Khánh Linh: Sống trong cuộc đời nên là một người thú vị
Tất bật đi về Hà Nội – Sài Gòn tham gia chương trình Mơ giấc mộng dàicủa nhạc sĩ Phạm Duy tại Tp Hồ Chí Minh vừa qua; chuyện riêng cũng có nốt lặng, nhưng “hoạ mi hót trong mưa” vẫn trong veo như ngày nào… Vẫn hay cười và khi đã trải lòng, nhất là về công việc, âm nhạc, cuộc sống thì vẫn nói nhiều, vẫn với vẻ đầy hứng khởi mà Khánh Linh nhận rằng “có cảm giác của một người đang lớn lên”.
Rất hợp với nhạc Phạm Duy
Khánh Linh này, trong đang thu album mới do Phương Nam phim phát hành, chị hát nhạc Phạm Duy…Liệu có phải chị đang chạy theo phong trào hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn – mà nhiều người bảo là làm sang?
– Nếu tôi chạy theo phong trào thì cuối cùng tôi sẽ là gì? Rất chán. Tất cả con đường ở Hà Nội đều giống Tràng Tiền ư? Những tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy có tính dân tộc, cổ điển rất đậm đà, có lẽ vì vậy mà người ta gọi là sang trọng chăng? Tôi đã đọc cuốn hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, cảm thấy rất thú vị. Để hát được một tác giả lớn, có chiều sâu, thì cần sự hiểu biết nhiều, hiểu về lịch sử. Nhạc Phạm Duy thuần Việt, nhạc của ông vốn đã cầu kỳ về giai điệu, ca từ, nên cách hát không phải gồng mình lên. Trong album này, tôi song ca với anh Tấn Minh một số bài: Ngày đó chúng mình, Ngày xưa Hoàng thị, Gọi em là đóa hoa sầu…Đó là một thông tin rất vui, đúng không? (Cười)
Chị tìm được điều gì trong nhạc Phạm Duy?
– Đây là lần thứ ba tôi tham gia chương trình của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi có nói với anh Tấn Minh rằng: hình như mình hát nhạc Phạm Duy rất hợp. (Cười). Tôi hát do mình yêu quý, hết mình, hát một cách hồn nhiên về nhạc của ông. Bản thân giai điệu trong tác phẩm của Phạm Duy đã quá hay, nó như con đường đi, còn lời ca thì như phong cảnh xung quanh đầy cuốn hút.
Chị hát nhạc Dương Thụ, Ngọc Châu, Ngọc Đại, Đỗ Bảo đều tạo được dấu ấn, và bây giờ là nhạc Phạm Duy. Một ca sĩ có khả năng và thông minh thì thường sẽ biết mình thuộc về nhạc sĩ nào đúng không?
– Nhạc sĩ và ca sĩ như đũa có đôi, sẽ phù hợp khi ca sĩ hiểu tác phẩm đó và hát hay tác phẩm của họ. Có người gọi là mối lương duyên, nhưng tôi thích gọi là “đũa có đôi”.
Về cơ bản tôi vẫn thuộc về những tác phẩm trữ tình, hơi nghiêng về bán cổ điển. Tôi đã suy nghĩ đầu tiên khi bước vào con đường nghiêm chỉnh này. Đôi khi tôi hát nhạc nhẹ. Hồi trước, tôi hát một số dòng nhạc khác cho khán giả thấy mình năng động hơn. Nhưng bây giờ tôi bước vào độ đằm thì không thể dở dở ương ương mãi thế được. (Cười)
Nhạc sĩ Phạm Duy, Dương Thụ, Ngọc Đại, Ngọc Châu, Đỗ Bảo…đều là những người ham hiểu biết, có bề dày văn hóa để tôi học hỏi ở họ. Với nhạc sĩ Dương Thụ, thì Linh còn được nói chuyện nhiều, được định hướng thẩm mỹ về cuộc sống, nghề nghiệp khi mới bước chân vào nghề, xây dựng hình ảnh thế nào, hướng tới hình mẫu ca sĩ như thế nào. Điều đó khiến tôi rất biết ơn.
Người im lặng nhưng lại chọn nghề ồn ào
Sau khi giành giải Ba cuộc thi Sao Mai, nhiều chuyên gia đánh giá rằng chị rất có khả năng, lại được nhiều người có vị trí trong làng âm nhạc, như: nhạc sĩ Dương Thụ, Ngọc Châu…nâng đỡ; vì thế khán giả nghĩ chị phải đứng ở một vị trí khác hẳn so với hiện tại?
– Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng tính tôi lại hơi buồn cười. Người ta làm nghệ thuật tìm sự nổi tiếng, song với tôi đó không phải là hàng đầu mà trước hết để thỏa mãn niềm yêu thích. Cả gia đình tôi làm nghệ thuật, muốn con cái theo nghiệp; nhưng tôi không thích, không muốn học đàn. Năm 15 – 16 tuổi, tôi mới có ý nghĩ theo nghệ thuật. Tôi đã thích là phải làm bằng được. Tôi cũng thích ngồi một chỗ, ở nhà nghiên cứu nhiều thứ hoặc nói chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ, một số bạn bè nhiều lĩnh vực khác, mong muốn hoàn thiện con người mình. Tôi – một người im lặng nhưng chọn nghề ồn ào, nên lại muốn nghệ thuật đem lại sự tĩnh lặng cho bản thân. Khi âm nhạc vang lên thì mọi thứ lắng lại.
Phải chăng vì sự chông chênh đó mà dù có ngoại hình cũng sáng sân khấu nhưng trước đây chị không khắt khe với mình khiến nhiều người kêu là chị béo, ăn mặc, tạo hình không đẹp?
– Có lúc tôi cũng buồn vì mọi người nói già hơn, chững chạc quá. Nhưng bạn bè an ủi, đùa là ít nhất tôi cũng có điểm nhấn. Nay tôi có ý thức để mình gọn gàng, tươm tất hơn. Tôi đang làm được và ngày càng tiến bộ. (Cười).
Làm nghệ thuật không ai hiền cả
Rồi mọi thứ đang có vẻ phát triển mạnh mẽ như vậy thì thì chị lại dừng lại và lập gia đình sớm. Điều này dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng tới sự nghiệp đang lên?
– Quan trọng là công việc và gia đình phải sắp xếp hợp lý. Người chấp nhận tôi là vợ thì phải chấp nhận công việc của tôi, cũng như tôi thấy việc gia đình quan trọng thì phải hy sinh công việc. Công việc là cả cuộc đời, còn gia đình cần sự xây dựng hàng ngày, nếu chỉ nghĩ đến bản thân thì không còn gia đình. Ai cũng nghĩ mình có khoảng trời riêng, sẽ không chung sống với nhau được. Ai cũng thích tự do mà không biết rằng sự tự do đã có trong tâm hồn mỗi người.
Nhưng nghệ sĩ lại muốn tự do hơn?
– Đúng thế. Bởi cái tôi lớn, tôi thấy điều đó qua bản thân mình và các bạn nghệ sĩ. Làm nghệ thuật ai cũng cá tính mạnh, không ai hiền đâu, khác nhau là có biết sống hay không mà thôi.
Điều này có liên quan tới chữ “nhẫn” mà Linh thường nói không?
– Phải học nhiều mới nhẫn được, chứ nay nhịn, mai nhịn thì thế nào cũng dâng trào, không còn “nhẫn” nữa. Chữ Nhẫn tôi học từ đạo Phật. Nếu “nhẫn” được ngay trong công việc, đối nhân xử thế thì đã có nhiều công đức, chứ không phải tụng kinh gõ mõ. Nếu người ta góp ý nghề nghiệp thì có thể mình hơi buồn, nhưng nếu phản ứng dữ dội thì bắt đầu là “Sân” rồi. Con người ta cảm thấy vui một chốc, còn buồn là bản chất. Nếu đã biết thế thì mình biến chữ Nhẫn là niềm vui nho nhỏ để vượt qua.
Khi còn nhỏ, tôi hay theo mẹ đi lễ chùa, nghe mẹ nói về Phật, thấy mẹ nhẫn nhại. Đó cũng là thói quen và phong tục của người Việt. Nhà tôi, mẹ theo đạo Phật, nhưng nhà nội thì theo Thiên chúa. Tôi thấy triết lý duy nhất của mọi tôn giáo đều muốn giải phóng con người và muốn con người sống tốt hơn.
Vừa rồi tôi dự khóa học ngắn về đạo Phật tại Đức, được nghe thầy giảng về bể khổ của đời người. Con người ham muốn nhiều quá, cầu không được thì sẽ bực mình. Phải an lạc, thoải mái, đừng quá lo lắng. Cuộc đời là vô thường, mọi thứ chỉ là ảo vọng. Người ta sinh ra một mình và chết đi cũng một mình, ham hố để lại gì? Tại sao không để lại trong bạn bè một hình ảnh mình lạc quan? Mỗi khi làm xong việc, tôi thấy vui vì tâm trí đổi mới, mọi người thấy sự cống hiến của mình.
Thường người ta nghĩ những người tham gia khóa thiền vì muốn giảm stress hoặc gặp rắc rối vì điều gì đó trong cuộc sống, công việc. Chị thì sao?
– (Cười) Tôi và Tùng Dương được mời sang Đức thu một album nhạc Phật của một nhạc sĩ nghiệp dư bên đó và được mời tham gia một khóa học Phật pháp. Theo tôi thì những người theo học thiền không hẳn để tìm sự bình yên mà để tìm chân lý cuộc sống. Có nhiều điều người ta chưa hiểu, cố chấp, thì tìm chân lý Phật pháp; điều này cũng khiến tôi hiểu được nhiều điều trong cuộc sống. Nhiều người nghĩ chán đời thì mới đi tu như Thị Kính, nhưng những người bên đó tham gia khóa học thiền với tôi đều là những người quá yêu cuộc đời này, nên mới tìm chân lý, theo thiền để sống tốt hơn.
Chị nhìn cuộc sống sau khóa tu đó thế nào?
– Khi học thì mới ngộ thì ra là mình vẫn sống đúng như nhà Phật dạy (cười). Làm nghề này thì phải bon chen, đua ganh nhưng tôi không làm thế. Tôi cứ làm việc, chứ không quá nặng nề chú ý tới điều mình phải đạt được. Tất nhiên có điều mình không bằng lòng, nhưng không coi là gạch đầu dòng đầu tiên để thao thức, dằn vặt. Hãy là một con người bình thường tử tế, được giáo dục, sống có ý thức, sống đúng nhân cách của một con người. Tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường với mọi người.
Nhưng vừa qua, hình như gia đình nhỏ của chị có chuyện và chị đã chia sẻ trên một số báo chí?
– Đến giờ tôi không có ý định tiếp tục chia sẻ về cuộc sống cá nhân.
Thường thì sau khi chuyện xảy ra, khá nhiều nghệ sĩ lên báo nói qua nói lại. Người ta cũng thường nhìn lại xem ai là người có lỗi như muôn thuở?
– Người ta luôn muốn tìm ai là người có lỗi, tìm nguyên nhân. Nhưng tất cả những lựa chọn đều có phần trăm nào đó sai lầm, kể cả khi nó được coi là đúng. Không có gì hoàn hảo. Mà muốn hoàn hảo thật thì đừng có hằn học nhau. Với người sống nội tâm thì sự chia sẻ là… không nói nhiều. Người ta nói rồi: Cùng chia nhau nỗi vui niềm đau. Đó là sự lựa chọn của tôi.
Vừa rồi, có ca sĩ sau chuyện gia đình tan vỡ cũng chia sẻ rằng đôi khi một người đẹp, có khả năng lại thông minh, nhạy cảm thì thường khiến người đàn ông có ý định đến với mình e ngại? Chị thấy sao?
– Nhiều người trong nhóm bạn tôi hay trao đổi về điều này, nhưng như ngày xưa thôi, ai không thích thì “kính nhi viễn chi”. (Cười). Đâu có sao. Người làm nghệ thuật vốn đã cô đơn rất lớn. Quan trọng nhất với nghệ sĩ là tự biết chơi với mình. Đôi khi ngồi yên im lặng không nói gì. Nhiều bạn bè của tôi cũng vậy, nhưng chỉ cần nhìn nhau là hiểu. Có nhiều cảm giác không nói được thành lời chứ.
Sao chị không nghĩ rằng nên vo tròn một chút đi?
– Cầu toàn thì ai cũng muốn. Tôi nghĩ, con người đúng nghĩa là vô sản, không có gì tất cả. Người ta nói có thì là có, mà không thì là không. Có người nhiều tiền chắc gì đã hạnh phúc nhưng biết cách hạnh phúc bằng cách chia sẻ, làm điều tốt hơn thì sẽ hay hơn. Hơn nữa, mỗi người có phúc phận người ta. Tôi không bao giờ ganh tỵ người hơn mình mà coi đó là điều để mình vươn tới. Người ta giàu có ở hai khía cạnh: của cải hoặc tinh thần, vốn sống. Mà nó là vô cùng. Giàu thì đi đôi với sang, nhưng nhiều khi giàu chưa đi với sang.
Là đồng nghiệp, nay lại có gia đình riêng, chị có thường chia sẻ với mẹ mỗi khi gặp chuyện không hay?
– Mẹ là người bạn của tôi. Nhưng tôi nói chuyện với mẹ không phải nhằm tìm kiếm một lời khuyên mà là để mình kìm bớt sự nóng giận, dịu đi suy nghĩ không đúng, để mình nhìn lại xem phản ứng như thế đúng chưa, có cần phải làm như thế không?
Nay tôi có thêm người bạn khác là những dòng chữ tôi viết. Tôi rất thích cuộc sống hiện tại. Nó khiến tôi suy ngẫm nhiều, cảm thấy mình đang lớn lên. Đó mới thực sự là sống. Đôi khi người ta nghĩ rằng sống là giàu có, hạnh phúc đầy đủ, cái gì muốn cũng đạt được mà chưa chắc đã phải như vậy. Với tôi, sống là mỗi ngày mình thấy sự mới mẻ, khác lạ với điều đơn giản nhất. Tôi nhìn sự việc theo nhiều chiều khác nhau và luôn nhìn theo chiều tích cực.
Vì thế mà Linh thường được gọi là bà cụ non?
– Tôi bị gọi như thế từ lâu rồi. Hồi học phổ thông, tôi cũng rất hợp chơi với bạn trai, ít bạn gái thân. Các bạn nghĩ tôi như đàn ông, vì tôi không để ý điều nhỏ nhặt, nếu không muốn nói là nhỏ nhen. Khi mình nhìn ra điều ấy thì quyết không để nó thâm nhập. Tôi đã thử nói chuyện nhưng cuối cùng thì không muốn nói nữa. Nhưng với bạn lớn tuổi thì khác, tôi thích nói, đó là cách không giấu dốt, nếu mình nói không đúng thì họ sửa và nói kỹ cho mình hiểu hơn. Sự già ấy vẫn tiếp tục. (Cười). Chừng nào còn ham hiểu biết thì còn già. Nói đùa thôi, chứ ham hiểu biết thì như trẻ con ấy, mình tưởng là biết mà lại không biết gì. Mình ngộ ra để đơn giản hóa mọi thứ. Nhiều khi, có trí khôn quá lại suy xét rồi thành suy diễn. Mà đã suy diễn thì lại mang ý tiêu cực rồi.
Sống trong cuộc đời nên là một người thú vị
Nhưng không rõ vì sao một người có khả năng, sống trong gia đình làm nghệ thuật, được hướng theo nghề từ nhỏ mà lúc đó chị lại không thích theo nghề ca sĩ?
– Vì tôi thấy sự vất vả và sự cố gắng kinh khủng của 3 người trong nhà. Bố là ca sĩ nhưng giọng không vang nên được cử đi học âm thanh. Ông quyết định 2 năm nữa sẽ trả lời bằng việc học đàn bầu và sau đó được làm solist. Mẹ 15 tuổi vào đoàn ca nhạc, hát hợp xướng, tốp ca, thành solist khi ngoài 30 tuổi, sự nổi tiếng đến muộn màng, nhưng để lại ấn tượng trong mọi người về giọng hát, vẻ đẹp. Mẹ tôi tâm huyết với nghề, song mới 45 tuổi phải về hưu do cơ chế mới, khiến bà tủi thân. Anh Ngọc Châu thì mười mấy tuổi đã lập ban nhạc biểu diễn nhiều nơi. Do bị một số người đố kỵ khiến 3 người thân yêu nhất của tôi vốn hiền lành lại thăng trầm khiến tôi thấy tủi thân, làm nghệ thuật khắc nghiệt quá, không chỉ tài là thành công. Người ta cứ nghĩ ca hát là vui tươi nhưng không đơn giản. Nhưng khi cái duyên âm nhạc tới, tôi nói với mẹ là tôi sẽ làm để xứng danh với gia đình.
Bây giờ trước những ganh ghét, đố kỵ, Linh sẽ xù lông nhím hay tránh ra?
– Xù lông nhím thì không cần thiết vì tôi đi đường của mình, không giành giật lấy thứ người ta đang làm. Một người bạn bảo tôi, anh ấy làm nhạc Phật không nhằm kinh doanh mà muốn Phật pháp đến với mọi người thì tôi cũng mong muốn âm nhạc đúng nghĩa đến với mọi người. Thi xong Sao Mai, tôi được anh Ngọc Châu, nhạc sĩ Dương Thụ giúp làm album – sản phẩm ấy tôi thích và được mọi người thích. Nhật thựcvới nhạc sĩ Ngọc Đại thì tôi coi như một cuộc rong chơi cực kỳ thú vị. Thân thiết với nhạc sĩ Đỗ Bảo nhưng khi biết anh bận theo đuổi nhiều thứ, tôi tránh ra, đợi anh làm xong thì mới hợp tác. Nghệ sĩ nhiều băn khoăn với cuộc đời chứ không đơn giản dăm ba câu chuyện. Họ nhìn cuộc đời trầm ngâm hóm hỉnh, hồn nhiên. Cuộc đời nhẹ tênh như chú Nguyễn Cường hay nhìn.
Tôi hay chơi với những người lớn tuổi. Thích lắm, vì thấy lớn hơn nhiều. Họ dạy mình nhiều điều. Sống trong cuộc đời nên là một người thú vị.
Thời gian tới, Linh hướng tới hình ảnh ca sĩ thế nào?
– Đó là ca sĩ có tri thức. Điều này thể hiện trong giọng hát và bài hát tôi chọn. Người trong giới trí thức thích và tôi cũng thích. Đó là những bài hát nhẹ nhàng, chứ không lên gân lên guốc. Có ca sĩ đi theo hình mẫu nhảy nhót, tôi cũng có năng khiếu, từng học Breakdance, nhưng đã có quá nhiều người, thì tại sao tôi lại phải bước vào? Đôi khi chỉ nhún nhảy vui vui chút thôi. Tôi muốn tăng vốn hiểu biết nhiều hơn, trau dồi tư duy nhiều hơn không chỉ về tác phẩm mà hàng ngày phải đọc nhiều hơn, viết nữa. Tôi muốn viết những gì mình nhìn nhận. Nhiều sở thích khác: chụp ảnh, đi nhiều, ghi nhận cuộc sống…, tất cả những điều này tạo vốn sống cho tôi. Khi thể hiện âm nhạc của nhạc sĩ gạo cội này thì điều này sẽ khiến mình hiểu hơn và cảm nhận đầy đủ hơn. Ca sĩ không chỉ biết hát mà theo tôi còn sống, cư xử thế nào.
Tôi đã gặp một số người trẻ suy nghĩ nhiều như vậy, nhưng có đôi khi lại hoang mang trong cuộc sống?
– Buồn nhiều chứ. Tôi bức xúc vì tôi rất yêu cuộc sống này. Sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ thế nào? Tôi không hình dung ra thủ đô 1000 năm thế nào, đâu là bản sắc riêng? Trong âm nhạc, nhiều người sử dụng chùa. Nhiều người muốn ký hợp đồng độc quyền với tôi để khai thác nhạc chuông, nhưng họ lại không thực hiện được vì thủ tục hành chính lằng nhằng. Có ca sĩ làm nhạc kịch, người ta làm không tán thưởng mà chỉ chê. Sao không mong muốn người ta làm tốt hơn, mà lại toàn chê? Người ta không thể giải thoát được vì luôn nghĩ cái xấu hơn cái tốt, hãy nghĩ cách giải quyết hơn là vùi dập. Có thể tôi là người cực đoan chăng?
Nhưng chuyện gần đây quá nhiều thiên tai lũ lụt?
– Với thiên tai lũ lụt nhìn tôi nhìn nó như cái gì đang quá độ. Tất nhiên là do ý thức của con người khiến thiên nhiên không thể cân bằng. Nghe trẻ con nói thú vị lắm. Trong giờ trái đất, tắt điện thì thắp nến nhưng trẻ con bảo: thắp nến thì có khói muội, hoặc thả hoa đăng thì có rác, thế nên tắt điện thì cứ tắt điện thôi. (Cười). Vì làm gì thì cũng có đối phó. Đó là sự kháng cự tất yếu của con người, không được thì tìm cách đạt lại. Nhìn thấy thì buồn cười, trong chiến tranh điều đó chấp nhận được, cực kỳ tuyệt vời, nhưng trong cuộc sống hiện nay cái gì cũng chống đối thì chưa chắc đã là hay. Muốn xã hội văn minh thì mình phải văn minh trước, tại sao cứ phải nhìn người khác có văn minh hay không. Một người sẽ ảnh hưởng tới đám đông, một đám đông nhỏ sẽ ảnh hưởng tới đám đông lớn. Cuộc sống cần sự giáo dục văn hóa, nhân văn, và vai trò của cá nhân tốt hơn. Từ cá nhân tốt sẽ có cộng đồng tốt. Chúng ta hay a dua nhìn người làm, người kia làm rồi mới làm, mà bản thân mình phải là người chủ động chứ. Những người mạnh là người luôn chủ động.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Ý kiến ()