Khảo sát tình hình, kết quả thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, giai đoạn 2022 -2025 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Sáng 28/8, Tổ giúp việc Đoàn Giám sát HĐND tỉnh giám sát Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, giai đoạn 2022 – 2025 (gọi tắt là Tổ giúp việc) do đồng chí Hoàng Thị Kim Vân, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, Tổ trưởng Tổ giúp việc làm trưởng đoàn khảo sát tình hình, kết quả thực hiện đề án tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Theo báo cáo, thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, Sở NN&PTNT đã tích cực triển khai các nội dung. Cụ thể, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng đặc dụng: Mẫu Sơn, Hữu Liên.
Cùng đó, sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn định hướng, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất tập trung vào các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương để phục vụ du lịch. Qua đó đã hình thành một số mô hình trải nghiệm tại thành phố Lạng Sơn, huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn.
Sở NN&PTNT cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Sở đã phối hợp lựa chọn và hỗ trợ được 16 chuỗi sản xuất liên kết và xây mới 5 chuỗi sản xuất liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch được Sở NN&PTNT đẩy mạnh. Từ năm 2022 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh là trên 5,6 tỷ đồng, đến nay tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh là 110 sản phẩm. Lạng Sơn hiện đã có 3 sản phẩm được trao chứng nhận “121 món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn I- 2022”...
Tại buổi khảo sát, thành viên đoàn đã đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT làm rõ thêm một số vấn đề như: những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng các mô hình liên quan đến chuỗi sản xuất liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp; việc liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong việc xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm du lịch nông nghiệp; công tác khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch…
Phát biểu kết luận tại buổi khảo sát, đồng chí trưởng đoàn đề nghị: Sở NN&PTNT tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại đề án phát triển du lịch của tỉnh. Trong đó, sở cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm về tổ chức, thực hiện đề án nhằm triển khai có hiệu quả cao nhất các nội dung về phát triển du lịch của lĩnh vực ngành.
Bên cạnh đó, sở cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP; tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tham mưu tỉnh có những giải pháp phù hợp để khai thác các sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch sinh thái hồ, đập...; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các nhà đầu tư đối với lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn
Trước đó, đoàn Tổ giúp việc đã khảo sát trực tiếp tại vườn dẻ của bà Hoàng Thị Doan và Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, tại thôn Quảng Trung II, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn.
Ý kiến ()