Khâu đột phá trong cải cách hành chính ở Bắc Ninh
Tại điểm "một cửa liên thông hiện đại" thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Bài và ảnh: LÊ MẬU LÂM Nếu sự thiếu công khai, minh bạch cùng cơ chế kiểm soát lỏng lẻo trong lĩnh vực hành chính công là mảnh đất phát sinh tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức, công dân thì cơ chế một cửa liên thông hiện đại trở thành công cụ quan trọng trong cải cách hành chính ở Bắc Ninh. Cơ chế này đã và đang góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.Cơ chế một cửa liên thông hiện đại, áp dụng tối đa công nghệ tin học vào quá trình giải quyết công việc của tổ chức và công dân. Cơ chế này là khâu đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh Bắc Ninh. Mới đây, Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Thiêm cho biết: Hiện nay có 17 xã, phường, thị trấn, 12 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và toàn bộ tám huyện, thị xã, thành phố của Bắc Ninh đã triển khai thực hiện cơ chế này. Qua hai năm, triển khai...
Tại điểm “một cửa liên thông hiện đại” thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Bài và ảnh: LÊ MẬU LÂM |
Cơ chế một cửa liên thông hiện đại, áp dụng tối đa công nghệ tin học vào quá trình giải quyết công việc của tổ chức và công dân. Cơ chế này là khâu đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh Bắc Ninh. Mới đây, Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Thiêm cho biết: Hiện nay có 17 xã, phường, thị trấn, 12 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và toàn bộ tám huyện, thị xã, thành phố của Bắc Ninh đã triển khai thực hiện cơ chế này. Qua hai năm, triển khai ở cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã và các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ chế đã giúp mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu được tiếp cận thông tin đầy đủ, tham gia giám sát và được hưởng lợi từ quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Mặt khác, cơ chế này là công cụ để UBND tỉnh và các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát và tổng hợp quá trình giải quyết công việc của các sở, ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã bất cứ lúc nào mà không cần đến tận nơi hoặc thông qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị.
Thị trấn Gia Bình là một trong ba đơn vị cấp xã đầu tiên của Bắc Ninh thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông hiện đại”. Các xã, phường, thị trấn còn lại được chọn làm thí điểm đã tiến hành xong việc trang bị máy và sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Buổi sáng đầu tuần tại phòng “một cửa” thị trấn Gia Bình, lác đác người giao dịch. Nếu cùng thời điểm năm trước, con số này phải hàng chục. Từ khi toàn huyện Gia Bình thực hiện “dồn điền đổi thửa” nhu cầu làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng cao. Nếu trước đây, người dân làm phải đi lại hàng chục lượt, chờ cả tháng, nay nhờ tra cứu trên Web, biết các loại thủ tục cần làm, ai giải quyết, thời gian nhận kết quả. Do đó, chỉ đi hai lần và được thông báo kết quả sau một tuần. Chị Nguyễn Thị Xuân, từ thôn Đông Bình đến làm thủ tục khai sinh cho con. Chị cho biết, trước đây chị phải đợi năm đến bảy ngày, nay xong việc trong buổi sáng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Diễn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn nói: Với bốn lĩnh vực là giải quyết chính sách xã hội; tư pháp hộ tịch; đất đai; xây dựng, với 82 loại công việc được thực hiện ở cấp xã, có những lĩnh vực bình quân số lần đi lại của người thực hiện từ hàng chục lần khi chưa áp dụng cơ chế một cửa liên thông hiện đại nay chỉ cần hai lần là có kết quả.
Đến nay, tất cả UBND các huyện, thị xã, thành phố của Bắc Ninh áp dụng cơ chế này. Các địa phương đã tiếp nhận và giải quyết 29.140 hồ sơ thuộc tám lĩnh vực với 104 loại công việc. Thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong là những nơi triển khai sớm, thực hiện bài bản cơ chế. Các đồng chí lãnh đạo các địa phương trên có cùng kết luận: Cơ chế bảo đảm khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạnh về thủ tục hành chính, là mảnh đất tốt để phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Cơ chế vận hành tốt sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Huyện Yên Phong, cơ chế đang phát huy hiệu quả ở cả đơn vị làm điểm là thị trấn Chờ và UBND huyện. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bang cho biết: Năm 2011, huyện có tốc độ chuyển dịch cơ cấu nhanh, tổng thu ngân sách toàn huyện tăng khoảng 20% so với năm trước, có sự thúc đẩy của cải cách hành chính trên địa bàn.
Khảo sát về hiệu quả của cơ chế này đối với cơ quan cấp tỉnh, cho thấy, nếu trước đây tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết công việc liên quan đến ba cơ quan là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an và Cục Thuế tỉnh phải đi đến ít nhất là ba cơ quan. Nay đầu mối giải quyết được đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trên trang Web: “www.bacninhbusiness.gov.vn” thông tin công khai, chi tiết về các thủ tục hành chính cần thiết cho ba lĩnh vực lớn. Hồ sơ thủ tục chỉ nộp tại “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, được hẹn ngày nhận kết quả. Tại đây, anh Phạm Bá Hùng, Giám đốc một doanh nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu trên địa bàn nói: Hiện nay, khi mà các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ công còn nhiều bất cập, thì cơ chế này là điểm tựa cho doanh nghiệp.
Một báo cáo “nóng” từ các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện: thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại, các hồ sơ công việc của tổ chức và công dân được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật và trả kết quả đúng hẹn đạt tỷ lệ từ 97% đến 99%.
Nói về hiệu quả cụ thể của cơ chế từ khi vận hành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Phương Bắc cho biết: Đến nay, các cơ quan chức năng đã xem xét giải quyết 5.467 hồ sơ. Về quy trình giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã giảm từ 24 xuống còn chín bước. Thời gian được rút ngắn từ 28 ngày xuống còn bảy ngày. Với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh; đăng ký thuế; đăng ký dấu cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, số lần tổ chức và công dân đi lại tới các cơ quan hành chính cũng giảm từ 13 lần xuống còn nhiều nhất không quá ba lần…
Để bảo đảm đồng bộ trong lĩnh vực cải cách hành chính, Bắc Ninh đã và đang tập trung triển khai hiện đại hóa hành chính. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28 cơ quan, đơn vị (có 25 cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương) đã và đang triển khai xây dựng và thực hiện việc quản lý chất lượng công việc ở cơ quan, đơn vị theo tiêu chuẩn chất lượng ISO – 9001: 2000. Cơ bản, các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh và toàn bộ UBND các huyện, thị xã, thành phố đều đã triển khai xây dựng và thực hiện. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng xong gần 489 quy trình xử lý công việc bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp các quy định của pháp luật.
Những giải pháp và nỗ lực trên góp phần để Bắc Ninh tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ba năm liền Bắc Ninh luôn trong tốp 10 tỉnh có chỉ số cạnh tranh tốt nhất toàn quốc.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2013, cơ bản UBND cấp xã và 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đều thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại.
Mặt khác, bảo đảm khắc phục những khuyết tật, rào cản trong bộ máy hành chính hiện nay như nhiều quy định về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính không còn phù hợp nhưng chậm được phát hiện, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Bên cạnh đó còn không ít cơ quan, đơn vị không thực hiện công khai, minh bạnh thủ tục hành chính. Một khảo sát mới đây cho thấy, trong hoạt động kinh tế, chi phí không chính thức trên địa bàn tỉnh còn cao, một tỷ lệ không nhỏ là “tiêu cực phí”.
Hai năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư trang bị, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại trên địa bàn. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế triển khai còn chậm, chưa đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ. Theo Đề án tỉnh phê duyệt “Năm 2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án áp dụng cơ chế một cửa trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai; từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tiến tới thực hiện cơ chế “, nhưng đến nay các lĩnh vực nêu trên chưa được đầu tư công cụ bảo đảm làm việc theo cơ chế.
Việc cơ chế chậm được áp dụng trong các lĩnh vực công tác tỉnh đề ra, có nguyên nhân từ việc đầu tư cơ sở vật chất chưa tương xứng. Nhưng cần chỉ rõ nguyên nhân của nhiều nguyên nhân, đó là năng lực, đạo đức công vụ của một bộ phận công chức, viên chức yếu kém. Thực tế này kéo theo khả năng tham mưu xử lý công việc ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả thấp. Từ đó cho thấy tính cấp thiết của tăng cường kỷ cương, kỷ luật công tác, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; việc tuyển dụng, quản lý, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()