Khát vọng “xanh hóa” đảo Cát Bà
Là một trong những “mắt xích” quan trọng của ngành kinh tế du lịch biển phía bắc, đảo Cát Bà đã và đang phát triển theo hướng du lịch sinh thái, kỳ vọng sẽ trở thành hòn đảo du lịch xanh với những dịch vụ lữ hành chất lượng.
Du lịch sinh thái là loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp du lịch, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20-34% mỗi năm. Hiểu đơn giản, đây là loại hình du lịch có trách nhiệm, duy trì hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Bên cạnh những nguồn lợi kinh tế, du lịch sinh thái còn mang lại nhiều lợi ích to lớn khác như: đóng góp vào mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa và phát triển cộng đồng địa phương.
Phần lớn các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đã thiết lập và duy trì hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn đa dạng sinh học để phát huy khả năng khai thác phát triển du lịch sinh thái, mang lại những lợi ích về kinh tế, bảo tồn và giáo dục.
Có thể thấy rằng, đảo Cát Bà ở Hải Phòng sở hữu đầy đủ nền tảng, tiềm năng để trở thành đảo du lịch sinh thái đẳng cấp. Chỉ riêng việc hội tụ các danh lam thắng cảnh, Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn biển... đã góp phần thúc đẩy Cát Bà thành thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng “xanh”. Qua đó, từng bước trở thành điểm đến sinh thái hàng đầu của Việt Nam và khu vực châu Á.
Song vấn đề mà Cát Bà cần giải quyết lúc này là ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói dầu từ các phương tiện phát thải ra môi trường; ô nhiễm rác thải, nước thải. Để phát triển bền vững, đáp ứng sức tải với lượng khách du lịch khổng lồ trong tương lai, địa phương cần tính toán đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch bài bản, quy mô với công nghệ hiện đại.
Việc sở hữu tuyến cáp treo Cát Hải-Phù Long cùng hệ thống xe điện hoạt động ngay khu vực trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi để địa phương nhanh chóng thiết lập hệ sinh thái cơ sở hạ tầng du lịch, kỹ thuật xanh cho đảo ngọc.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Công Thung, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển chia sẻ: "Việc sử dụng cáp treo di chuyển từ Cát Hải sang Cát Bà là phương án hay, khắc phục được nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, hạn chế các phương tiện lên đảo. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm các tuyến như từ đảo Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà để thuận tiện hơn cho khách du lịch".
Hiện nay, địa phương đang nỗ lực tìm các giải pháp để giải quyết câu chuyện ô nhiễm bằng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải tạo nâng cấp, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực hồ Tùng Dinh, khu vực trung tâm… Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư lớn chung tay “xanh hóa" Cát Bà.
Theo đó, phát triển kinh tế du lịch biển, đảo một cách bài bản gắn với kiến tạo và bảo vệ môi trường xanh, sinh thái cùng hệ tiện ích thông minh chính là “chìa khóa” để các hòn đảo phát triển bền vững.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các hòn đảo theo hướng du lịch xanh và gặt hái kết quả tích cực. Có thể kể đến đảo Lamma ở Hồng Kông (Trung Quốc) - nơi được mệnh danh là hòn đảo không khói xe, đáng để khám phá bậc nhất thế giới. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Princes cũng nói "không" với xe chạy bằng xăng. Hay đảo Tau thuộc quần đảo Samoa của Mỹ đã dần chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời. Hàng loạt đảo du lịch khác như: Honolulu ở Hawaii, quốc đảo Dominica trong vùng biển Caribbean… cũng nỗ lực “xanh hóa” và đạt được thành công ngoài mong đợi, thu hút lượng lớn khách du lịch trên toàn cầu. |
Ý kiến ()