Kháng thuốc kháng sinh: Hậu quả khôn lường!
Tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở lên rất báo động. Trong đó, việc nhiều bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn siêu kháng thuốc, kháng với hầu hết các loại kháng sinh… đang khiến các chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại.
Tại một hội nghị mới đây về sử dụng thuốc kháng sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận một thực thực tế rằng, “ai cũng có thể mua kháng sinh mà không cần đơn, dù là loại thuốc buộc phải kê đơn nhưng mua chúng còn dễ hơn cả rau”(?!).
90% thuốc kháng sinh bán ra không theo đơn
Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn chỉ định của bác sỹ, chiếm 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc. Với thực trạng hầu hết người dân khi cảm, sốt, ho, sổ mũi thường tự ra cửa hàng mua thuốc kháng sinh về uống, giới chuyên môn quan ngại việc lạm dụng thuốc kháng sinh có lẽ vẫn còn là câu chuyện dài lê thê kéo theo nhiều bi kịch.
PGS.TS.Nguyễn Văn Kính – Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian gần đây, tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gia tăng khoảng 30-40%. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm cư trú ở vùng hầu họng của người trưởng thành, dẫn đến các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Trong trường hợp bị mắc vi khuẩn phế cầu mà kháng tất cả các loại thuốc, thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.
Đề cập tình trạng sử dụng kháng sinh tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Kính nhận định: “Hiện nay mới chỉ có một số bệnh viện (BV) tỉnh hoặc ở tuyến Trung ương có Labo vi sinh lâm sàng có thể giúp bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý. Các BV tuyến dưới chưa đầu tư thiết bị, thì rõ ràng việc sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ. Đó là chưa kể trong cộng đồng còn có tâm lý ngại đến BV khám bệnh, cứ nghi ngờ sốt, nhiễm khuẩn là ra hiệu thuốc tự mua thuốc, thậm chí chưa hỏi mua thì người bán đã tư vấn dùng thuốc kháng sinh. Điều này càng khiến việc lạm dụng kháng sinh gia tăng”.
Theo ông Kính, hậu quả của kháng thuốc sẽ dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn. Thực tế, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận rất nhiều ca bệnh mắc các loại vi khuẩn siêu kháng thuốc, kháng với hầu hết các loại kháng sinh đang được sử dụng.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS.Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cũng đã đưa ra con số giật mình về tình trạng kháng thuốc xuất hiện ở các bệnh nhi khi đến khám tại BV. Theo đó, trung bình mỗi ngày BV Nhi Trung ương khám cho khoảng 3.000- 4.000 trẻ nhỏ, điều trị nội trú cho 1.700 trẻ. Trong số đó, hầu hết là các bệnh nhi rất nặng: Hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày, trẻ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng có khoảng 70- 80 ca… Hầu hết các bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng có một trong các dụng cụ thiết bị y tế kèm theo và được chuyển đến từ rất nhiều BV ở các tỉnh khác nhau. Chính vì đặc tính nặng như vậy, nên tỉ lệ nhiễm khuẩn BV ở mức cao.
“Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện mà chúng tôi có cấy phân, thì trong đó có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định, còn do thực tế rất nhiều trẻ được các ông bố, bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý”- PGS. TS. Trần Minh Điển cho biết.
Trong khi đó, việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn, cần sự hội chẩn từ các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất; đồng thời, phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các em bé, mới có thể vượt qua được tình trạng kháng kháng sinh này…
Chấm dứt tình trạng mua kháng sinh không cần đơn vào năm 2020
Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định phải bán thuốc kháng sinh theo đơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giám sát, thực hiện còn bỏ ngỏ, chưa triệt để, gây khó khăn cho ngành Y tế trong việc giám sát.
Việt Nam là 1 trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc. Tuy nhiên, hiện người dân vẫn có thể mua được bất kỳ loại kháng sinh nào tại các hiệu thuốc mà không cần đơn thuốc do bác sĩ kê, kể cả kháng sinh thế hệ mới.
Đề cập kết quả khảo sát của Bộ Y tế về việc có khoảng 90% thuốc kháng sinh được bán tại các hiệu thuốc không cần kê đơn, ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục KCB (Bộ Y tế) nhìn nhận: “Vấn đề mà ngành Y tế luôn trăn trở là việc bán thuốc kê đơn không đúng, cũng như việc người dân muốn mua nhanh và thuận lợi những thuốc tốt, thuốc mới để chóng khỏi bệnh, nhưng đôi khi dùng không hết liều và cũng không hiểu tính tương tác của thuốc như thế nào”.
Theo ông Khuê, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Hiện bệnh viện tuyến huyện, tỉnh có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao chủ yếu vì ở tuyến này chưa có kháng sinh đồ, bác sĩ thường điều trị bao vây bằng nhiều loại thuốc, nhiều loại kháng sinh khác nhau.
Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, nếu dùng thuốc thiếu cân nhắc, chỉ sau từ 10- 20 năm, chúng ta sẽ không còn thuốc chữa bệnh nhiễm trùng. Con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do nhiễm trùng kháng thuốc.
Để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tới đây, Bộ sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).
Bộ giao cho Cục Quản lý Dược tiến hành thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, rửa tay bằng xà phòng… Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn tình trạng bán kháng sinh không cần đơn, đồng nghĩa người dân không thể tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh.
Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40, là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại, giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều kháng sinh, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh,…và lạm dụng kháng sinh trong y tế, trong nông nghiệp đã làm làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, kháng thuốc hiện không còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà là của toàn cầu./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()