. Đây cũng là thời điểm Đông Sơn đang gồng mình lên để giải quyết nhiều việc, như giải phóng mặt bằng cho dự án sân gôn liên quan 226 hộ gia đình; quản lý đất đai sau khi Nông trường chè Tam Điệp giải thể, giao công nhân làm chè và đất nông trường về xã quản lý, tình trạng tranh chấp đất đai, xây nhà trái phép tràn lan không quản lý nổi, v.v. Bốn tháng sau khi đảm nhiệm BTĐTLCT, đồng chí Phạm Công Đại với lý do muốn đưa gia đình vào miền nam sinh sống đã nộp đơn xin nghỉ việc (nhưng hiện nay vẫn ở tại địa phương). Nhiều lần động viên đồng chí tiếp tục công tác không thành, cuối tháng 12-2009, Ban Thường vụ Thị ủy họp bàn với Ban Thường vụ Đảng ủy xã và quyết định điều Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Tam Điệp Mai Lương Tá, sinh năm 1972 về thay. Nhưng 14 tháng sau, đồng chí lại phải rút về Thị ủy.
Theo Chủ tịch UBND xã Đông Sơn Phạm Xuân Tình, chưa bao giờ xã phải đối mặt nhiều khó khăn, phức tạp đến thế. Có tháng, 19 lần dân chặn xe của các doanh nghiệp không cho vào khai thác đá; ba lần giải phóng mặt bằng để giao đất cho dự án sân gôn là ba lần đánh vật với công việc. Chủ đầu tư sân gôn ký hợp đồng với dân đền bù 35 tỷ đồng, nhưng sau khi dân giao đất, lại không có tiền trả, đành ký hợp đồng vay lại số tiền đó với lãi suất 16%/năm và hứa sẽ trả hết sau sáu tháng (tháng 12-2010). Nhưng sau nhiều lần gia hạn theo các mức lãi suất khác nhau, đến nay dân vẫn chưa nhận được tiền. Thế là xuất hiện đơn thư, khiếu kiện. Rồi chuyện quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Trước những áp lực như vậy, cần một đội ngũ cán bộ đều tay, có trình độ, năng lực, từng trải và kinh nghiệm, nhưng Đông Sơn không đáp ứng được yêu cầu ấy. Mặt khác, quy chế làm việc lại thiếu rõ ràng, nhiều khi không được thực hiện. Theo một số ý kiến trong Đảng ủy xã, đồng chí Mai Lương Tá là cán bộ trẻ, dám nghĩ, dám làm, nhưng thiếu kinh nghiệm, nhất là khi giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong dân. Ngoài ra, do mới điều về, đảm đương cả hai chức danh quan trọng, lại không tin cấp dưới, ôm đồm nhiều việc, cho nên không tạo được đồng thuận với cán bộ tại chỗ.
Giờ đây là Phó Trưởng ban Dân vận Thị ủy Tam Điệp, đồng chí Mai Lương Tá phân trần: “Khi đó, tôi chưa quy tụ được cán bộ, không nhận được sự ủng hộ của cấp dưới, thậm chí là chưa tin nhau. Việc gì mình cũng phải lăn vào mới yên tâm. Trách nhiệm đó thuộc về tôi. Nhưng cũng phải nói là tôi về Đông Sơn đúng thời điểm quá nhiều việc phức tạp, nếu chỉ làm bí thư đảng ủy thôi thì tin sẽ tốt hơn”.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá, đồng chí Mai Lương Tá kinh nghiệm công tác chưa nhiều, năng lực hạn chế, tín nhiệm thấp; đơn vị lại có biểu hiện cục bộ, địa phương, nếu tiếp tục để đồng chí làm BTĐTLCT sẽ dẫn đến mất ổn định, cho nên dừng thực hiện thí điểm mô hình này ở Đảng bộ xã Đông Sơn.
Được và chưa được của mô hình
Thực hiện thí điểm chủ trương BTĐTLCT ở cấp xã, các tỉnh ủy, thành ủy đều xây dựng kế hoạch, tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, thấy đủ điều kiện mới thực hiện. Thực tế là việc thực hiện mô hình này thường chỉ thành công ở những đơn vị có kinh tế – xã hội phát triển, đội ngũ cán bộ đều tay, nội bộ đoàn kết, thống nhất.
Qua thực tiễn hai xã nêu trên, có thể khẳng định: Mô hình BTĐTLCT thành công hay không là do chất lượng cán bộ, nhất là người đứng đầu. Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện thí điểm ở tám xã thì hai xã có kết quả phát huy tốt; hai xã không thành công, dù Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy chỉ đạo khá sát sao, cùng vào cuộc hỗ trợ đắc lực, nhưng không thể thay được cán bộ tại chỗ. Ngoài Đông Sơn, còn có xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, đồng chí BTĐTLCT ở đây có biểu hiện chuyên quyền, tín nhiệm thấp, cho nên tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 – 2015 được bầu vào ban chấp hành, nhưng không trúng cử Ban Thường vụ, phải thay nhân sự khác.
Trong số 638 xã, phường, thị trấn của cả nước thực hiện thí điểm mô hình BTĐTLCT, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số địa phương có số lượng giảm: Hà Nội giảm chín đơn vị, Đồng Tháp giảm ba, Bắc Cạn giảm hai đơn vị, v.v. Một số đồng chí không trúng cử khi bầu chủ tịch UBND hoặc cấp ủy, phải thay nhân sự (Đồng Tháp: 1, Bắc Giang: 1, Hòa Bình: 1,…).
Trò chuyện với các đồng chí: An Quang Vịnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Văn Biển, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh và một số cán bộ cấp ủy các địa phương, chúng tôi nhận được ý kiến cho rằng, thực hiện mô hình này, thuận lợi là việc lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở linh hoạt, kịp thời hơn. Nhiều việc giảm bớt các thủ tục hành chính; phát huy được vai trò người đứng đầu và tính chủ động, sáng tạo của cán bộ ở cơ sở, khắc phục tình trạng trông chờ, đùn đẩy trách nhiệm. Song, cũng dễ nảy sinh tiêu cực vì quyền lực tập trung vào một người, nếu lựa chọn cán bộ không tốt, hoặc dân chủ không được thực thi đầy đủ, dễ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán, mất đoàn kết. Để thực hiện tốt mô hình này, cần nhiều yếu tố, như cần thực thi dân chủ thật sự; phân quyền cụ thể, phân cấp rõ ràng đi liền với cơ chế giám sát chặt chẽ, thường xuyên; cán bộ đảm đương cả hai cương vị này cần tương đối toàn diện, có trình độ, năng lực, uy tín, kinh nghiệm công tác, biết quy tụ cán bộ, có sức khỏe, điều kiện, hoàn cảnh gia đình tốt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()