“Khép lại quá khứ” nhưng không được bóp méo lịch sử
“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” vừa là luận điểm giữ vai trò chỉ đạo trong sự phát triển quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, được khẳng định trong Điều 12, Chương 1, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (2013), vừa là biểu hiện cụ thể về truyền thống nhân văn, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, thực tế cho thấy, dường như từ đó một số người lại đi tới chỗ lãng quên quá khứ, phủ nhận và cào bằng lịch sử, thậm chí bóp méo quá khứ?
Cách đây vài năm, dư luận rất bất bình khi nhân 20 năm Tổng thống Hoa Kỳ B. Clinton (Clin-tơn) tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, một báo điện tử đã đăng bài một phỏng vấn nhan đề Món quà tết của tổng thống Bill Clinton, mà nội dung chủ yếu là “ca ngợi” sự kiện Hoa Kỳ gỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Dư luận bất bình vì việc thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa các quốc gia trên toàn thế giới là điều hết sức bình thường, xuất phát từ lợi ích trực tiếp và cùng có lợi giữa các bên liên quan, nhưng chính sách cấm vận của Mỹ với Việt Nam từ năm 1975 là một chính sách phi lý, không chỉ cô lập Việt Nam trong các quan hệ quốc tế, mà còn buộc Việt Nam phải đối mặt, phải giải quyết vô vàn khó khăn mà nếu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không nỗ lực vượt bậc thì đã không thể vượt qua. Bên cạnh đó, chính sách cấm vận vừa khiến nước Mỹ thiếu đi một đối tác ở châu Á, vừa đi ngược lại quá trình phát triển chung của nhân loại…
Điều này trong Lễ kỷ niệm 239 năm Ngày Độc lập của nước Mỹ và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức năm 2015 tại Hà Nội, đích thân ông B. Clinton khẳng định rõ ràng: “Trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, bản thân tôi nghĩ nước Mỹ còn được nhiều hơn” (Bill Clinton: Mỹ được nhiều hơn khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, 3-7-2015). Do đó, ý kiến trong bài phỏng vấn nhân việc Hoa Kỳ tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam như “món quà tết” của ông B.Clinton là ý kiến khó có thể chấp nhận, vừa hạ thấp vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ, vừa sớm quên điều phi lý mà cả dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng suốt mấy chục năm. Bị dư luận phản ứng, bài viết đã bị báo điện tử này gỡ xuống.
Ngỡ rằng đó là quan niệm lạc lõng từ góc nhìn phiến diện chỉ tồn tại trong một số người không e ngại khi hạ thấp, thậm chí lãng quên các giá trị cao quý của dân tộc, để vuốt ve một số lợi ích trước mắt, nhưng một số hiện tượng diễn ra gần đây lại cho thấy dường như lại có biểu hiện lan rộng? Trong số đó, phải nhắc đến phát biểu của vị giám đốc một công ty phát hành sách trong buổi tọa đàm ra mắt hồi ký Xứ Đông Dương của P.Doumer (P.Đu-me) khi cho rằng, những gì viên toàn quyền này và thực dân Pháp thực hiện tại Việt Nam còn… gây tranh cãi (?!). Dường như vị giám đốc này đã quên “tổ quốc” của P.Doumer chính là đế quốc thực dân Pháp (Empire colonial français) đã làm giàu từ buôn bán nô lệ, cướp bóc của cải, khai thác tài nguyên của các nước mà họ xâm lược, đặt ách cai trị. Tại Việt Nam, P.Doumer là người mà sử gia nổi tiếng P.Devillers (P.Đơ-vi-lê) nhận định là đã tạo ra một khúc quanh lớn khi “nới rộng mãi cái hố giữa người Pháp và người Việt Nam… hoàn thành việc Pháp nắm lấy Chính phủ vương triều bằng cách đặt một viên chức Pháp lên đầu Chính phủ này, nô lệ hóa hoàn toàn nhà vua và các thượng thư, thu nhỏ họ lại, như Ủy ban Bremier (Bơ-gơ-mi) đã khuyến cáo năm 1857” ( Người Pháp và người An Nam bạn hay thù, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006, tr.570-571).
P. Devillers cũng không quên thuật lại sự nhẫn tâm của P.Doumer cùng đồng sự trong công cuộc bình định thuộc địa qua việc dẫn lại lời kể của Trung úy F.Bernard (F. Béc-na): “Trong vài ngày người ta đã hành hình 200 người An Nam, trong số đó có những đứa nhóc 14 tuổi, có tội là đã làm rối giấc ngủ của những vị quan cai trị của chúng ta. Tất cả đều đáng nôn mửa” ( P.Devillers, Sđd, tr.574). Trong hồi ký, P.Doumer cũng thừa nhận tội ác của chính quyền do ông ta đứng đầu: “Mọi sự được an bài để mỗi xứ Đông Dương là kẻ thù của một xứ khác, đặc biệt là Nam Kỳ không có bất kỳ một liên hệ nào với Trung Kỳ, không muốn gần gũi với Trung Kỳ” ( Xứ Đông Dương,NXB Thế giới, 2016, tái bản có sửa chữa, tr.140).
Thứ “hòa bình” mà P.Doumer ngợi ca thực ra là “sức mạnh về vũ khí, được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật ấy đã mang lại thứ ưu thế duy nhất mà người An Nam công nhận” ( Xứ Đông Dương, tr.224). Trong một trang khác, ông ta viết: “Họ không canh phòng chống lại người Pháp, nhưng họ rất sợ; họ vẫn đang phải chịu đựng đau khổ vì người Pháp. Việc trưng tập phu khuân vác, hay đám thợ thuyền, cho các đội quân là tai họa thật sự đối với các vùng bị trưng tập. Hiếm người đàn ông nào ra đi như vậy còn về lại làng mình” ( Xứ Đông Dương, tr.245). Ngay việc ông ta tỏ ra tiếc nuối, không muốn phá hủy các công trình cổ của người Việt (như thành Hà Nội) cũng đâu phải vì muốn lưu giữ tài sản cho người Việt Nam như có người hết lời ca ngợi, mà vì: “Ta hẳn có thể tập trung vào đó tất cả những cơ sở quân sự mà một phần nằm trong đó rồi, từ Bộ Tổng Tham mưu cho đến các doanh trại và xưởng. Như vậy những đơn vị ấy hẳn sẽ được bảo vệ, trong mọi tình huống nguy cấp có thể xảy ra” ( Xứ Đông Dương, tr.324).
Với những người “phụng sự nước Pháp” trong Xứ Đông Dương còn đáng bàn hơn nữa. Đó là Trần Bá Lộc với “những biện pháp khắc nghiệt tàn nhẫn không nao núng mà chúng ta không thể quen được” ( Xứ Đông Dương,tr.136) khi giúp ngoại xâm thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa của đồng bào mình trong bể máu. Đó là Nguyễn Thân, kẻ khi viên toàn quyền này đến Đông Dương đã vội vàng viết thư tâng công với P. Doumer kể về thành tích giết hại đồng bào. Và còn đó, vô số những kẻ bán nước cầu vinh khác được P.Doumer ca ngợi như những người “cống hiến cho sự nghiệp chung bằng tất cả nỗ lực đầy nhiệt huyết của mình” (Xứ Đông Dương,tr.632).
Ngược lại những người Pháp bị coi là “thân An Nam” như Pasquier (Pat-ki-ê), Pennequin (Pen-nơ-canh), Gosselin (Gô-sơ-lanh), Diguet (Đi-ghê), P.Cadière (Ca-đi-e-gơ) đều chịu số phận như P.Devillers nhận định “tất cả đều lần lượt bị lên án, cô lập, vô hiệu hóa, đánh bại, dồn vào sự yên lặng” ( P.Devillers, Sđd, tr.611). Chính sách và tội ác đối với dân tộc Việt Nam của chính quyền thực dân do P.Doumer đứng đầu là không thể tranh cãi. Di sản thực dân ông ta để lại đã được “trả sòng phẳng” bằng chính mồ hôi, xương máu của cha ông chúng ta, nếu không muốn nói từ đó nước Pháp đã vơ vét được khoản lợi nhuận khổng lồ. Vì thế, việc dịch thuật, giới thiệu các cuốn sách về chủ nghĩa thực dân nhằm khai thác những tư liệu quý về giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc là cần thiết, nhưng không phải vì thế để nghi ngờ quá khứ, thậm chí xóa nhòa lịch sử, đổi trắng thay đen, và việc làm này cần phê phán mạnh mẽ.
Với người tự nhận là “yêu thích lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam” như vị giám đốc nêu trên mà còn có ngộ nhận như vậy, thì khó có thể trách một bộ phận người trẻ tuổi như “phát cuồng” khi hát lại các ca khúc, vẽ tranh, tạo dáng bắt chước hình ảnh, rồi ghép mặt vào thân hình các nhân vật trong một bộ phim Hàn Quốc gần đây. Trong khi đây chỉ là một bộ phim giả tưởng, và chỉ làm một so sánh đơn giản sẽ thấy nhân vật trong phim hoàn toàn trái ngược với hình ảnh đầy tai tiếng của binh lính Hàn Quốc tham gia chiến tranh tại Việt Nam trước đây. Gần đây, trong bài Đông – Nam Á lãng quên sự khủng bố của phương Tây (Southeast Asia “Forgets” About Western Terror) đăng trên counterpunch.org ngày 2-10-2015, tác giả A. Vltchek (A.Vơ-chếch) đã đưa ra những nhận xét khiến những người Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc phải suy nghĩ, ông viết: “Tất cả đã được tha thứ và bị quên lãng …
Trên khắp châu Á, công chúng có đặc quyền để lựa chọn không biết, không nhớ, hay thậm chí là xóa sạch những chương khủng khiếp của lịch sử… Cùng đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với G. Burchett (G. Bơc-xét), tôi vô cùng ngưỡng mộ các tác phẩm của nền nghệ thuật cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam được trưng bày tại đây. Nhiều hành vi khủng khiếp của phương Tây và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam được thể hiện chân thực qua các tác phẩm này. Nhưng thật kỳ lạ là bảo tàng rất vắng người. Cạnh chúng tôi, chỉ có vài ba khách du lịch, và họ cũng là người nước ngoài. Những phòng trưng bày lớn của Bảo tàng nghệ thuật hầu như trống không”.
Trong loạt bài nhan đề Những trải nghiệm của Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Namđăng trên The Hankyoer ngày 8-7-2013, tác giả Nam Jong- young (Nam Giông-dăng) đã viết: “vấn đề bồi thường chiến tranh đã được bỏ qua khi Seoul (Xơ-un) và Hà Nội thiết lập ngoại giao kể từ năm 1992, câu hỏi đó chưa bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự song phương”. Điều đó thể hiện thiện chí “khép lại quá khứ” của Việt Nam trong quan hệ với không chỉ Hàn Quốc, mà cả các nước có liên quan tới cuộc chiến tranh cách đây hơn 40 năm.
“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” để hợp tác, cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là lựa chọn sáng suốt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc đã đúc kết ngàn đời. Thiết nghĩ, khi mà sự hối hả của cuộc mưu sinh, làm giàu và khởi nghiệp đã và đang trở thành ước mơ chính đáng của thế hệ trẻ thì mỗi người cũng không nên quên rằng, khắp nơi trên nước Việt Nam này, những chứng tích chiến tranh, những đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ, những nạn nhân chiến tranh vẫn còn đó; sách vở, tư liệu về quá khứ hào hùng nhưng bi thương của cha anh, của cả dân tộc vẫn hiện diện trong các cuốn sách ở nhiều cửa hiệu đến các thư viện từ trung ương đến địa phương…
Nhớ về quá khứ không phải là để nung nấu hận thù, càng không phải để kích động tư tưởng bài ngoại, mà nhớ về quá khứ chính là cơ sở để xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc trong mỗi người, từ đó suy nghĩ sáng suốt, hành động hiệu quả để không làm tổn thương cha anh, để xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, để sự hy sinh của cha anh vẹn toàn ý nghĩa cao quý. Thế nên, là người Việt Nam, dù thế nào cũng không được xóa nhòa ranh giới giữa chính nghĩa với phi nghĩa, lãng quên lịch sử, thậm chí “đổi trắng thay đen, biến không thành có, biến có thành không”, cốt để bóp méo lịch sử.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()