Khẩu ĐKZ của Anh hùng Trần Đình Hùng
Khẩu súng ĐKZ do Mỹ sản xuất, viện trợ cho Pháp từ năm 1950. Súng có chữ Rifle 57mm Mis n° 5507 INSS Bas Fire st ONE LBS 45 ORD DEPT USA, n° 7230307 USA; số cò súng 7229330.
Đây là một trong những chiến lợi phẩm do Đại đoàn 308 thu được của địch trong Chiến dịch Tây Bắc 1952. Đồng chí Trần Đình Hùng đã dùng khẩu súng này chiến đấu lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng chí Trần Đình Hùng, người dân tộc Kinh, quê ở xã Đại Đồng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, thành phần gia đình bần nông. Nhập ngũ tháng 7-1950,
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ, vào bộ đội, Trần Đình Hùng mới được học chữ. Từ tháng 7-1950 đến tháng 5-1954, đồng chí đã tham gia tất cả các chiến dịch lớn của Đại đoàn 308 ở Bắc Bộ, cùng đồng đội phát huy truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” của bộ đội pháo binh; chiến đấu dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn, ác liệt đến đâu cũng kiên quyết bám giữ trận địa. Bản thân đồng chí đã có nhiều hành động rất dũng cảm, có tác dụng động viên, khích lệ đơn vị hăng hái xông lên giết giặc lập công.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khẩu đội của đồng chí làm nhiệm vụ phòng ngự ở đồi 106. Địch tập trung một tiểu đoàn, có máy bay và đại bác yểm trợ, tiến công lên trận địa phòng ngự của đơn vị (chỉ có một khẩu ĐKZ và một tiểu đội bộ binh gồm 20 đồng chí). Thấy lực lượng ta ít, một số anh em lo ngại, vừa động viên anh em củng cố công sự, vừa đi tìm trong các hầm, hào, lô cốt địch, nhặt được 40 quả lựu đạn đem về phân phát thêm cho khẩu đội.
Đồng chí vui vẻ nói: “Hỏa lực tăng cường đây, khi nào bắn hết đạn, ta dùng lựu đạn này kiên quyết đánh đến cùng”. Quyết tâm chiến đấu và hành động tích cực của đồng chí đã bước đầu củng cố được tư tưởng của anh em trong đơn vị.
Tuy nhiên, khi quân địch tiến lên, súng ĐKZ của đồng chí Trần Đình Hùng bị hỏng kính ngắm vì đạn pháo địch. Không nản chí, Trần Đình Hùng đã ngắm mục tiêu qua nòng súng điều chỉnh hướng về quân địch, nạp đạn và hô xạ thủ bắn. Ngay từ phát thứ nhất đã trúng đội hình địch. Một số địch thương vong, số còn lại vội dừng lại, kêu gọi nhau rối rít. Sau một hồi nghe ngóng, địch lại lổm ngổm bò lên. Lần này đồng chí chờ cho chúng đến thật gần mới bắn, vừa sát thương được nhiều, vừa uy hiếp tinh thần địch. Cứ thế liên tiếp nhiều lần, bọn địch xông lên, lần nào cũng bị đạn pháo ĐKZ của khẩu đội Trần Đình Hùng bắn trúng đội hình, buộc địch phải ra xa. Biết không làm gì nổi, địch gọi pháo bắn ác liệt vào trận địa của khẩu đội. Anh em thương vong nhiều, Trần Đình Hùng đặt nòng pháo lên miệng chiến hào vẫn tiếp tục bắn, giữ vững trận địa. Khẩu đội ĐKZ do đồng chí chỉ huy đã diệt tại chỗ 40 tên địch, phá hủy một súng cối 81mm.
Khi đánh vị trí 311B, chân súng ĐKZ bị hỏng, do bắn nhiều nên nòng súng đã nóng bỏng. Không ngần ngại, đồng chí lấy mảnh vải bạt dùng để bọc nòng súng ĐKZ, lót nòng súng vác lên vai, bò lên bờ hào để đồng đội nạp đạn bắn, diệt nhiều hỏa điểm và binh lính địch, chi viện cho xung kích phát triển thuận lợi. Lúc gần diệt xong đồn, đồng chí đang chuẩn bị ngắm bắn một hỏa điểm thì bị thương vào đầu và cánh tay, nhưng đồng chí vẫn cố gắng chịu đựng, bắn diệt được hỏa điểm địch rồi mới chịu băng bó. Hành động dũng cảm của Trần Đình Hùng được đơn vị nêu gương học tập.
Ngoài tinh thần anh dũng chiến đấu, Trần Đình Hùng còn là một cán bộ gương mẫu về mọi mặt, luôn đi sâu, đi sát mọi việc, hết lòng thương yêu dìu dắt anh em, đồng chí. Trong công tác cũng như trong chiến đấu, đồng chí luôn giúp đỡ tạo điều kiện cho đồng đội lập công.
Trần Đình Hùng đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công (hai Huân chương hạng Nhì, một Huân chương hạng Ba), bốn lần được trung đoàn, đại đoàn khen và bầu là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn. Ngày 7-5-1956, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Khẩu súng ĐKZ đã luôn kề vai sát cánh với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đình Hùng trong suốt những chặng đường chiến đấu đầy vinh quang. Khẩu súng đã được gìn giữ, trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam suốt những năm qua, sau khi nó đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử tại chiến trường Điện Biên Phủ. Số đăng ký hiện vật là 2164K3-296. Mảnh vải bọc nòng súng nhiều chiến công đó mang số đăng ký của bảo tàng là BTQĐ: 1093B-66.
TRƯỜNG AN (Lược trích theo cuốn: "Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên", Nxb Quân đội nhân dân, năm 2024)
Ý kiến ()