Khẳng định vị thế đầu ngành trong lĩnh vực huyết học-truyền máu
Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương luôn giữ vững chất lượng chuyên môn, khẳng định vị thế đầu ngành lĩnh vực huyết học-truyền máu trên toàn quốc.
![Bác sĩ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thăm khám cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh.](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/202412/medium/519330_eaa48f6ae4b650d784951cf7adee3a1e.webp)
Viện Huyết học-Truyền máu (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) được thành lập ngày 31/12/1984 theo Quyết định số 1531/BYT-QÐ của Bộ Y tế. Sau 20 năm thành lập (năm 2004), viện chính thức trở thành đơn vị trực thuộc Bộ Y tế với tên gọi Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.
PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, sự ra đời của viện là rất cần thiết, giải quyết kịp thời nhu cầu cấp cứu và điều trị các bệnh về máu lúc bấy giờ. Từ hai đơn nguyên điều trị nội trú với 80 giường kế hoạch, đến nay, viện đã có chín khoa lâm sàng với số lượng người bệnh điều trị nội trú luôn duy trì từ 1.100 đến 1.300 trường hợp mỗi ngày. Năm 2024, viện đã thực hiện điều trị nội trú cho 52.760 lượt người bệnh, tăng gần 16 lần so với năm 2004; tổng số người đến khám là 187.614 lượt, tăng gấp 50 lần so với năm 2004. Các thầy thuốc chuyên ngành huyết học-truyền máu thường xuyên cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị và đưa vào sử dụng nhiều thuốc mới, thuốc đích đem đến cuộc sống có chất lượng tốt hơn cho người bệnh; trở thành cơ sở điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu lớn nhất cả nước.
Ghép tế bào gốc là một trong những kỹ thuật, phương pháp hiện đại đang được viện áp dụng trong công tác điều trị. Kể từ ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên thực hiện năm 2006 và ghép tế bào gốc đồng loài phù hợp hoàn toàn HLA từ năm 2008, đến nay, viện đã thực hiện 663 ca ghép, là một trong hai đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất và có chất lượng tại Việt Nam.
Nhiều phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau được áp dụng như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp, ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng. Cùng với việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều bước tiến bộ vượt bậc, kỹ thuật này đem đến cơ hội sống cho ngày càng nhiều người bệnh.
Với nhóm bệnh máu di truyền (hemophilia, thalassemia), viện đã tập trung nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và tổ chức điều trị ngoại trú nhằm giảm bớt thời gian nằm viện, giúp người bệnh có thêm cơ hội học tập và làm việc. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hội và hoạt động hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất được tổ chức nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người bệnh.
Nhờ định hướng liên tục cập nhật tiến bộ của y học thế giới, hoạt động xét nghiệm đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu; nhiều kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu được triển khai, là cơ sở ứng dụng và theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện đại.
Với nhiều phòng xét nghiệm được đánh giá là labo dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực huyết học, hoạt động cận lâm sàng không chỉ đáp ứng nhu cầu tại viện mà còn hỗ trợ công tác chẩn đoán và theo dõi điều trị cho nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội và các tỉnh/thành phố phía bắc.
Trong lĩnh vực truyền máu, viện đã xây dựng được Trung tâm Máu quốc gia đồng bộ, hoàn chỉnh từ tuyên truyền, vận động hiến máu, tổ chức tiếp nhận máu, sàng lọc, điều chế, lưu trữ, phân phối máu và các chế phẩm máu với công suất lớn, kỹ thuật hiện đại.
Từ hiệu quả của các chương trình, dự án, viện cũng góp phần xây dựng và hình thành hệ thống dịch vụ truyền máu từ Trung ương đến địa phương theo hướng mở rộng mạng lưới vận động hiến máu; thực hiện tiếp nhận, sàng lọc, điều chế và cung cấp máu tập trung; nỗ lực quan tâm đến truyền máu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Viện cũng khởi xướng và tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện vận động hiến máu có quy mô lớn, đa dạng về mặt hình thức và nội dung, mang tính nhân văn, góp phần thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện phát triển. Ðiển hình như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Ðỏ, Chủ nhật Ðỏ…
Năm 2004, viện chỉ tiếp nhận được hơn 36.500 đơn vị máu, trong đó 68% là hiến máu nhận tiền thì đến năm 2024, số máu tiếp nhận được đã tăng lên 472.000 đơn vị máu toàn phần và 33.500 đơn vị tiểu cầu, chiếm 30% tổng lượng máu tiếp nhận của toàn quốc, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt hơn 96,2%. Từ đó đã cung cấp được hơn 850 nghìn đơn vị chế phẩm máu đến 185 cơ sở y tế thuộc 33 tỉnh, thành phố.
Ðể tiếp tục khẳng định vai trò là đơn vị đầu ngành chuyên khoa huyết học-truyền máu, đồng thời là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, đào tạo và phát triển nhân lực y tế, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cần tập trung triển khai nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, đo lường bằng hiệu quả điều trị và sự hài lòng của người bệnh; phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các dự án tầm soát bệnh thalassemia, hemo philia, hướng tới phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, giảm chi phí và gánh nặng y tế. Ðặc biệt, viện cần phát triển các kỹ thuật di truyền sinh học phân tử, miễn dịch trị liệu, ghép tế bào gốc phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh huyết học.
Mặt khác, viện cần phát triển Trung tâm Máu quốc gia theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm nguồn máu an toàn, chất lượng cho cả tuyến Trung ương và địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Từng bước xây dựng mạng lưới truyền máu quốc gia, dự trữ máu cho quốc phòng và ứng phó thảm họa; hướng đến hình thành các trung tâm máu tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ theo đúng yêu cầu quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chú trọng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực huyết học-truyền máu trên cả nước cùng với tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm và kỹ thuật mới như ghép tế bào gốc, liệu pháp tế bào; đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, góp phần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, giảm tải cho tuyến Trung ương…
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()