Khảo sát tuyến điểm Du lịch liên vùng Thái – Cao – Bắc – Lạng
Triển khai Chương trình hành động quốc gia về Du lịch, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch liên vùng Thái Nguyên – Bắc Cạn – Cao Bằng – Lạng Sơn từ ngày 6/9 đến ngày 12/9/2010. Đoàn khảo sát gồm các thành viên là đại diện của TCDL, các đơn vị trực thuộc TCDL, các công ty lữ hành quốc tế, cơ quan thông tấn báo chí do Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn làm trưởng đoàn.
Mục đích của chuyến khảo sát nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng tuyến, điểm du lịch của 4 tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Từ đó, đề xuất định hướng phát triển sản phẩm du lịch và khả năng liên kết các tuyến, điểm du lịch của các tỉnh Đông Bắc, tăng cường thu hút khách du lịch đến khu vực này trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế xây dựng các tour du lịch mới để chào bán, thu hút khách, đồng thời giúp cho báo chí, truyền hình tiếp cận thực tế để đưa tin, tuyên truyền quảng bá về tiềm năng du lịch của các tỉnh Đông Bắc.
Sau chuyến đi, Đoàn khảo sát đã có cuộc họp với đại diện của 4 tỉnh Đông Bắc để đánh giá thực trạng tiềm năng du lịch và đưa ra các ý kiến, giải pháp để các địa phương này qui hoạch, xây dựng chiến lược phát triển du lịch phù hợp hơn trong thời gian tới. Đa số các ý kiến đều có chung nhận định là: Với phong cảnh núi rừng hùng vĩ được thiên nhiên ưu đãi, bên cạnh bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số vùng cao, 4 tỉnh trên đều có tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương. Thái Nguyên, Bắc Cạn có thế mạnh về du lịch về nguồn với các di tích cách mạng nổi tiếng cùng với phong cảnh của miền sơn cước có thể tổ chức các tour tham quan kết hợp nghỉ dưỡng. Riêng tỉnh Cao Bằng, với địa hình cao mà bằng phẳng có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch thu hút khách như đi xe đạp, đi mô tô, leo núi, cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa, đi bộ, đi bè tre, thuyền cao su trên suối. Tuyến đường từ thác Bản Giốc đi dọc sông Quây Sơn về Hạ Lang có cảnh quan đẹp tráng lệ, có thể hình thành một tuyến du lịch kì thú. Với tỉnh Lạng Sơn, khu du lịch núi Mẫu Sơn quanh năm mát mẻ, sương mù bao phủ ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao với nhiều sản vật độc đáo và đặc sắc như ếch hương, chanh rừng, đào rừng, mật ong rừng,… có thể biến nơi đây thành khu du lịch nghỉ dưỡng núi và khám phá văn hóa dân tộc Dao lý tưởng ở khu vực Đông Bắc…
Tuy nhiên, với những thế mạnh được thiên nhiên ban tặng thì các địa phương trên còn có nhiều hạn chế để phát triển du lịch như: Công tác xúc tiến quảng bá về tuyến điểm du lịch của các tỉnh này còn yếu, tính liên kết vùng trong phát triển du lịch cũng chưa được đẩy mạnh; Sự đầu tư phát triển du lịch tại địa phương còn chưa được triển khai hợp lý; Cơ sở hạ tầng tới một số điểm du lịch còn thấp; Cơ sở lưu trú cũng xuống cấp nghiêm trọng, ngay tại một số khách sạn đã được cấp sao nhưng chất lượng dịch vụ và chất lượng buồng phòng đã xuống cấp, không tương xứng với hạng sao. Thủ tục tới các điểm du lịch khu vực biên giới còn rườm rà.
Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn hoàn toàn có thể biến khu vực Đông Bắc thành một vùng du lịch độc đáo và hấp dẫn trong thời gian tới. Vì vậy, chính quyền địa phương các tỉnh cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá tiềm năng và thế mạnh du lịch của địa phương, tăng cường liên kết vùng trong việc xây dựng sản phẩm, hình thành các tuyến du lịch liên vùng và đẩy mạnh quảng bá du lịch có tính liên vùng; Coi trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng; Nâng cao chất lượng dịch vụ, xóa bỏ các thủ tục gây cản trở, khó khăn cho khách du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Bảo vệ cảnh quan, tài nguyên và môi trường tại các điểm du lịch, không xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp, công trình thủy điện tại các vùng có tiềm năng du lịch. Có như vậy, Du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc này mới có cơ hội thực sự cất cánh và trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn thời gian tới.
Các tuyến điểm du lịch tại 4 tỉnh được khảo sát vừa qua:
Tại Thái Nguyên: Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thành phố Thái Nguyên; Khu vực trồng chè Tân Cương; Hồ Núi Cốc; ATK Định Hóa.
Tại Bắc Cạn: Động Hua Mạ; Bản Pác Ngòi; Khu nghỉ homestay tại Pác Ngòi; Sông Năng; Thác Đầu Đẳng và hồ Ba Bể.
Tại Cao Bằng: Khu di tích mộ Kim Đồng; Khu di tích lịch sử Pác Bó; Tuyến vành đai biên giới từ Pác Bó đến Trà Lĩnh; Khu du lịch sinh thái Thang Hen; Động Ngườm Ngao; Cổng Trời; Thác Bản Giốc; Tuyến vành đai biên giới từ thác Bản Giốc đi dọc sông Quây Sơn về Hạ Lang; Cửa khẩu Tà Lùng; Thăm và tặng quà cho học sinh 2 Trường Tiểu học tại Hà Quảng và Trùng Khánh; Khảo sát bản Phúc Sen làm nghề rèn Dao.
Tại Lạng Sơn: Khu di tích lịch sử Đông Khê; Cửa khẩu Tân Thanh; Khu du lịch Mẫu Sơn và bản người Dao tại khu du lịch Mẫu Sơn.
|
Ý kiến ()