Khẩu hiệu, tranh vẽ tuyên truyền cần chuẩn mực
Là một hình thức cổ động, tuyên truyền trực quan sinh động, pa nô, áp phích, khẩu hiệu sẽ phát huy tác dụng, hiệu quả và trở thành một sản phẩm văn hóa giàu ý nghĩa khi người ta viết, vẽ một cách chuẩn mực, sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với đối tượng tuyên truyền.
Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm, thi thoảng có nơi vẫn “hồn nhiên” viết câu khẩu hiệu: “Chào mừng kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7”. Đây là dịp để ghi nhớ, tri ân những người đã hy sinh một phần xương máu và tính mạng cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và cũng là dịp để nhắc nhớ, giáo dục thế hệ hôm nay không lãng quên lịch sử đấu tranh giữ nước gian khổ, hào hùng của các thế hệ cha anh. Khi câu khẩu hiệu thêm chữ “chào mừng” đã vô hình trung khơi gợi lại nỗi đau đối với bản thân các thương binh và thân nhân các thương binh, liệt sĩ. Vì thế, viết đúng câu khẩu hiệu phải là: “Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7”.
Bức tranh vẽ trên tường có nội dung tiếng Anh khiến người dân lao động phổ thông khó hiểu. |
Ở một huyện miền núi nghèo, khi đi qua các trung tâm thị trấn, thị tứ xuất hiện khá nhiều áp phích tuyên truyền về việc vận động nộp thuế, như: “Nộp thuế là yêu nước”, “Nộp thuế để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Nộp thuế để góp phần xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “Nộp thuế để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “Công dân và doanh nghiệp có trách nhiệm nộp thuế để xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội văn minh”… Những khẩu hiệu trên khá hay, thế nhưng chỉ có mỗi việc nộp thuế thì có nhất thiết cần nhiều áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền dày đặc thế không? Có lẽ không nên, bởi phần đông người dân địa phương vẫn thuộc diện nghèo, phương thức canh tác và sinh hoạt cơ bản dựa vào tự cung, tự cấp là chủ yếu; trong khi đó huyện này cũng có vài ba doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp, thế nên việc hô hào quá nhiều về việc nộp thuế là thiếu khả thi.
Trên bức tường của một khu dân cư xuất hiện bức tranh vẽ với một bên là hình ảnh nhiều nhà máy san sát nhau nhả khói nghi ngút ra môi trường, bên cạnh là hình tượng trái đất thể hiện một khuôn mặt đang chịu cảnh nóng bức khiến lưỡi thè ra, tay cầm chiếc quạt giấy phe phẩy sự oi nồng bủa vây tứ phía. Trên bức tranh này có cụm từ tiếng Anh “Global Warming” (có nghĩa là: “sự nóng lên toàn cầu”). Bức tranh mang thông điệp tích cực, thức tỉnh mọi người cần chung tay góp sức để giữ gìn môi trường sinh thái, ngăn chặn sự nóng lên của toàn cầu. Tuy nhiên, vì đây là khu dân cư chủ yếu là người dân lao động phổ thông nên không phải ai cũng hiểu được nghĩa của cụm từ “Global Warming”. Vẽ hình, viết chữ kiểu “nửa ta, nửa tây” này chưa phù hợp với nhận thức, tâm lý của số đông người dân trên địa bàn.
Là một hình thức cổ động, tuyên truyền trực quan, sinh động, pa nô, áp phích, khẩu hiệu sẽ phát huy tác dụng, hiệu quả và trở thành một sản phẩm văn hóa giàu ý nghĩa khi người ta viết, vẽ một cách chuẩn mực, sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Ngược lại, sẽ giảm ý nghĩa, thậm chí trở nên phản cảm khi viết, vẽ pa nô, áp phích, khẩu hiệu chưa tinh tế, nội dung không phù hợp với đối tượng tiếp nhận và ảnh hưởng đến cảnh quan địa bàn.
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/khau-hieu-tranh-ve-tuyen-truyen-can-chuan-muc-716292
Ý kiến ()