Khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam
Năm 2012, dự kiến lợi nhuận từ hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển về Việt Nam của Viettel tăng lên 80 triệu USD. Phá vỡ "cánh cửa" biên giới, đầu tư ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam sớm thành công khi nắm giữ lượng lớn thị phần và vị trí trọng yếu tại thị trường quốc tế. Hướng đi này đang từng bước khẳng định vị thế của các DN Việt Nam trên trường quốc tế.Mới đây, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đã ghi "cú đúp" khi liên tiếp đoạt hai giải thưởng của thế giới trong lĩnh vực hoạt động. Ngày 13-11 vừa qua, tại Giải thưởng Truyền thông Thế giới (World Communication Award - WCA) 2012, mạng viễn thông Unitel, liên doanh của Viettel và Laos Asia Telecom chiến thắng tại hạng mục Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển. Chỉ sau đó một ngày, Công ty Movitel do Viettel đầu tư tại Mô-dăm-bích cũng trở thành DN có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông vùng nông thôn châu Phi trong lễ trao Giải thưởng Truyền thông châu Phi (AfricaCom) 2012 tổ chức tại Nam...
Năm 2012, dự kiến lợi nhuận từ hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển về Việt Nam của Viettel tăng lên 80 triệu USD. |
Mới đây, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đã ghi “cú đúp” khi liên tiếp đoạt hai giải thưởng của thế giới trong lĩnh vực hoạt động. Ngày 13-11 vừa qua, tại Giải thưởng Truyền thông Thế giới (World Communication Award – WCA) 2012, mạng viễn thông Unitel, liên doanh của Viettel và Laos Asia Telecom chiến thắng tại hạng mục Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển. Chỉ sau đó một ngày, Công ty Movitel do Viettel đầu tư tại Mô-dăm-bích cũng trở thành DN có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông vùng nông thôn châu Phi trong lễ trao Giải thưởng Truyền thông châu Phi (AfricaCom) 2012 tổ chức tại Nam Phi tối 14-11. Các công ty do Viettel đầu tư ở nước ngoài đã so tài cùng những dự án, DN viễn thông lớn trên thế giới như Orange, Vodafone, Hutchinson Global, Bharti Airtel…
Đến nay, Viettel đã đầu tư tại bốn thị trường nước ngoài là Mô-dăm-bích, Cam-pu-chia, Lào và Ha-i-ti. Sau hai năm kinh doanh, mạng di động của Viettel tại Cam-pu-chia và Lào đã có lãi và sau ba năm bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước. Năm 2011, số lợi nhuận được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam của Viettel là 40 triệu USD và dự kiến tăng gấp hai lần trong năm 2012. Tất cả những kết quả trên phần nào minh chứng cho thành công của Viettel tại thị trường ngoài nước, đồng thời thể hiện một thương hiệu viễn thông Việt đang được thế giới ghi nhận.
Không chỉ Viettel, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đặc biệt “ghi điểm” tại thị trường Lào. Tại tỉnh Attapeu, DN này đã khởi công Cụm công nghiệp Mía đường Hoàng Anh Attapeu với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; khánh thành khách sạn 4 sao Hoàng Anh Attapeu và dự kiến xây dựng nhà máy chế biến gỗ và sân bay quốc tế trên khu đất rộng 200 ha vào tháng 6-2013… Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai đã và đang triển khai dự án trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê ở Thủ đô Viêng Chăn, mỏ sắt và đồng tại Sê Kông cùng kế hoạch trồng hàng chục nghìn ha cao-su… Ngoài lợi ích kinh tế, các dự án trên khi hoàn thành còn giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 người dân ở đất nước Triệu Voi.
Chưa phải là một cái tên quá nổi danh trong việc đầu tư ra nước ngoài, song thực tế, Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến bột sữa đầu tiên của Vinamilk liên doanh với đối tác nước ngoài – Nhà máy Miraka ở Niu Di-lân. Việc đầu tư ra sân chơi quốc tế của Vinamilk được đánh giá là chắc chắn bởi DN này luôn “bám sát” ngành chủ lực, giữ vững doanh thu cao từ thị phần trong nước, thậm chí “áp đảo” nhiều đối thủ trên chính sân nhà, từ đó tiến dần ra các thị trường bên ngoài. Dự kiến, đến hết năm 2012, đơn vị này sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 26.500 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thị trường quốc tế rộng lớn vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các DN. Chưa kể việc “đem chuông đi đánh xứ người” có thể gặp nguy hiểm và rủi ro do chưa thuộc “địa hình” – luật, ngôn ngữ và thị hiếu, văn hóa người tiêu dùng nên để thành công ở thị trường nước ngoài là điều không đơn giản. Theo bà Phạm Chi Lan, thời gian qua, kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Song, đây lại chính là yếu tố “tôi luyện” các DN trong nước. “Có kinh nghiệm vượt qua những đợt sóng dữ, thành công ở một thị trường khó khăn như trong nước, nên khi đầu tư sang những nước có điều kiện hạn chế, nhiều DN Việt Nam có lợi thế về kinh nghiệm, điều mà một số công ty ở thị trường giàu có, hùng mạnh chưa từng làm”, bà nói.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do làm nên thành công của các DN Việt Nam ở thị trường nước ngoài, tuy nhiên, điểm mấu chốt đối với DN là phải “biết làm gì” và “làm ở đâu”, bám sát ngành nghề chủ lực và xác định “địa bàn” đang thiếu và “khát” mặt hàng của mình để “lấn” tới. Ngoài ra, yếu tố vốn, văn hóa thị trường, luật lệ… cũng là những yếu tố cần lưu ý để giành ưu thế khi “chiến đấu” trên các sân chơi quốc tế.
Chia sẻ về những điều khiến DN Việt Nam có lợi thế hơn các tập đoàn thế giới khi đầu tư vào thị trường các nước nghèo, Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một lý do khá đặc biệt: Nghèo là một lợi thế. Với những tập đoàn lớn của thế giới, lương nhân viên của họ cao nên khi ra nước ngoài không thể cử nhiều người sang. Trong khi đó, ở những thị trường nghèo, nhân viên bản địa thường không thạo nghề, thiếu kinh nghiệm kinh doanh nên việc Viettel cử hàng trăm nhân viên Việt Nam sang để huấn luyện cho nhân viên nước sở tại sẽ giúp tốc độ phát triển nhanh hơn. “Kế đến, vì chúng tôi nghèo nên chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn. Nếu họ làm tám tiếng thì chúng tôi làm tới 14 tiếng một ngày và khát vọng vươn lên cũng mạnh mẽ hơn, kèm theo đó là việc tìm kiếm các giải pháp mới cũng hăng hái hơn”, ông Hùng nói. Chưa hết, Phó Tổng Giám đốc của Viettel còn bổ sung, trong khi các tập đoàn lớn của thế giới thường kinh doanh ở những thị trường giàu với mức chi trả vài chục USD một tháng cho một thuê bao di động thì Viettel đã thành công ở những thị trường chỉ có 1-2 USD/tháng. Cũng vì thế, khi cạnh tranh, Viettel có lợi thế hơn nhờ các bài học kinh nghiệm ở thị trường giá cực thấp. Và cuối cùng, Viettel là một công ty nhà nước nên việc đầu tiên là tối đa hóa lợi ích quốc gia chứ không phải là tối đa hóa lợi nhuận nên việc ưu tiên cho đầu tư mạng lưới, làm các hoạt động xã hội như mở cáp quang, sóng di động đến vùng sâu, vùng xa dễ hơn và tạo ra mối quan hệ rất tốt với Chính phủ và người dân bản địa…
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, Viettel có tiềm lực vốn ổn định và “biết” làm ăn, điều này đã được Viettel thể hiện ngay khi gia nhập thị trường. “Quan trọng nhất, Viettel có niềm tin là viễn thông sẽ phổ cập đến những người nghèo nhất, vùng sâu, vùng xa nhất nên họ tìm đến những thị trường khó khăn, lấy nông thôn “vây” thành thị, nhờ vậy, Viettel tìm được thị trường rộng lớn và nhanh chóng phát triển thị phần”, bà nói. Kinh nghiệm về sự thành công trong phát triển thị trường trong nước đã góp phần giúp Viettel cũng như nhiều DN Việt Nam khác tự tin, vững bước ra sân chơi quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()