"Dám nghĩ, dám làm" - Đó là nhận xét của nhiều người dành cho chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng). Với khát vọng đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ bản địa, chị Thương đã và đang từng bước vượt qua chính mình, trở thành nguồn cảm hứng, động lực cho nhiều phụ nữ trẻ trong quá trình khởi nghiệp.
Ngày 19/8 vừa qua, trong chương trình truyền hình thực tế "Thương vụ bạc tỷ" được phát sóng trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, các nhà đầu tư trong chương trình đã dành nhiều lời khen và đồng ý hỗ trợ, đầu tư cho sản phẩm khởi nghiệp "Hồng vành khuyên treo gió" của người phụ nữ trẻ dân tộc Nùng - Vương Thị Thương.
Đây chỉ là một trong số những chương trình, cuộc thi mà chị Thương đã vượt qua và để lại ấn tượng cho những người làm chương trình cũng như đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng, toàn quốc nói chung.
Trong đó, tiêu biểu chị đã đạt giải nhất cuộc thi "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo" do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức năm 2022; năm 2023 chị 2 lần tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài năng bản địa" ở cấp vùng, cấp quốc gia và đều đoạt giải nhất; tháng 6/2024, chị tiếp tục tham gia chương trình truyền hình Hành trình OCOP số đầu tiên phát sóng trên kênh VTC14 và đoạt giải nhất. Trong những chương trình trên, sản phẩm khởi nghiệp được chị giới thiệu đều là "Hồng vành khuyên treo gió".
Là người dân tộc Nùng sinh ra và lớn lên ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng trong gia đình có đông chị em gái. Cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn, vất vả, chị Vương Thị Thương (sinh năm 1989) từ bé đã có ý thức học tập và nuôi khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Sau này lớn lên, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn năm 2012, chị làm giáo viên ở Trường THCS xã Hoàng Việt (huyện Văn Lãng).
Xã Hoàng Việt, cũng chính là một trong hai vùng trồng hồng vành khuyên lớn nhất của huyện, chị thấm thía nỗi khổ của học sinh cũng như gia đình trong những năm hồng được mùa, mất giá.
Nhiều học sinh muốn nghỉ học vì cha mẹ không bán được hồng, không có tiền đóng học phí. Không có người thu mua, những quả hồng rụng đầy gốc vì không được thu hoạch. Chứng kiến tất cả những điều đó, chị Thương không khỏi xót xa.
Trăn trở với suy nghĩ làm sao để giúp học sinh có thể đi học, chị đã quyết định giúp gia đình các học sinh bán hồng. Chị tích cực đăng bán trên mạng xã hội, kết nối với người thân quen mua ủng hộ hồng của địa phương.
Dần dần, địa chỉ nhà chị từ lúc nào đã trở thành "đầu mối" thu mua hồng vành khuyên được người dân tin tưởng. Công việc nhiều lên, cũng là thời điểm chị sinh con đầu lòng. Năm 2014, chị Thương quyết định thôi dạy học để tập trung chăm sóc con và nuôi ước vọng khởi nghiệp từ nông sản của địa phương.
Mặc dù đã có thể phần nào giúp người dân tiêu thụ hồng, song số lượng hồng vành khuyên hằng năm còn rất lớn, mà giá cả lại không ổn định.
Chị lại tiếp tục tìm hiểu trên mạng Internet và tìm cách nâng giá trị nông sản.
Năm 2017, chị thử nghiệm làm mẻ hồng treo gió đầu tiên trên tầng thượng căn nhà của gia đình. Mẻ đầu tiên chị mạnh dạn mời hàng xóm thưởng thức. Được mọi người khen ngon, chị có động lực để ấp ủ quyết tâm "liều mình" với hồng treo gió.
Tháng 10/2021, chị Thương may mắn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lạng Sơn tạo điều kiện tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi trở về nhà, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và mua sắm thêm các máy móc, thiết bị như: máy gọt vỏ, máy hút chân không… với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.
Kể về con đường khởi nghiệp của mình, chị Thương xúc động: Những ngày đầu thử nghiệm với hồng treo gió, tôi đã rơi nhiều mồ hôi, nước mắt vì “mất trắng” hàng tấn hồng bị mốc, hỏng, rụng cuống do chưa tìm ra công thức phù hợp với nguồn nguyên liệu quả, nhiệt độ, khí hậu của địa phương. Vừa làm, tôi vừa đúc rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp.
Tôi không cho phép mình dừng lại bởi để tôi khởi nghiệp, tất cả tài sản đã được hai bên gia đình tin tưởng thế chấp cho tôi có vốn đầu tư. Cũng chính vì thế mà tôi không tránh khỏi những áp lực và lo lắng. Nhưng vượt qua tất cả là sự quyết tâm, khát khao cháy bỏng của tôi - đó là góp phần đem đến niềm vui cho người dân trên địa bàn khi không còn lo đầu ra cho hồng vành khuyên.
Trải qua nhiều khó khăn, được sự hỗ trợ của địa phương và nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh, đến năm 2022, sản phẩm hồng vành khuyên treo gió đã đảm bảo đạt chất lượng để cung cấp ra thị trường.
Nhằm mở rộng quy mô, từng bước chuyên nghiệp quy trình sản xuất, tháng 4/2023, Hợp tác xã Nông sản Toàn Thương do chính chị làm giám đốc đã ra đời.
Ngay sau khi nhận quyết định thành lập, Hợp tác xã Nông sản Toàn Thương đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 3 hợp tác xã (với 100 hộ tham gia) trồng hồng vành khuyên trên địa bàn với thỏa thuận mức giá mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Kể từ đó đến nay, chị tiếp tục được các đơn vị liên quan tạo điều kiện hỗ trợ, vay vốn để đầu tư thêm máy móc, thiết bị và xây dựng thêm 1 nhà kính để sản xuất hồng treo gió.
Theo chia sẻ của chị Thương, trung bình 1 tấn hồng tươi sẽ thu được khoảng 200 kg hồng treo gió thành phẩm với giá bán khoảng 400.000 đồng/kg. Nếu như năm 2022, sản lượng hồng vành khuyên treo gió cung cấp ra thị trường mới chỉ đạt khoảng 2 tấn, thì năm 2023 đã tăng lên 10 tấn.
Dự kiến năm nay, sản lượng hồng vành khuyên treo gió hợp tác xã cung cấp ra thị trường đạt 40 tấn. Kể năm 2022 đến nay, doanh thu đạt được từ sản phẩm hồng vành khuyên treo gió của chị Thương là khoảng 6 tỷ đồng. Sản phẩm đã góp phần nâng giá trị cao gấp 20 lần so với hồng vành khuyên tươi.
Hiện nay, hồng vành khuyên treo gió của Hợp tác xã nông sản Toàn Thương cũng là sản phẩm độc quyền tại miền bắc. Với việc mở rộng quy mô sản xuất, chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 phụ nữ trên địa bàn với mức thu nhập từ 6 đến 9 triệu/tháng.
Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Văn Lãng cho biết: Toàn huyện hiện có gần 1.400 ha trồng hồng vành khuyên với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 8.000 tấn.
Mô hình sản xuất hồng vành khuyên treo gió của chị Thương rất thiết thực và phù hợp, giúp tiêu thụ hiệu quả nông sản đặc trưng của huyện. Trong suốt quá trình khởi nghiệp của chị Thương, cơ quan chuyên môn luôn đồng hành, hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất để chị mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao kiến thức về nông nghiệp cũng như tiếp cận với công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, tạo cơ hội việc làm cho người dân, cũng như đảm bảo đầu ra cho nông sản, đặc biệt là hồng vành khuyên, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
Không dừng lại ở sản phẩm hồng vành khuyên treo gió, để phát huy tối đa nguồn nguyên liệu tận dụng cơ sở vật chất, chị Thương hiện đã và đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và bước đầu chế biến thành công các sản phẩm từ hồng vành khuyên như trà hồng, giấm hồng, rượu hồng; các sản phẩm từ nông sản địa phương như khoai lang sấy dẻo, mác mật sấy dẻo, sim sấy, mận sấy... Một số sản phẩm mới của chị sau khi sản xuất thử nghiệm và thăm dò ý kiến thị trường đều nhận được phản hồi tốt.
Với ý chí quyết tâm, nỗ lực, dám nghĩ dám làm không ngừng nghỉ, con đường khởi nghiệp của chị Vương Thị Thương đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ hiện đại trong và ngoài địa bàn vươn lên, mạnh dạn phát triển kinh tế từ sản phẩm địa phương.
Chị Lăng Thị Thơ, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng cho biết: Những năm qua, chị Vương Thị Thương luôn là tấm gương, là người truyền động lực, niềm tin để tôi quyết tâm khởi nghiệp năm 2023 với sản phẩm "heo dẻo mác mật". Kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay, chị Thương luôn đồng hành, hướng dẫn, gợi ý các giải pháp hay cho tôi trong quá trình triển khai thực hiện sản phẩm, chị cũng luôn lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của tôi. Nhiều lần nản chí, nhưng nhờ sự động viên của chị và những bước tiến mà chị đạt được trong khởi nghiệp đã trở thành động lực để tôi có niềm tin và quyết tâm thực hiện thành công sản phẩm của mình. Từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi tháng tôi sản xuất được khoảng 60kg heo dẻo sấy khô. Hiện nay, tôi đang hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Với những thành quả nổi bật trong thời gian qua, chị Vương Thị Thương với mô hình khởi nghiệp của mình đã thực sự trở thành hình mẫu tiêu biểu của những người phụ nữ dân tộc thiểu số, là niềm tự hào của người dân Văn Lãng.
Nhưng đó cũng mới chỉ là khởi đầu, khát vọng lớn nhất của chị Thương đó là nâng tầm sản phẩm hồng vành khuyên, sớm đưa hồng vành khuyên vươn ra thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển trong thời gian tới.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của người phụ nữ dân tộc Nùng Vương Thị Thương, khát vọng ấy đang dần trở thành hiện thực trong tương lai rất gần.
Ý kiến ()