Khát vọng Ái Quốc (Kỳ II)
LSO - Từ trung tâm phồn hoa, những giáo viên tuổi đôi mươi vượt núi, băng rừng đến với vùng cao Ái Quốc. Thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng tư, đem tuổi xuân sức trẻ, họ ươm hoài bão cho lũ trẻ trên đại ngàn. Lớp học tạm của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Ái Quốc
Kỳ II: Ươm mầm hoài bão
Đường đến thôn Khuổi Thướn chẳng khác đường lên khu du lịch Mẫu Sơn là mấy. Cũng mây mù bao phủ, cũng ngút ngàn rừng thông và cũng eo cua uốn lượn lên đỉnh cao hơn nghìn mét. Chỉ mỗi điểm khác là con đường này chẳng phải trải nhựa êm ru như đến khu du lịch, điểm khác biệt ấy làm chúng tôi phải đánh vật hơn 2 tiếng đồng hồ từ trung tâm xã tới Khuổi Thướn. Điểm trường chính của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Ái Quốc nằm tĩnh lặng, phủ kín trong sương. Đã hết giờ học chính, cả trường chỉ còn thầy Nông Văn Liên đang miệt mài phụ đạo thêm cho dăm đứa lớp 4, còn lại các thầy cô đã lên rừng bẻ măng. Thầy Liên bảo: măng và rau rừng là thức ăn tươi chủ yếu của giáo viên nơi đây, nếu trời không mưa thì mỗi tuần các giáo viên ra ngoài chợ Na Dương mua các nhu yếu phẩm một lần, còn trời mưa tất cả tự kiếm trên rừng để cải thiện. Nhẩm tính thì thầy Liên đã có thâm niên 7 năm ở trường này, chỉ sau thâm niên của thầy hiệu phó là người địa phương.
Sơ qua vài nét, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Ái Quốc bao gồm cả cấp học mầm non và tiểu học có 199 học sinh và 29 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học tập giảng dạy ở 5 điểm trường. Trong đó chỉ điểm trường chính là có các phòng học, dãy nhà nội trú cho học sinh và dãy nhà công vụ gồm 3 phòng được kiên cố hóa. Còn lại 4 phân trường đều là nhà tạm, phân trường xa nhất không thể đến nơi bằng xe máy mà phải đi bộ, từ điểm trường chính đến nơi mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Đang điểm lại một số thông tin trong góc nhà công vụ tối mò mò thì chiếc bóng điện tiết kiệm trong phòng chợt sáng. Chưa kịp định thần, tôi đã thấy cô giáo Triệu Thị Dương cười tươi rói, đầu ướt đẫm sương chiều. Thì ra các thầy cô mới đi rừng về, thấy có khách cô giáo Dương đã nhanh nhẹn giật máy nổ phát điện. Cô bảo: chúng em ở đây không có điện lưới, chủ yếu dùng điện năng lượng mặt trời, nhưng mấy hôm nay trời âm u, tấm pin năng lượng lại trục trặc nên phải nổ máy phát điện để tiếp khách, chứ bình thường chẳng dám dùng, vùng xa dầu quý như vàng mà anh. 28 tuổi, Triệu Thị Dương ở Đồng Đăng, thị trấn vùng biên sầm uất của Cao Lộc, cô đã có 2 năm thâm niên giảng dạy ở nơi này. Dương kể: hồi mới nhận công tác, em một mình đi xe máy vào, mới qua mấy con dốc đã trượt ngã, thế rồi vừa đi, vừa khóc đến tận trường. Rồi mãi cũng quen, cả trường chỉ có thầy hiệu phó là người địa phương, còn lại toàn ở nơi khác đến. Gần thì ở Na Dương, còn xa thì tận Tràng Định, Bình Gia, Chi Lăng…Hầu hết họ ở độ tuổi dưới 30 và cũng nhiều trong số đó chưa lập gia đình. Họ bảo: lập gia đình rồi khó đi được lắm anh ơi, liệu “người ta” có thông cảm cho mình không, làm việc ở vùng này, cứ đi biền biệt, trời mưa có khi cả tháng chẳng về được. Ở điểm trường chính còn đỡ, chứ trong phân trường còn khó khăn gấp bội;Thầy giáo Nông Văn Tiệp thoăn thoắt chuẩn bị xong bữa tối, rồi ngoắc tôi: anh cùng em sang khu nội trú của các em học sinh. Dãy nhà này hoàn thành vào tháng 5/2011, gồm 2 phòng, là công trình hỗ trợ của đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đội. Đăng ký ở nội trú lại có đến 36 em, 2 phòng chẳng đủ, thế là linh động thêm 2 lớp học, ngày học, tối kê giường để các em có chỗ nghỉ. Thế còn rộng rãi chán, so với phòng ở công vụ của thầy cô thì cứ 6 người ở chung một phòng. Dương Kim Quang, học lớp 5, người bé như cái kẹo, thoăn thoắt tay dọn giường cho phẳng phiu rồi quay qua tôi lễ phép: nhà con ở thôn Đông Lọi, đi bộ đến trường mất gần nửa ngày, mỗi tuần con về một lần, bố mẹ chuẩn cho 2 cân gạo để mang đi. Ngoài gạo mang đi, các em ở nội trú được hỗ trợ 50.000 đồng/tháng từ nguồn “hũ gạo phổ cập” do phòng giáo dục huyện phát động, tính ra tiền thức ăn chẳng nổi 2.000 đồng/ngày. Thế nên mỗi lần chuẩn bị xong bữa ăn, các thầy cô lại mang sang chia sẻ thức ăn cho học sinh của mình. Thầy Tiệp bảo tôi: anh thấy đấy, gia đình học sinh ở đây nghèo lắm, nhưng chúng lại ham học, đường khó khăn thế nào cũng quyết tâm đi, đó cũng là động lực cho các thầy, cô, khó đến mấy cũng vượt qua cho các em thành người.
Hôm nay có khách, các thầy cô chuẩn bị bữa cơm tươm tất lắm. Có cả thịt gà mới mua ở trong dân, cả rau xanh và măng rừng mới hái. Đêm Khuổi Thướn sương giăng mịt mùng, lạnh buốt. Chiếc máy phát điện tiếp khách đã hết dầu nằm im lìm, bên ngọn nến, những mái đầu xanh lại nghiêng nghiêng bên giáo án, họ đang chuẩn bị hành trang tốt nhất cho lũ trẻ vùng cao. Toàn xã Ái Quốc có 2 trường tiểu học với 9 điểm trường và 1 trường trung học cơ sở, có tổng số 44 cán bộ, giáo viên phụ trách 26 lớp với khoảng 250 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở. Điều day dứt nhất của người viết bài này là chưa thể đi hết các điểm trường, chưa phản ánh được hết những hy sinh của các chiến sĩ trên mặt trận giáo dục nơi đây. Những chiến sĩ ấy, xin được gọi họ là người ươm mầm cho hoài bão vùng cao.
Ý kiến ()