Khẳng định vai trò động lực của vùng đồng bằng sông Hồng
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần khẳng định vai trò động lực của vùng đồng bằng sông Hồng.
Trên cơ sở kế thừa triết lý phát triển từ “nâu” sang “xanh” và các quy hoạch chiến lược của tỉnh giai đoạn 2012-2020, cùng với việc chủ động cập nhật các định hướng của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch lớp, đến nay Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu quốc tế như McKinsey và Nikken Sekkei.
Để thống nhất trong nhận thức và hành động, Quảng Ninh đã cùng các tỉnh, thành phố trong vùng triển khai các hợp tác liên kết, như: Hội nghị hợp tác phát triển Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương; Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương... Đồng thời, cùng các tỉnh, thành lân cận họp bàn phương án kết nối, chia sẻ nguồn lực chung; cùng nhau kiến tạo các hành lang giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết, nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị gắn với các hành lang phát triển kinh tế, bảo đảm những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương.
Điển hình như Quảng Ninh quyết tâm đầu tư tuyến đường tỉnh 342 kết nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và đấu nối sang tỉnh Lạng Sơn, tạo kết nối liên vùng và khu vực từ vùng thấp, vùng động lực, vùng phát triển với vùng cao của TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, không chỉ rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển mà còn mở ra cơ hội mới để các khu vực vùng cao phát triển, nhân dân được cải thiện đời sống, phát huy dư địa đất đai…
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với TP Hải Phòng xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà. Đây là lần đầu tiên 2 di sản thiên nhiên thế giới được công nhận trở thành Di sản thế giới thuộc địa bàn 2 tỉnh, thành phố của Việt Nam; cũng như phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng chủ động trong việc hợp tác liên kết liên vùng như xây dựng tuyến vận chuyển hàng giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ, hay tuyến đường biển giữa cảng Cần Thơ (Cần Thơ) và cảng Vạn Ninh (Quảng Ninh) tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản từ miền Nam ra miền Bắc và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được nhanh chóng. Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tổ chức và tham gia các chương trình gặp gỡ đầu xuân Quảng Ninh - Quảng Tây, hay Hội nghị thường niên Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc...
Bằng cách làm chủ động, tích cực, cùng những giải pháp phù hợp đã góp phần quan trọng đóng góp vào kết quả phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt là việc duy trì liên tục 9 năm (2015-2023) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số; tổng thu hút FDI giai đoạn 2021-2023 ước đạt 6.659,9 triệu USD, trong đó năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt con số kỷ lục nhất từ trước đến nay với trên 3,1 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ 3 nhằm đánh giá tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30, nhiều đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương đã vượt qua khó khăn, có những bứt phá mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng. Trong đó, Quảng Ninh nổi lên là điểm sáng khi có những chỉ số ấn tượng.
"Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu toàn vùng với tốc độ GRDP tăng 11,03%, tiếp theo là TP Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên. GRDP bình quân đầu người của Quảng Ninh đạt 231,4 triệu đồng, gấp 1,4 lần năm 2020, cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (331,3 triệu đồng/người). Quảng Ninh cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng hạ tầng tốt nhất; là địa phương có số bác sĩ/vạn dân cao nhất vùng, với 14,7 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đứng thứ 2 trong toàn vùng. Đồng thời, là một trong 2 địa phương có chất lượng lao động cao nhất vùng, với tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ tương ứng là 50,27% và 42,07%. Qua đó góp phần cải thiện chất lượng lao động của vùng, tăng từ 21,3% (năm 2011) lên gần 37% (năm 2021), cao hơn đáng kể so với mức bình quân chung 26,1% của cả nước. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ KHCN cũng đạt kết quả tích cực, tỉnh đã hoàn thành đề án và nghị quyết về phát KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, định hướng đến 2050; tiếp tục triển khai Chương trình phát triển doanh nghiệp KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh đến năm 2025..." - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị.
Những kết quả mà Quảng Ninh đạt được đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Hồng sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng và chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30. GRDP năm 2023 vùng đồng bằng sông Hồng đạt 6,28%, xếp thứ 3/6 vùng; quy mô GRDP chiếm 30,4% GDP cả nước. GRDP quý I/2024 tăng 6,16%, cao hơn mức tăng cả nước (5,66%). Vùng đồng bằng sông Hồng thu hút vốn FDI năm 2023 đạt gần 17,4 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Thu NSNN vùng đồng bằng sông Hồng năm 2023 chiếm 38,6% tổng thu ngân sách cả nước và cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Tinh từ đầu năm đến ngày 7/5, vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 41,6% tổng thu ngân sách cả nước...
Ý kiến ()