Khẳng định niềm tin với người tiêu dùng
LSO-Ngày nay, khi mà môi trường đang ngày một xấu đi do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng và khai khoáng của con người, những sản phẩm, nguyên liệu, vật liệu...thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo chất lượng sẽ dần chiếm ưu thế trên thị trường. Gạch xây không nung là một trong những sản phẩm như vậy.
Gạch bê tông Phú Lộc chuẩn bị đưa đi tiêu thụ |
Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2010, trong mục tiêu phát triển vật liệu xây không nung thì gạch xi măng, cốt liệu sẽ chiếm 74% thị trường gạch xây dựng vào năm 2015 và 70% vào năm 2020, còn lại là các vật liệu xây không nung khác như: gạch bê tông khí chưng áp AAC, gạch bê tông bọt, gạch silicat. Nguyên liệu để sản xuất gạch chủ yếu là sử dụng những phế thải của các ngành công nghiệp như tro – xỉ, mạt đá…không cần dùng đến đất sét và than là những nguồn tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm được nguồn nguyên liệu, năng lượng cho quốc gia và giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Ngoài ra, sản xuất gạch không nung sẽ tiết kiệm được hàng trăm ha đất nông nghiệp và một phần lớn diện tích đất chứa phế thải, rất cần thiết với điều kiện tự nhiên của các tỉnh miền núi như Lạng Sơn.
Với tính chịu lực cao, thời gian xây dựng nhanh, đặc biệt là giá thành hợp lý cho xây dựng, nhất là các vùng nông thôn nên số lượng gạch bê tông được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường ngày một tăng. Chỉ tính riêng tại huyện Cao Lộc – huyện có số lượng cơ sở sản xuất gạch bê tông khá nhiều trên địa bàn tỉnh, trong quý I năm 2014 đã tiêu thụ hơn 600 nghìn viên. Ông Lê Đức Cường, Giám đốc Nhà máy sản xuất gạch Phú Lộc tại thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết: thực hiện theo chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển vật liệu xây không nung, năm 2010, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Lộc đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch bê tông Phú Lộc với công nghệ nhập ngoại. Từ khi có sản phẩm đến nay, số lượng gạch tiêu thụ ngày một tăng. Trong hai năm gần đây, mặc dù kinh tế khó khăn, công trình xây dựng không nhiều nhưng năm 2012, nhà máy vẫn tiêu thụ được 4 triệu viên, năm 2013 đạt xấp xỉ 7 triệu viên và năm nay, nhà máy phấn đấu đạt mức tiêu thụ 8 triệu viên.
Với người tiêu dùng, gạch bê tông có nhiều yếu tố để tạo được sự ưa chuộng và niềm tin cho công trình xây dựng. Chị Lương Thu Hương, ở ngõ 1 Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn tâm sự: năm nay, thấy mọi người bảo xây nhà năm nhuận sẽ có lộc nên gia đình chị đang xây dựng căn nhà mới để ở. Sau khi đi tìm hiểu, chị đã quyết định xây bằng gạch bê tông. Gia đình xây công trình nhà 2 tầng với 70m2 một sàn nhưng chỉ sau gần 2 tháng xây dựng đã hoàn thiện phần thô với giá thành 600 nghìn đồng/m2 sàn. Đến nay, gia đình rất hài lòng với việc chọn gạch bê tông để xây dựng, bởi tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng nhanh.
Qua khảo sát nhu cầu thực tế, hiện nay tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất gạch bê tông với máy móc, công nghệ hiện đại, nhất là ở các vùng nông thôn. Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: vừa qua, tỉnh đã phê duyệt 5 đề án khuyến công địa phương hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ vào sản xuất. Trong đó, có 2 đề án hỗ trợ sản xuất gạch xây không nung ở thôn Phai Đeng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng và khu phố I, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình. Trước khi quyết định xây dựng đề án khuyến công, cán bộ trung tâm đã đi khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế thấy số lượng công trình xây dựng bằng gạch bê tông không nung ngày một tăng. Người dân đã nhận thấy hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng công trình từ việc lựa chọn gạch xây không nung vào xây dựng. Theo đà phát triển như hiện nay, gạch không nung sẽ dần thay thế các loại vật liệu truyền thống thông thường.
ANH DŨNG
Ý kiến ()