Khẳng định sức sống năng động và tầm vóc mới của ASEAN
Với Hàng chục hội nghị cũng như các cuộc tiếp xúc song phương bàn về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm diễn ra liên tiếp trong ba ngày tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan đã khẳng định tầm vóc mới của Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) trong Năm việt nam là Chủ tịch ASEAN 2010.'Hà Nội, nơi dõi theo của cả thế giới'Tổng Thư ký ASEAN X.Pít-xu-văn, người đi đi về về Thủ đô Hà Nội cả chục lần trong năm qua, đã nở nụ cười tươi khi phát biểu ý kiến với các phóng viên như thế. Ông hẳn đã không quá lời bởi trong những ngày cuối tháng 10 này, Thủ đô nghìn năm tuổi của chúng ta một lần nữa được bạn bè khắp năm châu nhắc tới nhờ sự có mặt của gần 900 phóng viên quốc tế và khoảng 400 phóng viên trong nước, trong đó có các cơ quan thông tấn báo chí lớn của khu vực và thế giới. Chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN 17 và các...
'Hà Nội, nơi dõi theo của cả thế giới'
Tổng Thư ký ASEAN X.Pít-xu-văn, người đi đi về về Thủ đô Hà Nội cả chục lần trong năm qua, đã nở nụ cười tươi khi phát biểu ý kiến với các phóng viên như thế. Ông hẳn đã không quá lời bởi trong những ngày cuối tháng 10 này, Thủ đô nghìn năm tuổi của chúng ta một lần nữa được bạn bè khắp năm châu nhắc tới nhờ sự có mặt của gần 900 phóng viên quốc tế và khoảng 400 phóng viên trong nước, trong đó có các cơ quan thông tấn báo chí lớn của khu vực và thế giới. Chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN 17 và các HNCC liên quan của lãnh đạo mười nước ASEAN với lãnh đạo các đối tác đối thoại của Hiệp hội, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cũng như các chuyến thăm chính thức Việt Nam dịp này của Tổng thống Phi-li-pin, Tổng thống In-đô-nê-xi-a, Tổng Thư ký LHQ, Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật Bản bàn những vấn đề thời sự của khu vực và quốc tế, của hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước, được các nhà báo quan tâm phản ánh. Sự có mặt lần đầu của Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 5 với tư cách khách mời đặc biệt của nước Chủ tịch ASEAN 2010 Việt Nam, trong nỗ lực mở rộng cơ chế hợp tác này đã gây tiếng vang đối với dư luận khu vực và quốc tế. Từ Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Thủ đô Hà Nội, những tin tức nóng hổi nhất của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác và giữa các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… được phát đi, trong một bầu không khí làm việc khẩn trương và cạnh tranh từng phút của các hãng NHK, A-sa-hi TV, AP, Bưu điện Oa-sinh-tơn, Thời báo Niu Oóc, hay các mạng tin của báo Dân tộc, Béc-na-ma, Ngôi sao… Sinh viên Nguyễn Phương Linh, một trong số gần 200 tình nguyện viên phục vụ các đoàn đại biểu quốc tế, chia sẻ: 'Điều gây ấn tượng nhất đối với em là sự quan tâm của báo chí quốc tế đối với HNCC ASEAN 17. Họ đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương. Mỗi một nước lại có nhiều hãng báo chí khác nhau cho thấy mức độ quan tâm thông tin của họ về các hội nghị là rất lớn'. Trò chuyện với phóng viên Việt Nam, đồng nghiệp của tờ Bưu điện Băng-cốc A.Cha-rô-en-pô vui vẻ nói: 'Tôi khá hài lòng với các bữa ăn chính và phụ dành cho phóng viên trong hội nghị. Về mặt kỹ thuật, tôi cũng có thể sử dụng máy móc tại đây để gửi tin bài về tòa soạn một cách thuận lợi và dễ dàng'. Thế nhưng, không phải ai trong số những nhà báo tác nghiệp ở Mỹ Đình đều hân hoan. Cả tiếng chờ đợi để đưa thông tin về các hội nghị, chúng tôi nhiều phen chứng kiến 'bữa tiệc hội nghị' đã khiến cánh phóng viên… phờ phạc trông thấy.
Tâm điểm của hợp tác ASEAN
Trong họp báo kết thúc các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 vui mừng thông báo những kết quả đã đạt được trên ba nội dung chính là xây dựng Cộng đồng ASEAN; quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN; phát triển bền vững và ứng phó những thách thức toàn cầu. Những kết quả đó đã khẳng định quyết tâm của ASEAN đẩy mạnh các hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, thể hiện qua việc thông qua Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN nhằm tăng cường kết nối về hạ tầng, thể chế và người dân ASEAN; Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và Tuyên bố về Tăng cường phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Để tiến lên phía trước, bắt kịp xu hướng của thời đại, không cách nào khác ASEAN cần phải kết nối. Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN là một kế hoạch rất lớn của ASEAN bao quát từ kết nối hạ tầng vật chất, về thể chế và kết nối con người với con người. Các nước ASEAN đều nhận thấy, một trong những đòn bẩy để hiện thực hóa việc kết nối thành công chính là sự vươn lên của mỗi thành viên và sự hỗ trợ của các đối tác của Hiệp hội. Tổng Thư ký ASEAN X.Pít-xu-văn cho rằng, ASEAN phải có sự phối hợp chặt chẽ và phải kêu gọi sự hòa nhập hiệu quả hơn giữa các thành viên. Ông nói: 'Năm nay là năm đầu tiên ASEAN thực hiện Hiệp định Thương mại tự do song phương với các đối tác chính. Tôi nhận thấy các thành viên trong ASEAN đều đang tự điều chỉnh mình rất tốt với những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ để bảo đảm cam kết với các thị trường lớn. Đây cũng là thời điểm chúng ta cần cởi mở sự đối thoại với các đối tác lớn. Đây là thời điểm quan trọng cho ASEAN và cho cả Đông Á'.
Bộ trưởng Ngoại giao In-đô-nê-xi-a M.Na-ta-lê-ga-oa cũng chia sẻ quan điểm nói trên khi cho rằng, với việc thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN tại hội nghị lần này, ASEAN sẽ là nhân tố kết nối. Bộ trưởng cho biết, hiện có hơn 700 dự án kết nối giữa ASEAN với các đối tác Đông Á và tin tưởng sẽ ngày càng có nhiều dự án hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Kết quả của những nỗ lực
ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những hình thức hợp tác, liên kết đa dạng và gắn kết hơn, có vị thế quan trọng hơn đối với khu vực và quốc tế. Đó là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN cũng như từ sự đóng góp tích cực, có hiệu quả từ các đối tác đối thoại của Hiệp hội. 43 năm qua, sự vươn lên từ chính Hiệp hội đã đưa khu vực Đông – Nam Á trở thành một thực thể hấp dẫn nhiều đối tác lớn từ bên ngoài. ASEAN ngày nay là một thị trường lớn, có dân số khoảng 580 triệu người, GDP khoảng 1.280 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu 750 tỷ USD. Trong khi châu Á được coi là một 'đầu tàu' giúp vực dậy nền kinh tế thế giới bước qua cơn 'bĩ cực' sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thì ASEAN được các thể chế kinh tế thế giới trông đợi sẽ là khu vực sớm phục hồi kinh tế nhất. Thành lập một cộng đồng kinh tế chung, ASEAN có thể hình thành một trung tâm phát triển kinh tế lớn thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một sức hấp dẫn đáng tự hào của ASEAN.
Trong tiến trình phát triển tiếp theo, có thể nói, việc mở rộng cơ chế hợp tác của ASEAN, trong đó có hợp tác Đông Á sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN một khi vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc này luôn được bảo đảm. Quá trình hội nhập kinh tế Đông Á của ASEAN bắt đầu từ năm 1997 với ba đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (ASEAN 3), sau đó mở rộng thêm Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân (ASEAN 6). Những năm gần đây, cơ cấu thị trường xuất khẩu của ASEAN sang các nước trong EAS liên tục tăng. Năm 2009, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và sáu nước đối tác là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Độ đạt hơn 500 tỷ USD, chiếm tới hơn 32% thương mại của ASEAN. Tại kỳ hội nghị lần này, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã mời Nga và Hoa Kỳ tham gia EAS với tư cách khách mời đặc biệt để Tổng thống hai nước này sẽ chính thức tham dự EAS 2011. Nói về cấu trúc hợp tác mới này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn khẳng định, sự trở lại Việt Nam lần thứ hai trong năm nay của bà không chỉ cho thấy Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam mà còn thể hiện mối quan tâm của Hoa Kỳ với khu vực Đông – Nam Á và cả Đông Á. Tổng Thư ký ASEAN X.Pít-xu-văn tin tưởng, với sự tham gia của Nga và Mỹ vào hợp tác Đông Á, khu vực có tổng thu nhập GDP khoảng 30 nghìn tỷ USD/năm này sẽ là động lực phát triển cho toàn cầu.
Tiếng nói của ASEAN đã được lắng nghe ở các diễn đàn, tổ chức và tài chế quốc tế có uy tín. Với tư cách đại diện của Việt Nam và của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao G20 lần thứ tư tại Ca-na-đa hồi tháng 6 vừa qua nhằm góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu, quá trình xây dựng thể chế G20 và xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu phù hợp lợi ích của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã một lần nữa khẳng định vai trò của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong cộng đồng quốc tế…
Loạt hội nghị cấp cao cuối cùng trong năm Việt Nam chủ trì tổ chức với cương vị Chủ tịch ASEAN 2010 vừa khép lại với những dấu ấn đẹp đẽ để lại trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế. Những sáng kiến và đề xuất của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2010 được các nước ASEAN cũng như các đối tác đối thoại của Hiệp hội đánh giá cao. Bộ trưởng M.Na-ta-lê-ga-oa tin tưởng, từ những thành công của Việt Nam, In-đô-nê-xi-a với vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2011, sẽ tiếp tục triển khai những sáng kiến và đề xuất đưa ra tại hội nghị lần này, tạo cơ hội để tăng cường hợp tác nhằm hướng tới Tầm nhìn ASEAN và xây dựng thành công Cộng đồng vào năm 2015.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()