Khát vọng vươn tầm quốc tế
Ý tưởng phát triển trung tâm tài chính quốc tế manh nha từ 20 năm trước, khi thành phố Hồ Chí Minh định hướng ưu tiên phát triển lĩnh vực tài chính trong quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, lập đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ðiều này thể hiện khát vọng của thành phố và ý chí quyết tâm của Trung ương nhằm hiện thực hóa các chủ trương, Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng với nhiệm vụ thúc đẩy hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tầm cỡ trong tương lai.
Thành phố Hồ Chí Minh đang giữ vai trò trung tâm kinh tế-tài chính của Việt Nam từ nhiều năm qua với đóng góp khoảng 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán-sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối…
Năng suất lao động của thành phố đạt khoảng 293 triệu đồng/lao động mỗi năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo, làm việc trong các lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực liên quan hỗ trợ dịch vụ tài chính như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm tài chính quốc gia mà còn có vị trí tương đối trong thị trường tài chính của khu vực Ðông Nam Á. Nếu xét về tiền tệ, thành phố đóng góp giao dịch ngắn hạn khoảng 28% nhưng chiếm 95% thị trường vốn của Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây; là trung tâm của khu vực Ðông Nam Á và múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Ðiều này cho phép thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào chương trình khép kín các giao dịch tài chính toàn cầu suốt 24/24 giờ. Ðây là lợi thế riêng thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng điểm số đánh giá là 561 so với các trung tâm tài chính quốc tế theo chỉ số các trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI).
Ðến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố trên cơ sở nội dung tư vấn của các đơn vị trong nước, nước ngoài, các chuyên gia và các tổ công tác. Trong đó, mô hình Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh có ba cấu phần, gồm: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.
Theo dự thảo đề án, lộ trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh gồm ba giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình hành động củng cố vị thế Trung tâm Tài chính quốc gia của thành phố; nâng hạng Trung tâm Tài chính thành phố thành một trung tâm tài chính quốc tế trong xếp hạng chỉ số GFCI trước năm 2025; bước đầu, hình thành khu Trung tâm Tài chính thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm.
Từ năm 2026 đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu có vị thế vững chắc là trung tâm tài chính quốc tế thứ hạng cao trong số các trung tâm tài chính ở khu vực châu Á. Khu Trung tâm Tài chính thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm trở thành cụm ngành tài chính về Fintech (công nghệ tài chính) gắn với hệ thống ngân hàng, dịch vụ quản lý đầu tư tài sản gắn với thị trường vốn và thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, tất cả đều có trong giao dịch tài chính xuyên biên giới mang tính khu vực và toàn cầu.
Giai đoạn dài hạn từ năm 2031 trở đi, thành phố Hồ Chí Minh phát triển thành một trung tâm tài chính toàn cầu với mục tiêu có thứ hạng cao trong số các trung tâm tài chính toàn cầu; tiếp tục lộ trình hội nhập tài chính trên cơ sở tự do hóa đồng Việt Nam và tự do hóa tài khoản vốn; tiếp tục phát triển khu tài chính quận 1-Thủ Thiêm trở thành chuẩn tài chính về ngân hàng và Fintech với thị trường vốn, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới và mang tính toàn cầu.
Theo đề án phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính được định hướng gắn với quá trình phát triển đô thị của thành phố, có sự kết nối hoạt động tài chính ở khu đô thị hiện hữu (quận 1 và quận 3) với khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Ðức). Tuy nhiên, việc phát triển trung tâm tài chính không chỉ giới hạn ở không gian địa lý mà cần tiếp cận theo định hướng không gian mềm.
Trong đó, cốt lõi là thị trường tiền tệ-ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh, các định chế tài chính và các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ trực tiếp và gián tiếp. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, việc lựa chọn, xác định địa điểm xây dựng và hình thành trung tâm tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh là điều kiện cần thiết, để từ đó xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù có tính đột phá để có thể cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Ðể hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế, thành phố Hồ Chí Minh còn không ít thách thức trong hình thành và vận hành hiệu quả trung tâm tài chính quốc tế. Ðó là xây dựng mô hình, định hướng phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, xây dựng hạ tầng, nền tảng công nghệ và nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính lớn đầu tư trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, xây dựng đầu mối kết nối trong nước.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), “hiện, có nhiều “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực tài chính quốc tế sẵn sàng đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, để thu hút được nhà đầu tư chiến lược có uy tín, cần cơ chế chính sách ưu đãi đột phá, mang tính cạnh tranh quốc tế, vượt trội so với khung pháp lý hiện hành. Chính phủ cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Trung tâm Tài chính quốc tế để thúc đẩy tiến độ hoàn thiện thủ tục và triển khai các dự án. Ðây là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Trong bối cảnh không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực Ðông Nam Á đều muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế, chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, khẩn trương vào cuộc để thúc đẩy tiến độ triển khai đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: Mục tiêu phát triển thành phố thành trung tâm tài chính khu vực và tiến tới trung tâm tài chính quốc tế là một quá trình tương đối dài. Mặc dù, trung tâm tài chính quốc tế nằm ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại tùy thuộc rất lớn các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia như vấn đề tự do hóa tài khoản vốn, chuyển đổi đồng tiền… cùng nhiều vấn đề khác cần có lộ trình gắn liền, chứ một mình thành phố không thể tự làm được. Vấn đề phát triển trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề quốc gia chứ không còn là câu chuyện riêng của thành phố Hồ Chí Minh.
“Ðể đạt mục tiêu hình thành trung tâm tài chính quốc tế, tôi nghĩ thành phố Hồ Chí Minh cần phải làm ba việc: Ðó là, tiếp tục tạo điều kiện và môi trường hình thành trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trong hội nhập; phát triển hạ tầng tốt để thu hút nhà đầu tư quốc tế; phải xây dựng và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới”-Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Ý kiến ()