Khẳng định vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ngày 3/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và ngày 29/9/2018 ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao. (Ảnh TRẦN HẢI) |
Việc thành lập Ủy ban đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp; qua đó tạo tiền đề để Ủy ban tập trung, thống nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Với nguồn lực chiếm gần 65,3% tổng tài sản, gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước và với các ngành nghề kinh doanh trọng yếu của nền kinh tế (năng lượng, khai khoáng, viễn thông, hạ tầng giao thông, công nghiệp, hóa chất, nông nghiệp…), 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Sau bốn năm chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty cơ bản hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển duy trì liên tục, ổn định. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới thời gian gần đây làm cho một số ít doanh nghiệp giảm lợi nhuận hoặc phát sinh lỗ (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), nhưng tổng thể vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty vẫn bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động được tăng lên; hoàn thành nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển doanh nghiệp cũng như kinh tế-xã hội của cả nước.
Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Cụ thể, thông qua việc cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ quan trọng như điện, than, dầu thô, xăng dầu, hóa chất cơ bản, dịch vụ viễn thông, lương thực, vận tải đường sắt, đường biển, hàng không,…, các đơn vị đã đáp ứng có hiệu quả cho việc bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ trong giai đoạn khó khăn cũng như góp phần vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các tập đoàn, tổng công ty đã triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư 259 nghìn tỷ đồng. Đây có thể nói là một con số ấn tượng, thể hiện rõ vai trò của các doanh nghiệp trong triển khai các dự án đầu tư quan trọng, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; bất ổn địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ nhiều nước tiếp tục thắt chặt, giá dầu biến động và diễn biến đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban.
Trong bối cảnh đó, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban đã sâu sát, kịp thời nắm bắt, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, yếu kém của doanh nghiệp để đề xuất giải pháp khắc phục hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tích cực vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình hình thế giới, chủ động xây dựng nhiều phương án, kịch bản gắn với giải pháp cụ thể phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với sự nỗ lực, phấn đấu, đổi mới tư duy và quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, hoạt động của các doanh nghiệp năm 2022 về cơ bản duy trì ổn định và đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, về sản xuất, kinh doanh: Phần lớn các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trước những biến động thị trường thời gian qua; bảo đảm nhu cầu về điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh; tăng sản lượng khai thác dầu thô, than đá cho nhu cầu của nền kinh tế và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất hóa chất, thép, phân bón, các doanh nghiệp đã tăng cao giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc-quy, thép,…
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh doanh lương thực, trồng, chế biến và sản xuất cao-su, cà-phê, sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần phát triển ngành nông nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Trong lĩnh vực quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để bảo đảm nhu cầu về giao thông, vận tải cho đời sống của nhân dân; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, các đơn vị đã giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc và tiên phong trong chuyển đổi số.
Đặc biệt, một số tập đoàn hoàn thành vượt mức cao kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam… đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh do Ủy ban giao trong năm 2022 sớm từ hai đến bốn tháng.
Về đầu tư phát triển: Các tập đoàn, tổng công ty đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, sát với kế hoạch vốn đầu tư được giao.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dự án quan trọng về năng lượng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm, như: Dự án Nhà máy điện Sông Hậu 1 đi vào vận hành thương mại từ ngày 13/5/2022 và ngày 16/7/2022 chính thức khánh thành; Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện ngày 16/6/2022, vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào ngày 30/11/2022, Tổ máy số 2 đã đốt lửa lần đầu vào ngày 27/8/2022 và dự kiến khánh thành vào 31/12/2022; đã hoàn thành đánh giá các nội dung chính của dự án Nghiên cứu mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và báo cáo Chính phủ tại Văn bản số 3223/DKVN-CNK&LH ngày 15/6/2022; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã khởi công 96 công trình lưới điện và đóng điện 44 công trình lưới điện,…
Các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hàng không: Triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Dự án thành phần 3 – Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tái khởi động Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành,… bảo đảm tiến độ được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Về thực hiện các nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao phó và công tác an sinh xã hội: Các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao, bình ổn thị trường, bảo đảm ổn định xã hội, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của kinh tế nhà nước trong thời điểm nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp nhà nước đối với cộng đồng, xã hội, tập trung huy động các nguồn lực để ủng hộ mạnh mẽ cho hoạt động an sinh xã hội tại các địa phương trên cả nước, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, góp phần làm thay đổi những vùng quê nghèo, mang lại hạnh phúc cho nhiều cảnh đời bất hạnh, cũng như ổn định kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trong cả nước.
Có thể nói, với những nỗ lực, phấn đấu và những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2022 và những năm qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khẳng định được vai trò quan trọng trong quản lý, chỉ đạo hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc. Đồng thời, các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đã giữ vững vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội Nhà nước giao.
Ý kiến ()