Khảo sát phục vụ xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia
LSO-Hôm nay (16/10), tại Đồn Biên phòng Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, đoàn khảo sát của Ban Soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 169/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng làm trưởng đoàn, phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn tổ chức khảo sát phục vụ xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
phát biểu tại buổi khảo sát
Theo báo cáo đề dẫn tại buổi khảo sát, ngay khi có kế hoạch soạn thảo sửa đổi nghị định, từ đầu tháng 8/2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã thực hiện một số công việc để chủ động triển khai kịp thời nhiệm vụ như tổ chức xây dựng đề cương nghị định, lấy ý kiến tham gia của 54 cơ quan, đơn vị đầu mối trong toàn lực lượng bộ đội biên phòng; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng.
Với tỉnh Lạng Sơn, tình hình vi phạm hành chính trên các tuyến biên giới diễn ra tương đối phức tạp, tập trung chủ yếu vào một số hành vi như: xuất nhập cảnh trái phép, cờ bạc, trộm cắp; cư dân biên giới qua lại biên giới không đúng đường quy định, ra vào khu vực biên giới không có giấy tờ… Từ năm 2014 đến nay, lực lượng biên phòng Lạng Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính 469 vụ/731 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước trên 2,1 tỷ đồng.
Tham gia ý kiến về sửa đổi, bổ sung nghị định, Đại tá Ninh Văn Hợp, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên thực tế, một số hành vi vi phạm hành chính liên quan đến công tác quản lý bảo vệ biên giới của lực lượng biên phòng nhưng chưa được quy định trong Nghị định 169 như: xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30m tính từ đường biên giới đất liền; nhiều trường hợp vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt nhưng không áp dụng các biện pháp cưỡng chế vì khó thực hiện trong thực tiễn… Do đó, nghị định sửa đổi cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, để áp dụng vào thực tiễn được tốt hơn.
Tại buổi khảo sát, các cơ quan, ban ngành, cấp ủy chính quyền các địa phương khu vực biên giới đã nêu những ý kiến, kiến nghị sửa đổi bổ sung như: những hành vi mới phát sinh trên thực tiễn; chế tài xử lý vi phạm đảm bảo tính giáo dục, đủ sức răn đe; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử phạt trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia…
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh: Sau 5 năm triển khai thực hiện nghị định, nhiều điều khoản thi hành đã không còn phù hợp với thực tiễn hoặc nhiều vi phạm phát sinh không có trong quy định của nghị định, do đó, những ý kiến, kiến nghị tại buổi khảo sát sẽ giúp Ban Soạn thảo có rà soát, sửa đổi hợp lý.
Ý kiến ()