Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp
Chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để Quốc hội báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Qua đây để nhân dân theo dõi tiếp tục tham gia ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thảo luận về Lời nói đầu, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đánh giá: Lời nói đầu là một bộ phận quan trọng của mỗi bản Hiến pháp. Tuy nhiên, cách thể hiện, mức độ và liều lượng sự kiện lịch sử đưa vào phần này cần được cân nhắc kỹ, đảm bảo tính hợp lý.
Trên cơ sở kế thừa nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992, Lời nói đầu trong Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn và súc tích hơn, khái quát truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, sự ra đời của Đảng và Nhà nước gắn với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xác định rõ mục tiêu, chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) có quan điểm: Lời nói đầu cần được thể hiện theo hướng khái quát, cô đọng, theo kịp truyền thống lịch sử dân tộc, lịch sử lập hiến của đất nước, thể hiện mạnh mẽ ý nguyện của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, nên viết gọn, nội dung chỉ nên đề cập Hiến pháp là gì; vị trí, vai trò sứ mệnh lịch sử của Hiến pháp. Giọng văn của Lời nói đầu nên theo các bản tuyên ngôn để Hiến pháp thể hiện tính thiêng liêng – đại biểu kiến nghị.
Thảo luận về Điều 4, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành cần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Vì vậy, cần kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan về sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Nhiều ý kiến tán thành với nội dung Điều 4 như Dự thảo đã công bố vì đã thể hiện một cách đầy đủ các nội dung và tinh thần của Cương lĩnh, Điều lệ Đảng về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) dẫn chứng, tuyệt đại đa số ý kiến của cử tri Quảng Nam khẳng định sự cần thiết phải quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đây là sự thừa nhận, là sứ mệnh lịch sử của Đảng trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ hơn nữa về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội.
Khẳng định sự cần thiết quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) nêu rõ đây là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam; là sự lựa chọn lịch sử được nhân dân thừa nhận, là sự ủy quyền, tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng. Hơn nữa, theo đại biểu, quy định này còn phù hợp với truyền thống lập hiến và công ước quốc tế.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang), khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp là đúng đắn và phù hợp với đặc điểm của Việt Nam; thể hiện rõ Đảng được giao trọng trách lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
Thảo luận Chương 2, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhiều ý kiến đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Một số ý kiến đánh giá Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới.
Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương đánh giá, Chương II đã khắc phục được nhiều hạn chế về kỹ thuật lập hiến; cân bằng được cấu trúc giữa các nhóm quyền lực; có sự sửa đổi tư duy về chủ thể quyền lực, thể hiện được bản chất của Hiến pháp là văn bản gốc giữa nhà nước và người dân nhằm thiết lập cơ chế kìm chế quyền lực nhà nước thông qua việc chế định quyền con người và quyền công dân.
Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) thể hiện sự nhất trí cao với việc dự thảo đã bổ sung thêm một nội dung rất quan trọng tại Điều 22 quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Theo đó không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân trừ trường hợp phạm tội quả tang”, việc bắt, giam giữ người do luật định….
Đại biểu nhấn mạnh nội dung này đã khẳng định sự tôn trọng của pháp luật đối với quyền tự do của con người. Để chặt chẽ hơn nữa, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì cần bắt giữ ngay không cần quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát, bởi khi phát hiện 1 người phạm tội quả tang, đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc đã phạm tội nhưng đang tiêu hủy tẩu tán tang vật, đang bỏ trốn nêu không được ngăn chặn, bắt giữ kịp thời thì tội phạm sẽ tẩu thoát hoặc phi tang tang vật… Tuy nhiên đại biểu đề nghị sau khi bắt trong phạm vi sau 24 giờ, Viện kiểm sát phải có quyết định phê chuẩn.
Nhất trí với Điều 47 quy định công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, tuy nhiên đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) vẫn còn băn khoăn với quy định “phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.”
Đại biểu phân tích, “nếu quy định tội phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất thì hình phạt cũng phải cao nhất chứ không có hình phạt nào khác”. Theo đại biểu, để đánh giá mức độ nặng nhẹ của tội phạm phải căn cứ vào nhiều yếu tố chủ thể, khách thể, mặt chủ chủ quan, khách quan của tội phạm để định tội.
Tại phiên thảo luận ngày 3/6, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Chương V về Quốc hội; Chương VI về Chủ tịch nước; Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; kỹ thuật lập hiến…
Theo Chương trình ngày 4/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận cả ngày tại Hội trường về nội dung quan trọng này./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()