Một ca phẫu thuật nội soi ở Bệnh viện Nhi T.Ư.
Trong điều trị cho bệnh nhi, dù điều kiện trang thiết bị còn nhiều hạn chế nhưng các thầy thuốc ở Bệnh viện Nhi T.Ư đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật phức tạp mà thế giới đã nghiên cứu về phẫu thuật nội soi. Ngoài ra, các thầy thuốc ở đây còn nghiên cứu đề xuất năm kỹ thuật mới và nhiều cải tiến kỹ thuật tiên tiến đóng góp quan trọng vào phát triển phẫu thuật nội soi cho trẻ em. Từ vị thế của những người học trò, các thầy thuốc nơi đây đã vươn lên vị thế của người thầy, trở thành trung tâm phẫu thuật nội soi trẻ em hàng đầu trong khu vực và trở thành một trong các trung tâm tiên tiến trên thế giới.
Bắt đầu tiến hành phẫu thuật nội soi lần đầu năm 1997 (trung tâm đầu tiên tiến hành phẫu thuật nội soi trẻ em ở Việt Nam và Đông – Nam Á) đến năm 2001, kỹ thuật này đã được ứng dụng rộng rãi và tiến hành thường xuyên. Đến nay phẫu thuật nội soi được áp dụng cho hơn 40 loại bệnh, mỗi năm tiến hành gần 3.000 trường hợp. Bệnh viện đã ứng dụng thành công các kỹ thuật mổ phức tạp mà thế giới đã tiến hành như: cắt thùy phổi, mổ u nang ống mật chủ, phẫu thuật mổ teo đường mật, phẫu thuật điều trị teo thực quản, phẫu thuật tạo hình thực quản bằng đưa dạ dày lên ổ bụng, tạo hình khúc nối bể thận-niệu quản, điều trị còn ống động mạch… Đáng chú ý, Bệnh viện Nhi T.Ư còn là nơi tiến hành nghiên cứu và thực hiện đầu tiên trên thế giới một số kỹ thuật mổ nội soi phức tạp: Cắt màng tim rộng rãi để điều trị viêm mủ màng ngoài tim bằng nội soi lồng ngực; Mổ thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh đang thở máy cao tần tại buồng hồi sức bằng nội soi lồng ngực; Mổ teo trực tràng bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng kết hợp đường qua hậu môn; mổ cắt thận loạn sản bằng một troca; mổ nối niệu quản-niệu quản bằng một troca hỗ trợ.
GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Hiện nay Bệnh viện Nhi T.Ư là một trong những trung tâm hàng đầu trên thế giới về mổ u nang ống mật chủ và thoát vị cơ hoành bẩm sinh. Ở nước ta, đến nay đã có 450 trường hợp u nang ống mật chủ được phẫu thuật, đây là số lượng lớn nhất so các trung tâm khác trên thế giới với kết quả tốt: không có tử vong, tỷ lệ biến chứng thấp. Đối với phương pháp nội soi phẫu thuật bệnh lý thoát vị cơ hoành trên bệnh nhi đã được bệnh viện ứng dụng sớm và Việt Nam trở thành nước thứ ba trên thế giới thực hiện thành công phương pháp này. Điều đáng chú ý là, bệnh viện đã cải tiến kỹ thuật tiến thêm một bước mổ nội soi thoát vị cơ hoành trên bệnh nhân nhi sơ sinh. Thành công này đã được giới y học thế giới ghi nhận Việt Nam là nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật đó trên trẻ sơ sinh. Bên cạnh kỹ thuật mổ cắt nang và nối ống gan chung với ruột non, các bác sĩ đã nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật và chứng minh được kỹ thuật nối ống gan chung với tá tràng là một kỹ thuật đơn giản hơn, thời gian mổ ngắn hơn nhưng cho kết quả tương đương. Bệnh viện Nhi T.Ư là một trong hai trung tâm trên thế giới lần đầu tiến hành điều trị thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở tuổi sơ sinh bằng nội soi lồng ngực. Đến nay hơn 200 bệnh nhi được điều trị với một số cải tiến quan trọng đạt kết quả tốt hơn hầu hết các trung tâm trên thế giới: tỷ lệ chuyển mổ mở thấp hơn, tỷ lệ tái phát thấp hơn. Gần đây nhất, Bệnh viện Nhi T.Ư đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ tủy xương chữa bệnh ly thượng bì bọng nước cho em bé bốn tuổi và đã tiến hành ca ghép tiếp theo cho một cháu bé khác. Đây là trung tâm thứ hai trên thế giới điều trị căn bệnh nan y bằng phương pháp này.
GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, người thực hiện thành công các kỹ thuật đó đã được mời mổ trình diễn u nang ống mật chủ tại Đài Loan (Trung Quốc), Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a và được mời giảng bài tại Ô-xtrây-li-a, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái-lan, Ma-lai-xi-a và nhiều hội nghị quốc tế; đồng thời cũng được mời giảng bài về phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị cơ hoành tại hội nghị khoa học của liên đoàn phẫu thuật Nhi thế giới tổ chức tại Ấn Độ và Ma-lai-xi-a… Bệnh viện Nhi T.Ư không chỉ là trung tâm đào tạo về phẫu thuật nội soi trẻ em cho Việt Nam mà còn góp phần đào tạo nhiều phẫu thuật viên quốc tế khi có hàng chục phẫu thuật viên từ nhiều nước đến học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật.
Kỹ thuật ghép tạng được ứng dụng ở nước ta từ lâu, ban đầu là ghép thận, sau đó là đến ghép gan và đỉnh cao là trong năm 2011, khi các thầy thuốc của các Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức và Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện thành công các ca ghép tim từ người cho chết não. Riêng các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức còn ghép đa tạng (thận, gan, tim). Sau gần một năm ghép tim, cuộc sống của ông Nguyễn Văn Giác ở Hải Phòng (người được ghép tim trong ca ghép đa tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) và anh Trần Mậu Đức ở TP Huế (người được ghép tim ở Bệnh viện T.Ư Huế) đã trở lại bình thường. Đóng góp vào thành công đó phải kể tới người không may chết não đã hiến tặng một phần cơ thể mình cho người bệnh.
Thành công này đã giúp các thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức nhận được giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011 với đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận, tim lấy từ người cho chết não”. PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức cho biết: Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng chẳng những mang lại cơ hội sống cho nhiều người bị suy tạng giai đoạn cuối tưởng vô phương cứu chữa, trong đó có hàng nghìn người đang chờ ghép mà còn góp phần làm giảm tình trạng mua bán cơ quan, bộ phận cơ thể người, một vấn đề phức tạp hiện nay nhiều nước trên thế giới đang phải đối đầu. Lấy tạng từ người cho chết não là việc làm đúng pháp luật, minh bạch và phù hợp nhu cầu của người bệnh và đạo đức xã hội. Thành công này còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Bởi lẽ, hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng một phần ba khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn, chi phí ghép thận ở các nước cùng khu vực sẽ mất khoảng 35 nghìn USD, còn tại Bệnh viện Việt – Đức thì chi phí khoảng hơn 10.000 USD. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ một đến 1,5 tỷ đồng. Vì thế, ghép tạng ngay trong nước giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Qua đó làm giảm số người bệnh trong nước ra nước ngoài ghép tạng.
Đến nay, tại Bệnh viện Việt – Đức đã có năm trường hợp chết não hiến tạng và đã ghép tim cho một trường hợp, hai người được ghép gan, 10 người được ghép thận, hai người được ghép van tim. Người bệnh được ghép tạng cuộc sống đã thật sự được đổi thay. Họ đã có cuộc sống đúng nghĩa, rời xa giường bệnh, không phải thường trực ám ảnh về cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
GS, TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế chia sẻ, thực hiện thành công các ca ghép tim trên người của chính đội ngũ thầy thuốc trong nước đã đưa Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ ghép tim thế giới, mở ra niềm hy vọng mới cho các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Thành công đó còn góp phần đào tạo, hoàn thiện kỹ năng cho các cán bộ y tế chuyên ngành tim mạch: phẫu thuật viên, gây mê hồi sức, nội khoa, miễn dịch cũng như các chuyên khoa cận lâm sàng liên quan. Đây cũng là cơ sở để áp dụng cho phẫu thuật ghép cả tim và phổi sau này. Từ thành công của ca ghép tim trên người, các thầy thuốc Bệnh viện T.Ư Huế đã hoàn thiện sáu quy trình về: chuẩn bị điều trị người bệnh chờ ghép tim; chẩn đoán và hồi sức người cho tim chết não; phẫu thuật lấy, rửa, bảo quản tim và phẫu thuật ghép tim; gây mê hồi sức cho ghép tim; điều trị theo dõi sau ghép tim và một mô hình về hệ thống tổ chức ghép tim lấy từ người cho chết não. Đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện T.Ư Huế” đạt đồng giải nhất Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2011 và được tôn vinh trong Chương trình vinh quang Việt Nam.
Việc nghiên cứu, ứng dụng thành công các thành tựu trong khám, chữa bệnh của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã tác động tích cực tới lòng tin của người dân vào nền y học nước nhà, sánh vai với các trung tâm y tế uy tín ở khu vực và thế giới.
Ý kiến ()