Khẳng định vai trò quan trọng của Nga ở châu Âu
Tổng thống Nga V.Pu-tin vừa lần lượt tới Bê-la-rút, Đức và Pháp, trong khuôn khổ chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông trở lại Điện Crem-li. Chuyến thăm nhằm khẳng định vai trò quan trọng của Nga tại châu Âu, cũng như thiện chí gắn kết với các bạn bè truyền thống trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và đối tác Liên hiệp châu Âu (EU).Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Pu-tin chọn Bê-la-rút là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài lần đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba của ông. Bởi Bê-la-rút, nước thành viên SNG, luôn được coi là đồng minh thân cận của Nga trong không gian hậu Xô-viết. Quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Min-xcơ không ngừng phát triển trên cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế, thể hiện qua mối quan hệ bền chặt của Nhà nước liên minh Nga - Bê-la-rút, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB), Không gian kinh tế thống nhất và liên minh thuế quan. Nga coi Bê-la-rút là "bức tường thành" làm chậm kế hoạch "Đông tiến" của NATO. Còn Min-xcơ lại dựa vào Mát-xcơ-va...
Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Pu-tin chọn Bê-la-rút là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài lần đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba của ông. Bởi Bê-la-rút, nước thành viên SNG, luôn được coi là đồng minh thân cận của Nga trong không gian hậu Xô-viết. Quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Min-xcơ không ngừng phát triển trên cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế, thể hiện qua mối quan hệ bền chặt của Nhà nước liên minh Nga – Bê-la-rút, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB), Không gian kinh tế thống nhất và liên minh thuế quan. Nga coi Bê-la-rút là “bức tường thành” làm chậm kế hoạch “Đông tiến” của NATO. Còn Min-xcơ lại dựa vào Mát-xcơ-va để ổn định chính trị và phát triển kinh tế đất nước trước con mắt nhòm ngó của phương Tây.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Pu-tin và người đồng cấp chủ nhà A.Lu-ca-sen-cô nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế; tin tưởng Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ góp phần hình thành sức ảnh hưởng địa – chính trị mạnh mẽ, tạo ra mô hình hợp tác kinh tế mới xuyên suốt từ Li-xbon (Bồ Đào Nha) đến Vla-đi-vô-xtốc (LB Nga). Ông Lu-ca-sen-cô một lần nữa khẳng định Min-xcơ luôn là đồng minh gần gũi và tin cậy của Mát-xcơ-va.
Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 40% và vượt ngưỡng 38 tỷ USD. Ngoài việc là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Nga, Bê-la-rút còn giữ vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực do Mát-xcơ-va khởi xướng. Chuyến thăm Bê-la-rút của Tổng thống Pu-tin chỉ kéo dài nửa ngày, nhưng hai bên đã ký hàng loạt văn kiện hợp tác quan trọng, thể hiện quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Nga và Bê-la-rút.
Sau Bê-la-rút, Tổng thống Pu-tin lần lượt thăm Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu EU, nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa Mát-xcơ-va với Béc-lin và Pa-ri, vốn được xây dựng trên nền tảng tương đối tốt đẹp và ổn định trong hai nhiệm kỳ Tổng thống trước của ông từ năm 2000 đến 2008. Chuyến thăm hai nước Tây Âu cũng thể hiện nỗ lực duy trì chính sách ngoại giao cân bằng đông – tây của Nga, trong đó nổi bật là xu hướng tăng cường hợp tác với từng nước thành viên EU thay vì tập trung vào toàn khối, trong bối cảnh Mát-xcơ-va giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) năm 2013. Trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pu-tin với Thủ tướng Đức A.Méc-ken và Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ, Mát-xcơ-va khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Béc-lin và Pa-ri trên lĩnh vực kinh tế và năng lượng, do Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu.
Dù có quan điểm tương đồng trong một số vấn đề quốc tế, nhưng giữa Tổng thống Pu-tin với Thủ tướng Méc-ken và Tổng thống Ô-lăng-đơ lại có thái độ khác nhau về vấn đề Xy-ri. Trong khi người phụ nữ quyền lực nhất nước Đức và ông chủ Điện Ê-li-dê không giấu giếm ý đồ muốn can thiệp vũ trang vào Xy-ri, thì người đứng đầu Điện Crem-li lại luôn mong muốn giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) C.An-nan, tránh đẩy Xy-ri vào một cuộc nội chiến.
Tiếp đó, Tổng thống V.Pu-tin cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-pơi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) H.Ba-rô-xô, chủ trì Hội nghị cấp cao Nga – EU lần thứ 29 tại TP Xanh Pê-téc-bua, nhằm đánh giá quan hệ hợp tác song phương, đồng thời bàn các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đây là lần đầu ông Pu-tin chủ trì một Hội nghị cấp cao Nga – EU sau khi đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ ba. Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, triển vọng hợp tác kinh tế – thương mại, năng lượng Nga – EU, chế độ thị thực, tiến trình liên kết trong không gian hậu Xô-viết và các vấn đề quốc tế như Xy-ri, I-ran. Ngoài ra, hai bên cũng đề cập tiến trình hợp tác Á – Âu, trong bối cảnh Hội nghị cấp cao APEC sẽ được tổ chức tháng 9 tới, tại TP Vla-đi-vô-xtốc của Nga. Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương đang phát triển năng động và mang tính đối tác chiến lược. EU là đối tác kinh tế – thương mại lớn nhất, chiếm 50% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga. Mát-xcơ-va là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Năm 2011, kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương đạt 394 tỷ USD. Nga và EU bàn việc áp dụng chế độ miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho công dân hai bên.
Chuyến thăm Bê-la-rút, Đức, Pháp và chủ trì Hội nghị cấp cao Nga – EU của Tổng thống Nga V.Pu-tin được dư luận quốc tế đánh giá là nhằm thể hiện trọng tâm chính sách ngoại giao cân bằng đông – tây của Mát-xcơ-va trong thời gian tới. Việc đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các bạn bè truyền thống trong SNG và tăng cường hợp tác, nhất là về kinh tế, với đối tác EU, cho thấy một nước Nga đang hướng tới sự cân bằng chính trị, mềm dẻo quan hệ và hài hòa lợi ích.
Theo Nhandan
Ý kiến ()