Khảo sát PISA 2015: Học sinh Việt Nam nằm trong top 10
Ở lĩnh vực Khoa học, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 525 điểm. Kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình các nước OECD 31,4 điểm một cách có ý nghĩa thống kê.
Đa số các em đã nắm vững kiến thức khoa học cơ bản, phát huy được khả năng lập luận, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học vào giải quyết nhiều tình huống thực tiễn của cuộc sống. Trong đó gần 10% học sinh đạt kết quả ở cấp độ năng lực khoa học cao nhất (mức 5, 6) cho thấy nhóm học sinh này đủ tự tin để giải quyết những tình huống khoa học và công nghệ phức tạp trong cuộc sống hiện đại.
Ở lĩnh vực Toán học, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 490 điểm, của học sinh Việt Nam là 495 điểm, đứng thứ 22. Kết quả kiểm định về sự khác biệt kết quả trung bình của hai mẫu độc lập cho thấy: kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn kết quả trung bình của OECD 5 điểm nhưng sự kiểm định cho thấy, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là kết quả Toán học của học sinh Việt Nam tương đương với điểm trung bình của OECD.
Ở lĩnh vực Đọc hiểu, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 487 điểm, đứng thứ 32. Mặc dù kết quả trung bình lĩnh vực Đọc hiểu của Việt Nam thấp hơn trung bình của các quốc gia/vùng lãnh thổ OECD 6 điểm nhưng sự kiểm định cho thấy, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là kết quả Đọc hiểu của học sinh Việt Nam tương đương với điểm trung bình của OECD.
Kết quả PISA 2015 cho thấy một số điểm nổi bật về năng lực của học sinh Việt Nam ở ba lĩnh vực Khoa học, Toán học, Đọc hiểu. Học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các em đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong bài thi PISA.
Tổng số mẫu trường của Việt Nam tham gia khảo sát PISA 2015 là 188 trường với 5.826 học sinh đến từ: trường nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, trường phổ thông liên cấp (cấp 2 và cấp 3), trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THCS và trường THPT.
Tham gia PISA giúp giáo dục Việt Nam đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trên lớp học và đánh giá trên diện rộng theo hướng đánh giá năng lực của học sinh; phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập của học sinh và khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Tham gia PISA là bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục sau năm 2015, thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Ý kiến ()