Khát vọng Tân Minh
LSO- Vượt qua hơn 30 km đường đất lầy lội từ trung tâm huyện Tràng Định, ấn tượng đầu tiên về mảnh đất Tân Minh là những cánh rừng xanh hút tầm mắt. Từ rừng đã hình thành những mô hình kinh tế bước đầu có hiệu quả. Hướng đi đúng đã khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong mỗi người dân.
Ông Hứa Văn Phú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: điều kiện kinh tế – xã hội của Tân Minh còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà bà con trông chờ ỷ lại vào nhà nước, muốn vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất khó này phải dựa vào lợi thế về đất đai đồi rừng.
Trong khi nhiều xã trong huyện đẩy mạnh chuyển đổi rừng tạp để trồng rừng nguyên liệu thì ở đây người dân lại được tuyên truyền tập trung chăm sóc và bảo vệ rừng tái sinh. Đối với những vạt đồi thấp thảm thực vật không còn đa dạng thì bà con chuyển trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế như: thạch đen, cây dược liệu đi mi (cây mật gấu). Toàn xã có diện tích tự nhiên gần 6.000 ha thì diện tích rừng chiếm 90%, trong đó rừng tái sinh khá lớn tới hơn 4.500 ha, trong giai đoạn 2010-2015 toàn xã trồng rừng mới hơn 200 ha, chủ yếu là cây hồi, quế, bạch đàn, tỷ lệ che phủ rừng của Tân Minh rất cao, năm 2010 đạt hơn 60% đến năm 2015 tăng lên 70%.
Bà Đinh Thị Oanh đi kiểm tra công trình bể nước sinh hoạt tại thôn Bản Slẳng
Mấy năm gần đây, cây dược liệu đi mi được bà con gieo trồng ngày càng lớn, năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 toàn xã trồng được gần 15 ha, năng suất đạt 1 tấn/1ha. Với giá bán tại xã bình quân là 30 nghìn đồng/kg, cây đi mi cho doanh thu 30 triệu đồng/ha. Hiện đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao đang được người dân đẩy mạnh trồng đại trà. Ưu điểm của loại cây này là thời gian trồng chăm sóc ngắn (4 tháng cho thu hoạch), sau thu hoạch có thể tận dụng đất đai thâm canh trồng các loại cây ngắn ngày khác. Mục tiêu của Tân Minh giai đoạn 2016-2020 phấn đấu mỗi năm trồng từ 50 đến 60 ha cây đi mi.
Bà Đinh Thị Oanh, Chủ tịch UBND xã Tân Minh chia sẻ: cách nghĩ, cách làm kinh tế đổi mới, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi đại gia súc khá hiệu quả. Để có vốn đầu tư, bà con tích cực vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Những năm 2008-2009, số người vay đếm trên đầu ngón tay, dư nợ chỉ đạt vài trăm triệu đồng một năm thì đến nay, tổng dư nợ cho vay thuộc các chương trình toàn xã đã đạt gần 2,5 tỷ đồng với 130 lượt hộ vay…
Gia đình ông Trần Đức Nho là một trong những điển hình làm kinh tế hiệu quả của xã Tân Minh, ngoài trồng rừng, nuôi cá, ông còn đẩy mạnh chăn nuôi trâu thịt. Ông Nho cho biết: lúc nào trong chuồng cũng phải có từ 8 đến 10 con trâu, mỗi năm xuất chuồng 2 đến 3 con thu nhập được 60 đến 70 triệu đồng.
Từ đổi mới cách làm kinh tế, đời sống của người dân Tân Minh giờ ngày càng khởi sắc, bình quân lương thực đầu người đạt gần 800 kg vào năm 2014. Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2010 toàn xã đạt 5,5 triệu đồng thì đến năm 2014 đã đạt 9,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện nay giảm đáng kể còn 13,8%.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng Tân Minh vẫn là xã còn nhiều khó khăn, bởi các mô hình làm kinh tế nhỏ lẻ manh mún, kết cấu hạ tầng còn chậm phát triển. Bà Đinh Thị Oanh cho biết: thời gian tới, xã tập trung vào thế mạnh đồi rừng và hoàn thiện quy hoạch đất đai. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, từ đó khơi dậy nội lực vươn lên thoát nghèo trong mỗi người dân.
Bài, ảnh: CÔNG QUÂN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()