Khâu đột phá trong phát triển kinh tế ở Ðồng Nai
Năm 2011, tỉnh Đồng Nai đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. GDP đạt 13,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng (tương đương 1.789 USD); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 23 nghìn tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,8 tỷ USD...Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi đóng góp khoảng 60% GDP cả nước. Năm 2012, tỉnh chọn là năm tập trung tạo bước đột phá trên lĩnh vực giao thông, làm tiền đề quan trọng để đến năm 2015 xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Đánh giá về hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đồng Nai cho biết: Những năm gần đây mặc dù hạ tầng giao thông đã được cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Toàn tỉnh đã phát triển hơn 6.500 km đường gồm: năm tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 244 km; hệ thống tỉnh lộ gồm 20 tuyến...
|
Năm 2011, tỉnh Đồng Nai đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội. GDP đạt 13,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng (tương đương 1.789 USD); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 23 nghìn tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,8 tỷ USD…
Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi đóng góp khoảng 60% GDP cả nước. Năm 2012, tỉnh chọn là năm tập trung tạo bước đột phá trên lĩnh vực giao thông, làm tiền đề quan trọng để đến năm 2015 xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đánh giá về hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đồng Nai cho biết: Những năm gần đây mặc dù hạ tầng giao thông đã được cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Toàn tỉnh đã phát triển hơn 6.500 km đường gồm: năm tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 244 km; hệ thống tỉnh lộ gồm 20 tuyến với tổng chiều dài hơn 372 km… Tuy đã có nhiều chuyển biến so với trước đây, nhưng hạ tầng giao thông vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của một tỉnh công nghiệp. Một số QL kết nối vùng và đường giao thông nội tỉnh hiện quá tải và xuống cấp. Vận tải thủy chỉ mới phát triển bước đầu, thiếu hụt hệ thống cảng cạn, cảng biển có quy mô, sự kết hợp giữa các loại hình vận tải chưa đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả…
Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai Nguyễn Văn Điệp cho biết: Mục tiêu đột phá về hạ tầng giao thông sẽ khó đạt được nếu không có những thay đổi trong phương thức quản lý cũng như các giải pháp cụ thể. Do vậy, ngành sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện các dự án giao thông và tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng. Trong tương lai, tập trung phát triển các tuyến đường theo hướng bắc – nam, đông – tây, xây dựng thêm các tuyến cao tốc, tuyến vành đai liên vùng, đầu tư phát triển hệ thống cảng sông, cảng biển và cảng tổng hợp có quy mô lớn…
Trong những năm qua, cùng với T.Ư, tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án (DA) giao thông trọng điểm như: cầu Hóa An, cầu Đồng Nai, đường liên cảng, QL 51, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường tránh Biên Hòa, tuyến đường Bến Lức – Long Thành… Định hướng phát triển hạ tầng giao thông ở Đồng Nai đến năm 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, sẽ đầu tư nâng cấp 15 tuyến đường tỉnh; sáu tuyến đường thủy nội địa và hai cầu đường bộ với tổng kinh phí dự toán hơn 11 nghìn tỷ đồng. Thực tế, để xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối với hệ thống giao thông các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam thì số kinh phí nêu trên là quá khiêm tốn. Theo tính toán, trong 5 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở Đồng Nai cần hơn 80 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đang triển khai các dự án lớn, sẽ tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ. Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành với tổng diện tích đất 5 nghìn ha, sẽ là trạm trung chuyển hàng không trong khu vực Đông-Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hóa/năm. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với cảng hàng không, ở phía tây nam kết nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Phía đông bắc kết nối với đường vành đai 4. Tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh – Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại trục chính trước mặt nhà ga hành khách…
Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, khởi công ngày 3-10-2010, dài gần 55 km, tốc độ thiết kế 120 km/giờ với bốn làn xe, dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Sau khi dự án đưa vào hoạt động sẽ nối liền với Đại lộ Đông Tây, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và trong tương lai sẽ kết nối vào mạng lưới đường cao tốc quốc gia tạo lập một hệ thống đường cao tốc liên vùng. Tuyến đường cao tốc này sẽ góp phần thúc đẩy khai thác thế mạnh về du lịch của Vũng Tàu và Đà Lạt, phát huy hiệu quả cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, phục vụ nhu cầu vận tải của sân bay quốc tế Long Thành.
Với hàng loạt các dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong vài năm tới, hệ thống giao thông hiện đại với những điểm kết nối, giao cắt một cách đồng bộ, hợp lý, sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của Đồng Nai và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()