Khảo sát, đánh giá tiềm năng xây dựng tuyến thực hành trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn cho sinh viên Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội
- Trong 2 ngày (23 – 24/11), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tiềm năng xây dựng tuyến thực hành trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn cho sinh viên chuyên ngành du lịch địa chất của Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội.
Theo đó, đoàn đã khảo sát một số điểm tham quan thuộc tuyến số 1 “Khám phá thế giới Thượng ngàn”, tuyến số 2 “Hành trình về miền Thiên giới”, tuyến số 3 “Cuộc sống dân dã nơi trần thế” và tuyến số 4 “Đường đến Thủy cung” trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Cụ thể gồm Ải Chi Lăng (huyện Chi Lăng); thế giới đầm hồ Na Dương (huyện Lộc Bình); bãi đá nhảy (huyện Văn Quan); Trung tâm thông tin Công viên địa chất Lạng Sơn, làng ngói âm dương, làng văn hoá Tày (huyện Bắc Sơn); Homestay Sơn Thuỷ, thung lũng thần tiên Đồng Lâm, đại dương cổ yên bình (huyện Hữu Lũng).
Tại các điểm đến, các thành viên đoàn đã được nghe giới thiệu về nét độc đáo, đặc sắc về ý nghĩa, giá trị địa chất, cảnh quan. Đồng thời, đoàn cũng tham gia, trải nghiệm các hoạt động như: làm ngói âm dương, chinh phục đỉnh Nà Lay (huyện Bắc Sơn), trải nghiệm văn hóa ẩm thực, lắng nghe người dân bản địa giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc, phong tục, tập quán, nghe hát then tại Làng văn hoá du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn).
Hoạt động khảo sát nhằm đánh giá tiềm năng, từ đó, nghiên cứu xem xét đưa nội dung về Công viên địa chất vào giáo trình giảng dạy cho các sinh viên, đồng thời, thiết kế xây dựng tuyến thực hành trong vùng công viên địa chất Lạng Sơn cho sinh viên chuyên ngành du lịch địa chất của trường. Qua đó, tạo ra lợi ích kép vừa góp phần quảng bá cho Công viên địa chất Lạng Sơn vừa tạo không gian thực tế để sinh viên có cơ hội trải nghiệm, thực hành những kiến thức được học.
Ý kiến ()