Khát vọng Ái Quốc (Kỳ I)
LSO - Đến với đồng bào dân tộc Dao xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình), chúng tôi đã gặp những con người trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cống hiến. Vượt lên hủ tục, không quản gian truân, họ truyền lửa khát vọng vươn lên cho cả cộng đồng. Học tập và làm theo lời Bác, theo lý tưởng của Đảng, sức trẻ đang tạo nên những chuyển biến ở nơi tận cùng của khó khăn.
Kỳ I: Băng ngàn tầm chữ
Nhắc đến Triệu Tiến Thanh, thầy giáo Hoàng Phúc Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học I xã Ái Quốc vẫn ấn tượng với cậu học trò thông minh, nổi bật nhất trong số những học trò người Dao của mình. Ông bảo: Ấy là cậu bé hoạt bát, đôi mắt lúc nào cũng ánh lên rạng rỡ, tự tin. Người Dao xã Ái Quốc khi ấy vẫn có tập tục dựng vợ, gả chồng cho con cái từ khi chúng còn rất nhỏ. Triệu Tiến Thanh cũng chẳng thể nào tránh được cái hủ tục ấy của đồng bào mình. Học hết tiểu học, việc học của Thanh đành gác lại, năm 1997 Thanh lấy vợ, khi đó tròn 14 tuổi. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng Thanh đã phải bộn bề với gánh nặng gia đình. Rồi cặp vợ chồng trẻ con ấy được bố mẹ dựng nhà cho ra ở riêng, chia ruộng đất, tự làm để kiếm kế sinh nhai. Giống như bao thanh niên ở cái thôn Nóc Mò, ở cả cái xã Ái Quốc này, việc học của Thanh tưởng chừng như phải gác lại. Rồi cuộc sống giống như một chu trình lặp lại, lại sinh con, đẻ cái, lại dựng vợ, gả chồng cho chúng từ thuở mới qua 10 và rồi vẫn quẩn quanh với nghèo đói…
Chu trình cuộc sống ấy vốn đã ăn sâu, bám rễ với bà con nơi đây, nhưng Triệu Tiến Thanh lại khác, cái khát vọng có kiến thức, khát vọng đưa đồng bào mình vượt qua nghèo đói vẫn cứ đeo đẳng trong tâm trí anh. Thế rồi, lấy vợ được 2 năm, Thanh quảy quả, khăn gói học bổ túc trung học cơ sở ở tận Sa Lý (Bắc Giang). Giờ có đường đi còn khó, lúc ấy để vượt qua chặng đường ngót 20km từ nơi ở đến nơi học, Thanh phải khom lưng, guồng chân vượt dốc cả nửa ngày trời. Phụ nữ người Dao vốn nổi tiếng chịu thương, chịu khó, chung thủy và hết lòng vì chồng. Như vợ của Triệu Tiến Thanh chẳng hạn, chạc tuổi chồng, vẫn trong cái độ tuổi trẻ con, ấy thế mà suốt bao năm ròng rã, không nề hà việc gì, một mình làm ruộng, chăn lợn, nuôi gà…Cứ cuối tuần Thanh đi học về vợ lại chuẩn bị cho chiếc tay nải, trong đó có đủ lương thực, thực phẩm, chẳng nhiều, nhưng cũng đủ tiếp sức cho anh tiếp tục băng ngàn, tầm chữ.
Năm 2003, Triệu Tiến Thanh đã tốt nghiệp cấp II. Ở nơi sơn cùng, thủy tận này ấy là cả một chặng đường dài đầy gian truân, vất vả. Lúc này địa phương đang thiếu nguồn cán bộ, năm 2004, Thanh được nhận vào làm cán bộ văn hóa, thông tin của UBND xã Ái Quốc. Với những thực tế đã trải qua cùng những kiến thức học được, thực hiện nhiệm vụ được giao, anh vận động đồng bào từ bỏ hủ tục tảo hôn và tích cực tuyên truyền phổ biến các văn bản chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước đến từng thôn, bản. Được sự đồng ý của tổ chức, Thanh lại quyết tâm đi học. Lần này học bổ túc cấp III ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình. Tiếng là học ở huyện nhà, nhưng tính ra quãng đường, lại xa hơn gấp đôi so với thời đi học ở Sa Lý. Người vợ tần tảo mấy năm trời, nay đã sắm được cho chồng chiếc xe máy, dù chỉ là loại xe rẻ tiền, nhưng cũng vợi bớt bao nhọc nhằn. Hơn 3 năm sau, Triệu Tiến Thanh đã tốt nghiệp cấp III. Quá trình học tập, rèn luyện đã biến cậu bé Thanh năm xưa thành một thanh niên chững chạc, có trình độ, học thức và có uy tín trong cộng đồng. Thanh được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ rồi chủ tịch Hội nông dân của xã. Với sự năng động của tuổi trẻ, Thanh đảm nhiệm xuất sắc ở các vị trí công tác được phân công. Năm 28 tuổi, Triệu Tiến Thanh được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và sau đó 1 năm vừa là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thanh kiêm Chủ tịch UBND xã Ái Quốc. Đồng thời cũng là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Nông nghiệp, khoa chăn nuôi thú y.
Lãnh đạo một xã thuộc vào hàng khó khăn bậc nhất của huyện Lộc Bình với 19 thôn, bản, trong đó tỷ lệ nghèo, đói chiếm tới hơn 80%, đôi chân của Triệu Tiến Thanh vẫn mải miết băng ngàn đến từng thôn bản, anh cùng đội ngũ cán bộ của mình góp phần tích cực trong vận động nhân dân, giải phóng mặt bằng những công trình lớn như Trường bắn quốc gia TB1; đường trục chính xã Ái Quốc; đưa phong trào chăn nuôi hàng hóa, trồng rừng, trồng cây ăn quả từng bước phát triển trong toàn xã… Trầm ngâm ngẫm lại những chặng đường mình đã trải qua, rồi mắt Thanh lại ánh lên rạng ngời khi kể với tôi về kế hoạch xây dựng nông thôn mới của Ái Quốc. Dẫu rằng vẫn chồng chất khó khăn, nhưng con đường phát triển của Ái Quốc đã trở nên bằng phẳng hơn bởi đồng bào nơi đây đã và đang có những con người tràn đầy khát vọng vươn lên như Triệu Tiến Thanh.
Ý kiến ()