Khau cút - Biểu tượng văn hóa độc đáo trên nhà sàn của người Thái đen
Biểu tượng khau cút chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc về tâm hồn, tính cách, tập quán sản xuất, sinh hoạt và khái quát cả cội nguồn văn hóa của người Thái.
Trong tổng số 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, có nhiều cộng đồng dân tộc sử dụng mẫu nhà sàn để làm nhà ở.
Tuy nhiên, đặc điểm và là biểu tượng văn hóa đặc trưng nhất, dễ nhận thấy nhất để phân biệt, nhận diện nhà sàn truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái đen (Tày Đăm) với nhà sàn của cộng đồng dân tộc khác là ở hình ảnh khau cút, biểu tượng trang trí trên mái nhà sàn.
Trải qua hàng trăm năm suốt quá trình di dân, chọn đất, lập dân, định danh bản làng của người Thái đen ở mảnh đất Mường Then (Mường Thanh- Điện Biên ngày nay), biểu tượng khau cút đã chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc về tâm hồn, tính cách, tập quán sản xuất, sinh hoạt và khái quát cả cội nguồn văn hóa của người Thái.
Khau cút trong đời sống đồng bào Thái đen Mường Thanh
Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái, Tòng Văn Hân (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết sinh sống trên địa bàn Tây Bắc, có dân tộc Tày, Lào, Khơ mú, Xinh Mun, Cống, Thái…, có tập quán ở nhà sàn.
Tuy nhiên, chỉ người Thái mới sử dụng hình ảnh khau cút để trang trí trên mái nhà. Hai đặc điểm để nhận diện, phân biệt nhà sàn người Thái với nhà sàn của cộng đồng dân tộc khác là ở bộ phận cầu thang và khau cút.
Nhà sàn người Thái có hai cầu thang (bậc lên xuống phải là số lẻ, để phân biệt với nhà mồ, bậc thang số chẵn), một cầu thang dành cho phụ nữ, con gái lên xuống, nằm ở phía đầu hồi dẫn lên khu vực bếp, cầu thang còn lại dành cho đàn ông và theo quan niệm của người Thái, đó là lối đi của linh hồn các bậc tổ tiên.
Riêng khau cút, biểu tượng được đặt ở hai chỏm đầu đốc nhà sàn chứa đựng những nét đẹp, ý nghĩa văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái đen.
Nhiều cụ già người Thái đen cho rằng thủa khai thiên lập địa, tổ tiên của họ được thần rùa (pua tấu) dạy cho cách làm nhà dáng hình con rùa, mái nhà hình vòm “khum mai rùa” (tụp cống), các chân rùa là hệ thống cột nhà. Chính yếu tố này, nhà sàn rất phù hợp với địa thế dựng nhà của bản làng nơi chân núi, cạnh những dòng sông, con suối.
Quan niệm của người Thái đen, việc dựng nhà phải hội tụ được yếu tố “đầu kê núi, chân đạp nước.” Đặc điểm của ngôi nhà sàn giúp người Thái vừa tránh được thú dữ, khi mưa lũ, dòng nước, đất đá trên đồi, núi trôi xuống sẽ chảy qua nhà sàn dưới hệ thống cột nhà, tránh được thiên tai.
Nhắc về biểu tượng khau cút, Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái Tòng Văn Hân cho biết, hiện diện trên mảnh đất Tây Bắc hơn ngàn năm qua, quá trình đi tìm đất, định cư, lập bản của người Thái đen là những cuộc thiên di, chia tách bản mường.
Người Thái đen dựng biểu tượng khau cút bằng gỗ trên đầu nóc nhà sàn không những tạo sự chắc chắn cho mái nhà sàn, còn để con cháu sau này dễ dàng phân biệt, nhận ra bản làng, nhà cửa, dòng tộc của mình giữa các dân tộc khác. Biểu tượng khau cút chứa đựng những góc nhìn nhân sinh quan, thế giới quan rất phong phú, sâu sắc từ xa xưa của người Thái đen.
Với đồng bào Thái đen ở Mường Thanh-Điện Biên, khau cút có hình dạng rau dớn – loại rau nguồn gốc từ rừng, từ xa xưa người Thái đã biết sử dụng để chế biến món ăn.
Mỗi “bông hoa” trên khau cút là hình một ngọn rau dớn (phắc cút) cuộn tròn. Vì sao hình ảnh rau dớn được chọn làm “chất liệu” cho biểu tượng khau cút?
Biểu tượng Khau cút trên nóc nhà của đồng bào dân tộc Thái đen ở bản Bánh, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Vì rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái, nó còn có khả năng sinh sôi, phát triển rất nhanh ở các môi trường, điều kiện sống khác nhau trong tự nhiên. Đồng nghĩa với việc gia chủ khi dựng khau cút trên mái nhà sàn đã gửi gắm vào đó ý nguyện cầu mong kinh tế gia đình phát triển, giàu có và khẳng định sự sinh tồn, thể hiện năng lực đấu tranh của con người trước thiên nhiên, giặc dã để tồn tại, phát triển.
Khau cút có cấu tạo gồm bốn thanh cái (“me cút”), là bốn thanh gỗ dẹt hình chữ nhật đục thủng ở giữa. Cứ chập hai thanh cái vào nhau, dùng con sỏ xỏ qua lỗ trên hai thanh cái là được một cặp.
Hai cặp của khau cút được cố định vị trí cố định trên đòn nóc nhà sàn. Điểm khác nhau để phân biệt giữa các loại khau cút thể hiện ở cách thức trang trí phần đằng ngọn của những thanh cái (“me cút”).
Khau cút có nhiều dạng, phụ thuộc vào số lượng của “ngọn dớn” cách điệu được trang trí trên phần ngọn của thanh cái (“me cút”). Tuy nhiên, khau cút chủ yếu có ba loại: loại một ngọn dớn, ba ngọn dớn và năm ngọn dớn.
Chính số lượng “ngọn dớn” trên khau cút là một dạng thức, một tín hiệu để khẳng định vị thế xã hội của chủ ngôi nhà sàn trong đời sống cộng đồng người Thái đen.
Trước đây, gia đình nào giàu có về kinh tế, mạnh quyền lực, địa vị trong bản mường sẽ sử dụng khau cút có năm ngọn dớn; người kinh tế trung bình, đủ ăn, sử dụng khau cút có ba ngọn dớn; người gia cảnh nghèo khó dùng khau cút một ngọn dớn.
Mang ý nghĩa phân cấp thứ bậc xã hội như vậy nên xa xưa, những gia đình giàu có khi dựng nhà sàn có khau cút loại ba ngọn dớn, năm ngọn dớn đều phải mổ gia súc, mở lễ ăn mừng khao dân bản.
Ngay trong chiếc khăn Piêu – vật dụng chứa đựng vô vàn ý nghĩa nhân văn, nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái cũng có hình tượng biểu trưng của khau cút, nằm ở các góc của khăn Piêu, được thêu bởi bàn tay khéo léo, sự thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ Thái.
Hình ảnh khau cút trên khăn Piêu cũng mang sự cầu mong cho người con gái sử dụng khăn Piêu cũng phát triển như khả năng sinh tồn, phát triển của rau dớn.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái Tòng Văn Hân (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho rằng đối với đồng bào Thái đen ở Mường Thanh, từ sơ khai khau cút có khởi nguồn giống nhau, đều lấy mẫu chung là hình ngọn rau dớn.
Sau này, xuất hiện những loại khau cút có hình dạng khác nhau như hình trăng khuyết, sừng trâu…, là do sự sáng tạo của người Thái. Song những loại khau cút này cũng có ý nghĩa, nét văn hóa rất độc đáo.
Mỏi mắt tìm khau cút giữa trung tâm văn hóa Thái đen
Khau cút chứa đựng trong lòng nó những ý nghĩa, giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và lịch sử lâu đời của người Thái đen nhưng hiện nay, tại lòng chảo Mường Thanh – thủ phủ của người Thái đen ở Điên Biên, biểu tượng này đã bị mai một, dần đi vào quên lãng.
Nhiều ngày ròng rã đi đến các bản làng của người Thái đen trong khu vực lòng chảo Mường Thanh, mỏi mắt tìm kiếm trên những ngôi nhà sàn truyền thống Thái cổ ở các bản văn hóa, như Phiêng Lơi, Him Lam II, Noong Bua, Co Mỵ, bản Ten, U Va, Pe Luông, Mển… chỉ có lác đác một vài ngôi nhà sàn còn sử dụng biểu tượng khau cút. Nhưng không chủ nhà nào nắm rõ ý nghĩa của khau cút, chỉ biết khau cút bảo vệ mái nhà sàn, làm cho mái nhà đẹp hơn.
Tại xã Mường Phăng (xã nằm ngoài vùng lòng chảo), nơi được cho là tiểu vùng văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái đen, trong tổng số hơn 880 hộ gia đình người Thái sinh sống trên địa bàn, hiện chỉ có hai ngôi nhà sàn ở bản Bánh có sử dụng biểu tượng khau cút. Tại bản văn hóa Thái cổ Che Căn, không còn nhà nào sử dụng biểu tượng khau cút.
Bà Lò Thị Úi (bản Bánh, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là chủ nhân của ngôi nhà sàn truyền thống còn sử dụng biểu tượng khau cút cho biết ngôi nhà sàn có biểu tượng khau cút của gia đình làm từ năm 1999.
Trước đây nhà bà ở phía trong bản, khi chuyển nhà ra gần trục đường trung tâm xã, gia đình bà vẫn sử dụng khau cút để trang trí nhà sàn, vì nó đẹp, nó là “hoa hương trên nóc nhà.” Cũng theo bà Lò Thị Úi, trước đây gia đình người Thái đen nào cũng làm khau cút, nhưng nay không thấy nhà nào làm nữa.
Nhiều người dân ở xã Mường Phăng cho hay, theo tín ngưỡng tâm linh của người Thái đen, muốn dựng khau cút trên nhà sàn phải làm lễ, làm lý, phải chọn thời điểm, ngày lành, tháng tốt mới lắp dựng được. Điều đó cũng gây tốn kém thời gian, công sức và vật chất. Mặt khác, khau cút làm bằng gỗ, vị trí lắp đặt ngoài trời, trực tiếp chịu tác động của thời tiết, thiên tai nên mau hỏng (gãy hoặc rơi rụng “ngọn dớn”) nên lâu dần, người ta không còn sử dụng nữa.
Theo lý giải của Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái Tòng Văn Hân (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), quá trình cộng cư giữa các dân tộc nên lối sống, phong tục, tập quán, văn hóa của cộng đồng người Thái cũng có sự tác động, giao thoa, do vậy không chỉ khau cút , nhiều nét văn hoá khác của cộng đồng người Thái đen cũng đang bị mai một.
Trước kia, nhà sàn truyền thống của người Thái đen làm bằng gỗ, mái lợp cỏ gianh, hình dạng mái ngày xưa khum kiểu mai rùa. Ngày nay, nhà sàn người Thái đen làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, mái lợp bằng các loại ngói, tôn; hình dạng mái chuyển sang mái thẳng nên sử dụng khau cút không hợp nữa.
Khau cút là một di sản văn hóa độc đáo của người Thái đen tại Điện Biên. Trước thực trạng khau cút đang ngày càng mai một và biến mất trong đời sống, việc gìn giữ, bảo tồn hình tượng khau cút để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái đen là một việc làm cần thiết./.
Ý kiến ()